Với nhiều nhà bán lẻ, hàng Việt đã trở thành động lực tăng trưởng khi không chỉ kinh doanh thành công ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu.
Hành trình 15 năm và hơn thế nữa
Bộ Công Thương vừa tổ chức gala 15 năm ngành công thương thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương, địa phương và 500 đại biểu thuộc các đơn vị trong ngành công thương tham dự sự kiện.
Tham gia phiên thảo luận "Tự hào hàng Việt Nam - Hành trình khát vọng", ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - đã chia sẻ hành trình nhà bán lẻ Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của hàng Việt và trở thành động lực phát triển của Saigon Co.op.
Nhớ lại những ngày đầu cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được khởi xướng, Saigon Co.op là kênh bán lẻ thuần Việt đầu tiên tham gia chương trình. Và sau 15 năm, nhà bán lẻ Việt đã có sự gắn bó mật thiết với thành công của chương trình.
"Là đơn vị thuần Việt, do người Việt xây dựng và vì người Việt phục vụ, Saigon Co.op luôn gắn bó với hàng Việt, thị trường Việt Nam. Đến thời điểm này, hàng Việt đã "ăn vào máu thịt" của tập thể những người lao động trong Saigon Co.op và là động lực phát triển của Saigon Co.op", ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Thực tế từ nhiều năm nay, Saigon Co.op đã có chương trình "Tự hào hàng Việt", từ quy mô ban đầu diễn ra trong tuần lễ, chương trình được nhân rộng kéo dài một tháng và luôn nhận được sự đón nhận tích cực từ các nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng.
Tự hào hàng Việt là điểm nhấn trong chiến lược kinh doanh của Saigon Co.op: đồng hành và ủng hộ hàng Việt trong mọi hoạt động.
Trong 35 năm hình thành và phát triển, Saigon Co.op luôn hỗ trợ hàng Việt bằng chính sách ưu tiên trưng bày quảng bá, triển khai các chương trình kích cầu mua sắm. Saigon Co.op kết hợp chặt chẽ cùng các đối tác góp phần đưa hàng Việt, hàng sản xuất trong nước có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Đại diện Saigon Co.op nhấn mạnh sự tiên phong trong việc phát triển hàng Việt Nam giữa bối cảnh hội nhập quốc tế là mối quan hệ mật thiết giữa Saigon Co.op và hàng Việt. Trong 15 năm qua, với Saigon Co.op có những sự chuyển mình rất lớn mà cuộc vận động đem lại.
Cụ thể, sự thành công đã vượt qua khuôn khổ của cuộc vận động, không chỉ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt mà hàng Việt còn từng bước chinh phục thị trường nước ngoài thông qua số lượng hàng Việt được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp có động lực nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá cả để hàng Việt Nam thực sự hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Mới đây nhất là thông qua công ty con - Công ty TNHH MTV Phân phối Saigon Co.op (SCD) - Saigon Co.op đã xuất khẩu thành công hai container hàng nhãn riêng Co.op Select tiến thẳng vào thị trường Mỹ.
Dự kiến trong những tháng cuối năm, SCD sẽ hoàn tất xuất khẩu 20 container qua thị trường nước ngoài.
Hiện SCD tập trung xuất khẩu đến các thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, các nước Trung Đông. Kế hoạch năm 2025, SCD dự kiến xuất từ 120 - 150 container, với giá trị ước đạt 120 tỉ VND.
"Có lẽ kết quả từ cuộc vận động được cô đọng trong hai cụm từ "Chuyển biến mạnh mẽ, hiểu và thương hàng Việt" của người tiêu dùng Việt và của cả thị trường quốc tế đối với hàng Việt" - ông Nguyễn Anh Đức bày tỏ.
Người tiêu dùng toàn cầu đón nhận hàng Việt
Theo ban tổ chức chương trình, trải qua 15 năm triển khai, cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay. Tỉ lệ nhập siêu giảm, tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cán cân đối lớn của nền kinh tế.
"Thông qua cuộc vận động, người tiêu dùng Việt Nam trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
Phó thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, phó thủ tướng đề nghị các bên liên quan cần đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống.
Về phía nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng xu hướng của các doanh nghiệp Việt Nam có sự thay đổi, có những doanh nghiệp trước đây chỉ chú trọng thị trường quốc tế thì 5 năm trở lại đây, họ đã quay trở lại thị trường trong nước. Việc này thể hiện trình độ phát triển của thị trường trong nước ở mức cao hơn, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa của thị trường trong nước.
"Đâu đó của sự dịch chuyển này còn là tình yêu, tình thương với khía cạnh khai thác hàng Việt với dịch vụ Việt Nam", lãnh đạo Saigon Co.op nhìn nhận.
Thay đổi trong tư duy về tiêu dùng hàng Việt
Theo Bộ Công Thương, nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam", "Tinh hoa hàng Việt Nam"; trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận