Phóng to |
Xã viên Hợp tác xã mây tre lá xuất khẩu mành trúc Bình Minh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trang trí mành trúc xuất khẩu qua Nhật, châu ÂuẢnh: L.S. |
Sở Công thương TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển trung tâm WTO ngày 23-11 tổ chức hội thảo đánh giá tác động sau hai năm thực hiện VJEPA và hỗ trợ vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu từ Nhật Bản.
Xuất siêu sang Nhật
Ông Huỳnh Khánh Hiệp - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết sau khủng hoảng kinh tế năm 2009 xuất khẩu sang Nhật của TP.HCM trong năm 2010 đã đạt 1,81 tỉ USD, tăng 21,5%, Nhật tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu đều tăng Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Nhật của TP.HCM trong năm 2010 là dệt may đạt 445,8 triệu USD (tăng 6,2%), sản phẩm điện và dây cáp điện 213,9 triệu USD (tăng 43,3%), hải sản 134,3 triệu USD (tăng 20,5%), giày dép các loại 60 triệu USD (tăng 69,4%), rau quả 22,8 triệu USD (tăng 132,6%)... |
Theo tùy viên kinh tế Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Tadashi Kikuchi, kim ngạch thương mại hai nước tăng trên 20% so với cùng kỳ 2010 và hàng hóa VN xuất khẩu sang Nhật sẽ còn phát triển hơn nữa.
Ông Bùi Huy Sơn, vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), cho biết trong mười tháng đầu năm 2011, VN xuất khẩu hơn 8,54 tỉ USD, nhập khẩu gần 8,4 tỉ USD từ Nhật (VN xuất siêu gần 150 triệu USD).
Bén rễ
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật, tiềm năng của thị trường này còn rất lớn. Ông Tadashi Kikuchi phân tích muốn đi sâu vào thị trường Nhật, các doanh nghiệp VN phải nghĩ đến chiến lược tiếp cận lâu dài, đặt mối quan hệ dài hạn với đối tác Nhật, tăng cường thu thập thông tin doanh nghiệp Nhật, tham gia khảo sát thị trường để hiểu văn hóa kinh doanh, tìm đối tác.
Ông Mai Đình Kiêm, giám đốc Công ty thảm thêu len Sài Gòn, cho biết vừa xuất sang Nhật một lô hàng các loại thảm truyền thống VN hoa văn trống đồng, tứ long, chữ “công”, “thọ”, “hỷ”... làm bằng len lông cừu. “Muốn tồn tại ở thị trường Nhật, doanh nghiệp VN phải am hiểu mẫu mã thiết kế thịnh hành ở Nhật, kết hợp văn hóa truyền thống VN, sản phẩm sạch 100%, không ô nhiễm môi trường, không tích điện...” - ông Kiêm cho hay.
Còn ông Nguyễn Thoại Hồng, phó tổng giám đốc Công ty CP cáp nhựa Vĩnh Khánh, cho biết doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm chữ tín nên cho dù lỗ trong vài đơn hàng cũng phải đảm bảo cam kết về thời gian giao hàng. Ông kể đã có nhiều chuyến hàng do cúp điện nên thời gian sản xuất chậm trễ, thay vì chuyển bằng đường biển, công ty đã phải chuyển hàng sang Nhật bằng máy bay với chi phí cao hơn nhiều, đảm bảo thời gian giao hàng.
“Xuất hàng sang Nhật phải đảm bảo bao bì trang trọng, sạch sẽ, đúng kích thước, hấp dẫn, chi phí bao bì chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản phẩm” - ông Hồng nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Huy Sơn, ngoài những yêu cầu khắt khe như chất lượng hàng hóa đòi hỏi rất cao, yêu cầu môi trường, nhà xưởng, kho bãi, năng lực sản xuất... để có thể đưa hàng hóa, sản phẩm VN vào hệ thống phân phối chuyên nghiệp của Nhật, đòi hỏi các doanh nghiệp VN cần phải nỗ lực nếu muốn làm ăn lâu dài với thị trường này.
Nhiều mặt hàng giảm thuế Theo lộ trình VJEPA, từ tháng 10-2009 có 24 dòng thuế Nhật cam kết cho VN ở mức tốt nhất, như: mật ong (hạn ngạch 100 tấn/năm tăng dần lên 150 tấn/năm) thuế suất trong hạn ngạch là 12,8%; gừng, tỏi, vải, hạt tiêu (sẽ xóa bỏ dần thuế quan đối với hạt tiêu, ngô ngọt trong 5-7 năm); cà phê và chè (trà) sẽ cắt giảm dần thuế suất xuống 0% trong vòng 15 năm; sầu riêng (thuế suất 0%); hoa quả chế biến: thuế suất đối với cà ri và các sản phẩm từ cà ri sẽ giảm xuống còn 0%. Tôm xuất khẩu sang Nhật được hưởng ngay 0%, mực, bạch tuộc sẽ hưởng thuế 0% sau năm năm; các sản phẩm cua, ghẹ... 23/30 mặt hàng nông, lâm thủy sản có giá trị xuất khẩu cao nhất của VN sang Nhật được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc không quá 10 năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận