Lực lượng an ninh Myanmar tập trung trên một con đường ở quận Sanchaung, thành phố Yangon tối 8-3 trước khi tiến hành các vụ lùng sục và bắt giữ xuyên đêm - Ảnh: REUTERS
Theo mô tả của Hãng tin Reuters, hàng ngàn người đã đổ xuống đường phố Yangon đêm 8-3 để thể hiện tinh thần đoàn kết với thanh niên quận Sanchaung, nơi biểu tình phản đối đảo chính diễn ra gần như hằng ngày kể từ ngày 1-2.
Lực lượng an ninh đã lập tức phản ứng trước hành động kháng lại lệnh giới nghiêm của chính quyền quân sự. Theo Reuters, lực lượng an ninh trước đó đã nổ súng và ném lựu đạn gây choáng để giải tán cuộc biểu tình của thanh niên Sanchaung trong ngày 8-3.
Vòng vây của cảnh sát được thiết lập và ngày càng siết chặt quanh quận Sanchaung trong đêm 8-3, rạng sáng 9-3. Chính quyền quân sự Myanmar thông báo sẽ lùng sục từng nhà và bắt giữ những ai không phải là người sống ở quận Sanchaung, đồng thời trừng phạt những người che giấu.
Không khí được cho là rất căng thẳng bên trong quận Sanchaung. Chị Shar Ya Mone, một người tham gia biểu tình phản đối đảo chính, cho biết mình bị mắc kẹt bên trong một tòa nhà cùng với khoảng 20 người khác.
Rạng sáng 9-3, cảnh sát bắt đầu nới lỏng vòng vây và rút dần, theo mô tả của một người bị mắc kẹt ở Sanchaung. Shar Ya Mone cho biết mọi người bắt đầu về nhà lúc 5h sáng trên những chuyến xe miễn phí và trong sự đón chào của những người bên ngoài.
Vòng vây được nới lỏng không lâu sau khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar "kiềm chế tối đa". Một phát ngôn viên của ông Guterres cho biết Liên Hiệp Quốc theo dõi sát sao vụ "hàng trăm người biểu tình ôn hòa bị vây suốt nhiều giờ liền trong một khu dân cư".
Trong thông điệp nhắm đến quân đội Myanmar, ông Guterres kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt, đảm bảo an toàn và chấm dứt bạo lực với người biểu tình. Đại sứ quán Mỹ và Anh sau đó ra tuyên bố riêng rẽ nhắc lại lời kêu gọi của ông Guterres.
Một nhóm hoạt động nhân quyền cho biết khoảng 50 người đã bị dẫn đi sau khi cảnh sát lùng sục các ngôi nhà ở Sanchaung xuyên đêm. Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Myanmar (MRTV) nhấn mạnh "sự kiên nhẫn của chính phủ đã hết" nhưng chính quyền vẫn sẽ "cố gắng giảm thiểu thương vong trong việc ngăn chặn bạo loạn".
"Phần lớn người dân đều mong muốn ổn định và kêu gọi các biện pháp hiệu quả hơn chống lại bạo loạn", MRTV ám chỉ các cuộc biểu tình. Theo truyền thông địa phương, ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong các vụ biểu tình khắp Myanmar ngày 8-3.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình sẽ dừng lại. Tình hình tại Myanmar đã thu hút sự chú ý mạnh từ cộng đồng quốc tế sau khi ông Kyaw Moe Tun, người được chính quyền dân sự chỉ định là đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc, kêu gọi thế giới lên án quân đội và cứu lấy dân thường Myanmar.
Liên minh châu Âu hiện đang chuẩn bị áp thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp do quân đội điều hành, theo các nhà ngoại giao và 2 tài liệu nội bộ mà Reuters có được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận