
Hàng trăm người con nuôi gốc Việt khắp thế giới về Việt Nam tưởng nhớ các Babylift đã mất trên chuyến bay rơi ngày 4-4-1975 - Ảnh: MINH HUỲNH
Từ sáng sớm, chị Trista Goldberg, chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận Operation Reunite (Chiến dịch hội ngộ), cùng chị gái gốc Việt là Monica Cúc Nguyễn và một số người con nuôi gốc Việt khác như Jim Ducas, Tara Linh, Steve George đã có mặt tại chợ Bến Thành (TP.HCM) để lựa chọn trái cây, vòng hoa và cẩn thận gói quà để mang đến quận 12.
Tại quận 12, họ tụ họp cùng hàng trăm người con nuôi gốc Việt khác tổ chức tưởng niệm các Babylift đã mất do sự cố rơi máy bay quân sự C-5A Galaxy mang số hiệu 68-0218.
Tích cực hỗ trợ nhau
Là một trong những người con nuôi gốc Việt đầu tiên may mắn tìm lại được gia đình ruột thịt từ rất sớm, chị Golberg hiểu rõ nỗi khát khao tìm về cội nguồn của những người cùng cảnh ngộ.
Vì thế để tiếp nối hàng chục hành trình trước đó trong hơn 25 năm qua, chị đã về nước từ sớm, tích cực tổ chức các hoạt động gặp gỡ, kết nối, giao lưu, tưởng niệm... cho các Babylift cùng hàng trăm người con nuôi gốc Việt khắp thế giới mong muốn được trở về đất mẹ.
Chị Trista cho biết trong hành trình trở về vào 15 năm trước, với sự giúp sức của báo Tuổi Trẻ, chị và các cộng sự đã có những cuộc hội ngộ thật ý nghĩa như họp báo, gặp gỡ các cha mẹ Việt bị thất lạc con, thu thập DNA Kit của cha mẹ Việt và các con nuôi khắp thế giới và giao lưu trực tuyến. Nhờ thế, nhiều trường hợp đã có cơ hội đoàn tụ với cha mẹ ruột.
Tại hành trình 35 năm ngày trở về, họ đã đến điểm rơi máy bay, khi ấy vẫn còn là một bãi rau muống, cây cối mọc đầy. Còn giờ đây, rất nhiều nhà cửa mọc lên, khiến việc tìm kiếm trở nên khá khó khăn.
"Rất may, một người dân đã hỗ trợ đón tiếp chúng tôi, vì động cơ máy bay năm xưa đã rơi trên phần đất nhà ông ấy.
Nhờ ông ấy lập miếu thờ và giữ lại các động cơ năm xưa, mà chúng tôi có nơi cụ thể để về thăm, để tưởng nhớ đến các anh chị em đồng cảnh ngộ đã mất năm xưa", chị Trista xúc động nói.
Cũng xúc động như chị Trista, anh Steve George tâm sự: "Thật sự, ngay giây phút này, tôi không biết nói gì hơn ngoài cảm thấy biết ơn tất cả những người có liên quan đến hành trình giúp đỡ tất cả chúng tôi.
Và phải nói là thật đặc biệt khi nghe tên của những người mà chúng tôi muốn tưởng nhớ được đọc lên, sau 50 năm ngày họ mãi mãi nằm lại trên đất mẹ vì không may bị đưa lên chuyến bay gặp nạn năm ấy".

Hàng trăm người con nuôi gốc Việt khắp thế giới về Việt Nam tưởng nhớ các Babylift đã mất trên chuyến bay rơi ngày 4-4-1975 - Ảnh: MINH HUỲNH
Giây phút thiêng liêng
Từ sau năm 2010, đều đặn luôn có những người con nuôi gốc Việt tìm về khu An Phú Đông (quận 12) để tưởng nhớ hàng trăm người đã khuất cứ mỗi tháng 4 hằng năm.
Tháng 4 năm nay cũng như những năm trước đó, chỉ khác là số người về đông hơn. Trong đó có đông đảo những người lần đầu về tham dự 50 năm sau lần ra đi vĩnh viễn của những nạn nhân trên chuyến bay xấu số.
Là một trong số ít các trẻ em còn sống sót trong số 313 người có mặt trên chuyến bay năm xưa, chị Aryn Lockhart, 51 tuổi, người Mỹ gốc Việt, cho biết chị cảm thấy vô cùng may mắn.
"Và cũng thật buồn, thật xúc động, khi ngày hôm nay, trở về đây sau 50 năm, tưởng nhớ những người đã bay cùng mình trên chuyến bay ấy", chị Aryn rơm rớm nước mắt.
Lần trở về này, chị Aryn chọn mặc chiếc áo dài vàng phối với quần đen, thành tâm chia sẻ nỗi niềm với các nạn nhân đã khuất. Chị cho biết chị có một tuần để thăm lại đất mẹ.
"Ngày 5-4, tôi sẽ lên đường đi Vĩnh Long với hy vọng có thể tìm lại được mẹ ruột cũng như gia đình ruột thịt của mình", chị Aryn chia sẻ.
Giống như chị Aryn Lockhart, chị Stephanie Racine, 51 tuổi, người Pháp gốc Việt, cho biết chị là 1 trong 5 Babylift còn sống sót sau sự cố rơi máy bay, đồng thời cảm thấy vô cùng may mắn khi có mặt trong ngày tưởng nhớ ý nghĩa này.
"Di chứng thương tật ở chân tôi hiện tại có thể là do tai nạn máy bay năm xưa, cũng có thể là do tàn tích của chiến tranh.
Nhưng dẫu cho thế nào, thì hôm nay được trở về đất mẹ, được đứng tại đây cùng hàng trăm anh chị em con nuôi gốc Việt khác, là một sự may mắn vô bờ.
Có lẽ thần chết chưa gọi tên tôi khi đó", chị bày tỏ và cho biết có 20 con nuôi người Pháp gốc Việt cùng tham gia trong lần trở về này.
Còn chị Sandie Lafon, người Pháp gốc Việt, cho biết lần trở về này, chị đưa chồng là anh Jean Michel Lafon cùng hai con trai là bé Oscar Lafon (9 tuổi), bé Arthur (13 tuổi) để cả gia đình cùng tham gia vào buổi tưởng nhớ những người đã khuất 50 năm qua.
"Tôi rất vui khi được về đây để hội ngộ cùng anh chị em con nuôi khắp thế giới, những đứa trẻ mồ côi giống tôi. Tôi cũng muốn gởi lời chia buồn sâu sắc đến các anh chị em không may mắn đã mất", chị chia sẻ.
Ngoài ra, chị và gia đình sẽ dành 4 tuần thăm lại đất mẹ để giúp các con có thể tìm hiểu, khám phá về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam - vùng đất luôn là một phần trong trái tim chị.
Hàng trăm người trong lễ tưởng nhớ hôm nay cũng dành nhiều tình cảm cho hai bé gái là Mila Ofir-Maes (9 tuổi) và Rafael Ofir-Maes (6 tuổi), khi liên tục bày tỏ lòng thành kính để dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ người đã khuất. Hai bé là con của anh Kevin Maes (50 tuổi), người Mỹ gốc Việt.
Trong lần trở về thứ 10 này, anh Kevin cho biết anh muốn đưa cả vợ con cùng về để có thể cùng anh hiểu thêm về quê hương, đất mẹ.
"Đây là lần đầu tiên hai con của tôi được về thăm Việt Nam. Cả gia đình tôi đều rất hạnh phúc vì đã làm được điều này. Năm 2019, khi Rafael được vài tháng tuổi, chúng tôi đã lên kế hoạch trở về nhưng chẳng may dịch COVID-19 bùng phát. Và may mắn là giờ phút này, chúng tôi đã được có mặt ở đây", anh Kevin trải lòng.
Không giấu được nỗi xúc động tại lễ tưởng nhớ, chị Monica Cúc Nguyễn cho biết: "Cũng không biết nói sao, nhưng có lẽ, còn sống, còn tồn tại khỏe mạnh, còn được đứng đây giây phút này, là hạnh phúc hơn cả".

Một Babylift gục đầu nức nở tại nơi một phần máy bay rơi 50 năm trước - Ảnh: MINH HUỲNH
Là một trong những sơ tham gia công tác chăm sóc trẻ mồ côi ở Sài Gòn (Việt Nam) từ năm 1975 về trước, và hỗ trợ việc nhận con nuôi, bà Mary Nelle Gage dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn sắp xếp trở về cùng hàng trăm con nuôi khắp thế giới.
Tại sự kiện, bà đã xúc động xướng tên những nạn nhân xấu số đã mất trên chuyến bay kinh hoàng, cũng như đọc lời chia buồn. Như một người bảo mẫu tận tụy, hết lòng vì hàng nghìn mảnh đời bất hạnh năm xưa, bà ân cần hướng dẫn những người con nuôi gốc Việt đọc diễn văn, rồi giới thiệu, kết nối họ với nhau.
Cũng chính người phụ nữ ngoài 70 này đã luôn miệng nhắc nhở "đàn con" lên xe buýt, cẩn thận kiểm đếm, như sợ chúng sẽ bị lạc mất khỏi tầm kiểm soát của bà giữa trưa trời nắng gắt. Giây phút ấy đã khiến nhiều người có mặt không khỏi bùi ngùi, xúc động.
Ngày 4-4-1975, chiến dịch nhân đạo Không vận trẻ em (Operation Babylift) của Mỹ tại Việt Nam đã bắt đầu bằng một thảm kịch.
Theo đó, tầm 20 phút sau khi cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, chiếc máy bay quân sự C-5A Galaxy mang số hiệu 68-0218 chở 313 người đã rơi xuống một cánh đồng ở khu vực quận 12 vào khoảng 16h chiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận