Ông Thái Huy Vinh (bìa phải) đối thoại với phụ huynh tại sân Trường tiểu học Nguyễn Trãi - Ảnh: DOÃN HÒA |
Tại khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi (P. Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An), nhiều phụ huynh cùng đến trường kiến nghị nhà trường sớm có câu trả lời quyết định có tiếp tục học theo mô hình VNEN nữa hay không để chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho con em mình khi năm học mới 2016-2017 đã cận kề.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần qua, phụ huynh đến Trường tiểu học Nguyễn Trãi phản ảnh chương trình học VNEN không phù hợp với học sinh.
Con học “đuối”, phụ huynh xin chuyển trường
Hầu hết phụ huynh đều bày tỏ lo lắng và kiến nghị nhà trường dừng chương trình mô hình trường học mới VNEN với các lý do như thế ngồi học không phù hợp, ảnh hưởng cột sống, vai và thị lực.
Học sinh tiếp thu chương trình học mới chậm, kết quả yếu. Bài vở ở lớp ít, học sinh lứa tuổi tiểu học không thể tự học hay tự thảo luận.
“Hiện P.Quán Bàu chưa có trường THCS nên học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trãi lên Trường THCS Lê Lợi bị tách biệt, khó hòa đồng với các bạn.
Điều kiện cơ sở vật chất ở Trường THCS Lê Lợi cũng chưa đáp ứng việc dạy học VNEN”, đây là một phần nội dung bản kiến nghị của phụ huynh gửi lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An.
Chị D.T.H. (ngụ khối 4, P.Quán Bàu, có con đang học lớp 3 theo chương trình VNEN) cho rằng chương trình học mới khuyến khích trẻ tự học, học theo nhóm nên chỉ phù hợp với những học sinh có năng lực, mạnh dạn.
“Con tôi càng ngày học càng yếu vì cháu vốn nhút nhát. Bên cạnh đó, tôi thấy chương trình VNEN chủ yếu dành cho các cháu tự tìm tòi trong khi học sinh tiểu học còn nhỏ tuổi, chưa có tính tự giác” - chị H. nói.
Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ khối 8, P.Quán Bàu) cũng có hai con đang theo học chương trình VNEN. Trong đó, con đầu có đến năm năm học theo chương trình VNEN gồm bốn năm cấp I ở Trường tiểu học Nguyễn Trãi và một năm cấp II tại Trường THCS Lê Lợi.
“So với các bạn cùng tuổi, lực học của cháu đuối hẳn. Chúng tôi phải cho cháu đi học thêm để bổ sung kiến thức, vừa vất vả vừa tốn kém nên tôi muốn chuyển trường cho cháu thứ hai” - chị Hương cho biết.
Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, chương trình VNEN chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản chứ không đem lại những kiến thức nâng cao như chương trình học truyền thống, khiến phụ huynh lo ngại về học lực của con em mình sau khi học hết tiểu học.
Nếu tiếp tục học theo chương trình VNEN thì khi thi tuyển vào THPT chung đề với các học sinh khác, liệu có công bằng? Bởi vậy nên các phụ huynh kiến nghị nhà trường tổ chức dạy học theo chương trình truyền thống.
Đổi mới phải phù hợp, vì con trẻ
Cô Trần Thị Nga, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi, cho biết năm học 2016-2017 trường có 825 học sinh với 22 lớp, đây là năm thứ năm trường triển khai dạy học theo mô hình trường học mới VNEN và là một trong hai trường của TP Vinh chọn làm thí điểm.
“Thời gian qua có phụ huynh xin học sinh chuyển trường vì cho rằng chương trình VNEN không phù hợp với con em mình. Sau khi nhận được phản ảnh của phụ huynh, chúng tôi đã phát phiếu thăm dò lấy ý kiến phụ huynh và báo cáo với cấp trên để có hướng giải quyết” - cô Nga nói.
Ông Thái Khắc Tân, trưởng Phòng GD-ĐT TP Vinh, nhìn nhận việc triển khai mô hình trường học mới qua bốn năm đầu tiên đã có những ưu điểm. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn như hiện tại cơ sở vật chất chưa đảm bảo, sĩ số lớp quá đông làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Cuối buổi sáng 28-8, ông Thái Huy Vinh - phó giám đốc sở và ông Trần Thế Sơn - trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Nghệ An- tổ chức đối thoại, giải đáp các thắc mắc của phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trãi xung quanh mô hình trường học mới VNEN.
Ông Vinh cho biết qua bốn năm triển khai mô hình, kết thúc từ ngày 31-5-2016, sở đã có chỉ đạo các trường trong dự án tổng hợp, đánh giá hiệu quả tốt thì phát huy, nhưng những mặt chưa tốt thì điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, vì con trẻ.
“Quan điểm của sở là đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nhưng trong quá trình đổi mới phải phù hợp vùng miền, trường này, trường kia.
Đổi mới là một quá trình cần ghi nhận ý kiến của phụ huynh là một kênh quan trọng - ông Vinh cho biết thêm - Phía sở đang giao ban giám hiệu nhà trường phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến phụ huynh để đưa ra phương án dạy học.
Nếu như trên 80% phụ huynh đề nghị học theo tài liệu cũ thì nhà trường chuyển qua học mô hình cũ; còn như tỉ lệ 50/50 thì trường dạy tài liệu hiện hành kết hợp phương pháp VNEN, có phân loại lớp, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sớm ổn định việc dạy học, kết quả chậm nhất đến ngày 29-8”.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An, từ năm học 2012-2013 đến 2015-2016, chương trình thí điểm trường học mới VNEN đã được triển khai ở 73 trường tiểu học trong toàn tỉnh Nghệ An (chiếm tỉ lệ 14,1%) với 1.047 lớp và 27.030 học sinh tham gia (trong đó học sinh vùng dân tộc miền núi chiếm 70%). Từ năm học 2015-2016, chương trình trường học mới tiếp tục triển khai thí điểm cho 26 trường THCS. Tổng kinh phí dự án cấp cho tỉnh Nghệ An từ năm 2013-2016 là 47,8 tỉ đồng. Đến hết năm 2015, số kinh phí đã quyết toán là hơn 39,6 tỉ đồng, chiếm 94,3% số kinh phí được cấp từ năm 2013-2015. Số kinh phí còn lại được sử dụng cho các hoạt động của dự án đến hết ngày 31-5-2016. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận