28/08/2013 22:17 GMT+7

Hàng vạn đơn đề nghị xét lại bản án dân sự

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ngày 28-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp nghe VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Tư pháp báo cáo việc chấp hành pháp luật đối với việc giải quyết khiếu nại, đề nghị xét lại bản án, quyết định dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Ông Tưởng Duy Lượng – phó chánh án TAND tối cao cho biết: từ 1-1-2010 đến 30-4-2013, TAND tối cao và các tòa án cấp tỉnh nhận được hơn 82.000 đơn các loại; trong đó có hơn 53.000 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc đơn trùng lặp, gần 29.000 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết.

“Số lượng đơn quá nhiều, lãnh đạo TAND tối cao không đủ thời gian để giải quyết ngay tất cả số đơn thuộc thẩm quyền” – ông Lượng cho hay. Theo ông, sở dĩ số lượng đơn đề nghị nhiều như vậy là có nguyên nhân từ “chất lượng xét xử các loại vụ án của tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm mặc dù có tiến bộ nhưng nhìn chung chưa cao. Trong quá trình giải quyết vụ án, có thẩm phán còn thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật tố tụng. Còn có tòa án địa phương để một số vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Báo cáo của TAND tối cao cho thấy trong số hơn 14.000 đơn/vụ đã giải quyết, đã kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hơn 2.500 vụ. Còn báo cáo của Bộ Tư pháp thì thống kê trong năm 2012 có hơn 1.000 vụ việc tòa tuyên không rõ, khó thi hành bản án, quyết định; số vụ việc bản án, quyết định có căn cứ kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 156.

Vẫn theo ông Lượng, còn có nguyên nhân quan trọng khác khiến số lượng đơn lên đến hàng vạn, đó là “pháp luật hiện hành chưa quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của đương sự trong việc đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực của pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Do vậy, hầu như bản án nào đương sự cũng có đơn khiếu nại, thậm chí có trường hợp đã được giải quyết nhiều lần, qua nhiều cấp nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại, nhiều trường hợp gửi đơn mang tính cầu may”.

Cạnh đó, ông Lượng cũng than nguồn nhân lực chất lượng cao cho tòa án là vấn đề đáng báo động. “Tuyển người giỏi rất khó, tôi tham gia tuyển dụng thấy số người trung bình thì nhiều, người giỏi rất ít. Công việc ngày càng nhiều và đòi hỏi chất lượng cao, áp lực lớn, chế độ đãi ngộ không đảm bảo thu hút được nhân tài, ngay cả một số cán bộ có năng lực đang trong biên chế cũng muốn xin đi, nếu không cho đi thì dọa bỏ việc…” – ông Lượng cho hay.

Ông Đỗ Văn Đương - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp – cho rằng cần làm rõ chính sách thu hút nhân tài của tòa án, bởi “người giỏi khi mới vào làm thì đâu có được bố trí vào những vị trí quan trọng, làm sao được ngồi xem xét bản án, mà chủ yếu là làm công việc văn phòng hoặc để sai vặt thôi”. Đ

ể chấm dứt tình trạng đơn gửi lên TAND tối cao quá nhiều, biến giám đốc thẩm thành cấp xét xử thứ ba, gây quá tải cho Hội đồng thẩm phán, ông Đương đề nghị lãnh đạo TAND tối cao kiến nghị cụ thể là luật pháp cần phải sửa đổi, bổ sung những gì chứ không chỉ nêu chung chung.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì đề nghị làm rõ có hay không tình trạng dư luận đặt ra là phải “chạy” thì mới được giám đốc thẩm, tái thẩm; tình trạng “om” hồ sơ để không bị kháng nghị; tình trạng có vụ mới xử xong đã có ngay quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng có vụ người dân gửi đơn lâu rồi nhưng không được giải quyết…

Các vấn đề đặt ra sẽ tiếp tục được cơ quan có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo, gửi Ủy ban Tư pháp thẩm tra trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp