18/04/2016 08:51 GMT+7

Hàng vạn nhà thành hầm ở TP.HCM vẫn chờ hỗ trợ

D.N.HÀ - M.HOA
D.N.HÀ - M.HOA

TTO - Nhiều bạn đọc ở TP.HCM gọi điện phản ảnh nhiều nhà dân bị ảnh hưởng bởi đường mới nâng cấp vẫn khốn khổ vì chưa được hỗ trợ dù TP đã có chủ trương này.

Nhiều nhà thấp hơn mặt đường khiến cuộc sống của người dân hẻm 574 đường Kinh Dương Vương gặp khó khăn - Ảnh: Văn Tiên
Nhiều nhà thấp hơn mặt đường khiến cuộc sống của người dân hẻm 574 đường Kinh Dương Vương gặp khó khăn - Ảnh: Văn Tiên

Ông Huỳnh Minh Hùng, phó chủ tịch UBND Q.6, cho biết quận đã vận dụng tất cả các khoản hỗ trợ có thể để giúp người dân sửa nhà như cho vay từ quỹ của Liên đoàn Lao động, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ của Hội Phụ nữ... Tuy nhiên, số lượng hộ dân được hỗ trợ không nhiều.

Xoay xở cải tạo lại nhà

Hiện trên địa bàn Q.6 còn 617 trường hợp bị ảnh hưởng bởi đường mới nâng cấp cao hơn nền nhà, trong đó có nhiều nhà thấp hơn mặt đường tới hơn 1m.

Sau ba lần nâng nền nhà, căn nhà của bà Hà Thị Long (đường Lò Gốm, P.7, Q.6) trở nên kỳ dị, với chiều cao chỉ còn khoảng 2m, nhưng so với mặt đường thì nền nhà vẫn còn thấp hơn tới 1m. Bà nói giờ chỉ còn cách phá bỏ nhà cũ, xây nhà mới chứ không thể sửa chữa thêm được nữa.

UBND P.7 có gợi ý cho bà Long vay vốn của Hội Liên hiệp phụ nữ để sửa nhà, nhưng theo bà Long, mỗi hộ chỉ vay được vài chục triệu đồng, không thể xây được nhà mới. Vậy là gia đình bà Long đành chấp nhận sống dưới mặt đường tới tận bây giờ, mỗi lần muốn ra khỏi nhà phải leo lên con dốc cao, dắt xe cộ ra cũng khó.

“Khi dự án đang thực hiện, tôi và nhiều người dân đã đề nghị Nhà nước phải xem xét hỗ trợ cho dân xây lại nhà mới nhưng được trả lời là dự án không có chính sách hỗ trợ. Gần đây nghe tin chính quyền đang tìm cách hỗ trợ người dân nhưng chờ hoài chưa thấy triển khai” - bà nói.

Còn nhà của ông Đặng Tấn Nhơn ở đường Lò Gốm cũng thấp hơn mặt đường hơn 1m. Từ sân vô tới nhà chính của ông Nhơn được thiết kế thành ba cấp với độ cao khác nhau. Nền nhà chính chỉ còn cách sàn gác chưa tới 2m là vị trí có nền nhà thấp nhất.

Phần đất trước đây là sân thì được che thêm mái tôn để thành nhà trước có nền cao hơn nhà chính khoảng 0,7m, giữa nhà chính và nhà trước có một bậc tam cấp nối ở giữa. Nền nhà trước thấp hơn vỉa hè khoảng 0,5m...

Ông Nhơn cho biết gia đình đã tu bổ hai lần để hạn chế những bất tiện do chênh lệch độ cao giữa nền nhà với mặt đường, tốn gần 100 triệu đồng. Giờ gia đình đang chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới có khả năng cải tạo lại nhà vì hiện giờ không thể sửa chữa đối phó như những lần trước được nữa.

Phải gấp rút khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn TP có bốn quận có nhà dân bị ảnh hưởng bởi các dự án làm đường mới. Nhiều nhất là Q.8 có đến 7.315 hộ dân đã, đang và dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm.

Trong đó, 2.136 nhà dân thuộc 15 dự án thấp hơn mặt đường khoảng 0,4m; 4.200 nhà dân thấp hơn mặt đường 1m...

Đường Phạm Văn Đồng đi qua địa bàn Q.Thủ Đức có độ cao hơn mặt đường cũ từ 1,7m làm nhà dân thấp hơn mặt đường hiện hữu và gây lún nứt cho 51 căn nhà. Dự án cống thoát nước đường Tam Bình làm 33 nhà dân thấp hơn mặt đường 1-1,7m.

Đường Phạm Văn Đồng đi qua Q.Bình Thạnh cũng làm ảnh hưởng đến 41 nhà, đường Phan Chu Trinh mới làm cũng làm cho 16 nhà cao hơn mặt đường khoảng 1,6m và 16 nhà khác thấp hơn mặt đường khoảng 1,2m.

Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm mà dự án đã kết thúc thì Nhà nước hỗ trợ các hộ được vay vốn ưu đãi để cải tạo, sửa chữa phần nhà ở bị thiệt hại.

Cụ thể, những hộ gia đình có tài sản thế chấp thì được vay từ Quỹ phát triển nhà ở tối đa 500 triệu đồng. Hộ dân không có tài sản thế chấp thì được vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 30 triệu đồng/hộ với lãi suất 3%/năm.

Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND TP chính sách bồi thường cho các hộ gia đình bị thiệt hại bởi các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong thời gian tới.

Theo đó, chủ đầu tư phải khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại đối với nhà dân và đưa vào phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Chủ nhà sẽ được bồi thường để sửa chữa, cải tạo nhà hoặc bồi thường để xây dựng mới tùy từng trường hợp.

Còn mới đây nhất, ngày 15-4, UBND TP.HCM vừa giao các ngành chức năng khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng thi công dẫn đến sập, lún, nứt nhà dân dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6).

TP cũng giao Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị yêu cầu các đơn vị thi công những gói thầu dọc kênh khẩn trương phối hợp ngay với UBND Q.6 và các phường có liên quan lập kế hoạch hiệp thương, chi trả tiền thuê nhà và bồi thường cho các trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng lún, nứt nhà do thi công dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, báo cáo kết quả cho thường trực Thành ủy và UBND TP.

Các nhà thầu thi công không hợp tác trong việc xử lý, khắc phục triệt để các trường hợp hộ dân bị lún nứt nhà do thi công dự án, TP sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.

Lại tiếp tục khốn khổ vì nhà hầm, nhà hang

Hàng chục hộ dân tại hẻm 574 đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) lại đang khốn khổ vì nhà bỗng dưng thành hầm, thành hang, thấp hơn mặt đường từ 0,8m đến hơn 1,2m.

“Lúc trước nước vô nhà còn thoát được ra ngoài đường, nay thì nhà thấp hơn đường, nhà khác nào cái nơi chứa nước mưa” - một người dân lắc đầu ngán ngẩm.

Nhà bà Tư Thông buôn bán gạo và đồ ăn sáng ở đây đã mấy chục năm. Từ khi đường nâng lên, nhà bà bị lọt thỏm xuống khoảng 1m. Mỗi lần ra vào nhà là phải bắc ghế để leo lên trên, mấy đứa cháu phải có người ẵm, bế vì không leo lên được. Nhà thấp, đường cao nên rất nóng, lại bụi bặm do đang làm đường nên việc buôn bán ở đây rất ế ẩm. Bà đang lo tới mùa mưa nước tràn vào nhà.

Không chỉ có nhà bà Thông, nhiều hàng quán tại hẻm 574 hầu như đều đóng cửa vì không có khách. Do con đường đang thi công nên xe chở đất cát thường xuyên ra vào, gây bụi mù mịt. Trước tình cảnh mở cửa ra thì bụi, đóng cửa lại thì nóng như lò nung, anh V. - một người dân - cho biết sẽ tạm lánh về quê một thời gian chờ đường làm xong thì lên lại. Chỉ một số ít hộ dân đã tiến hành sửa sang lại nhà, nâng nền, nâng mái nhà lên cao.

Cũng nằm trong dự án nâng cấp đường, đoạn Trần Não nhiều tháng nay đã tiến hành nâng cao mặt đường khiến nhiều hộ dân cũng rơi vào hoàn cảnh nhà thấp hơn đường. Theo ghi nhận, khu vực này chủ yếu là cơ quan, cửa hàng, quán ăn nên để sớm ổn định cuộc sống, người dân đã phải xoay xở vay mượn sửa sang lại nhà cửa dù chi phí rất cao.

NG.LOAN - V.TIÊN

D.N.HÀ - M.HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp