06/01/2016 09:48 GMT+7

Hàng trăm dự án BOT giao thông, kiểm soát ra sao?

TS VÕ DUY NGHI
TS VÕ DUY NGHI

TT - Hàng trăm dự án BOT giao thông đang thực hiện, cơ chế kiểm soát của các cơ quan chức năng xem ra vẫn còn lỏng lẻo.

Sửa chữa một đoạn của quốc lộ 51 (TP.HCM - Vũng Tàu) thuộc một dự án BOT -  Ảnh: Hoài Linh
Sửa chữa một đoạn của quốc lộ 51 (TP.HCM - Vũng Tàu) thuộc một dự án BOT - Ảnh: Hoài Linh

Việc Nhà nước khuyến khích, thu hút được thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư các dự án giao thông BOT là đáng mừng. Tuy nhiên việc triển khai nếu không kiểm soát chặt cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Với hàng trăm dự án BOT giao thông (công ty bỏ vốn xây dựng trước thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian và sau cùng là chuyển giao lại cho nhà nước sở tại) đang thực hiện thì cơ chế kiểm soát của các cơ quan chức năng xem ra vẫn còn lỏng lẻo.

Còn nhiều kẽ hở

Với các dự án BOT do tư nhân đầu tư, do quan niệm dự án được xây dựng bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp nên có tâm lý tiền của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự quản lý, việc mua sắm nguyên vật liệu, thi công do doanh nghiệp tự thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước có kiểm tra giám sát cũng dựa trên hợp đồng, báo cáo là chính vì ở đây không sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Đây chính là kẽ hở rất lớn vì nhà đầu tư khi ký hợp đồng BOT giao thông sẽ có phương án thu hồi vốn căn cứ vào chi phí đầu tư bỏ ra. Nếu không kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư thì có thể xảy ra tình trạng chủ đầu tư khai vống chi phí để tăng thời hạn thu hồi vốn, tăng lợi nhuận.

Giả sử dự án BOT nếu giám sát chi phí đầu tư đúng sẽ thu hồi vốn trong vòng 20 năm, nhưng nếu nhà đầu tư lợi dụng được kẽ hở này để kéo dài thời gian thu hồi vốn lên 30 năm sẽ thu một khoản lợi nhuận không nhỏ vì 10 năm sau là khoản thu thêm do doanh nghiệp qua mặt được các cơ quan chức năng.

Việc thiếu kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguyên vật liệu đầu vào và biện pháp thi công sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư bỏ ra chi phí thấp nhưng vẫn thu được lợi nhuận cao so với dự toán báo cáo các cơ quan chức năng. Điều này đã xảy ra trong thực tế khi chất lượng đường sá, cầu cống kém nhưng chủ đầu tư vẫn thu đủ các khoản lệ phí, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Hậu quả là người dân có phương tiện giao thông, doanh nghiệp vận tải và Nhà nước đều thiệt hại. Các doanh nghiệp vận tải đường bộ sẽ chịu sức ép rất lớn về chi phí trong điều kiện chủ hàng không đồng ý tăng cước vận tải.

Kể cả các doanh nghiệp và các hiệp hội vận tải đường bộ có gây được sức ép đối với chủ hàng để tăng cước thì nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng vì giá thành sản phẩm tăng, tính cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu giảm.

Giám sát từ dự toán đến thu phí

Phải đặt vấn đề kiểm soát chặt chẽ quy trình đầu tư để tránh làm thất thoát nguồn thu cho Nhà nước và giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải là do ngày càng có nhiều dự án BOT về giao thông được triển khai.

Đầu tiên phải xác định rằng mặc dù là nguồn vốn do doanh nghiệp tự bỏ ra nhưng cơ quan chức năng là Bộ GTVT và Bộ Tài chính phải thẩm định chặt chẽ từ khâu lập dự toán đến khi ký hợp đồng BOT.

Các nguồn nguyên vật liệu, biện pháp thi công phải được giám sát chặt chẽ. Cụ thể Bộ GTVT phải thành lập các cơ quan chức năng tương tự các ban quản lý dự án để giám sát thi công đến khi hoàn thành công trình, vì suy cho cùng dù là vốn doanh nghiệp bỏ ra nhưng cuối cùng người dân và doanh nghiệp vận tải là người phải gánh chi phí nên không thể buông lỏng cho doanh nghiệp muốn làm gì thì làm.

Để tránh trường hợp doanh nghiệp thi công công trình chất lượng kém nhằm thu lợi nhuận cao thông qua việc thu phí, Bộ GTVT cần quy định rõ trong hợp đồng BOT điều kiện chất lượng công trình đạt tiêu chuẩn nhất định mới cho khai thác, thu phí. Bộ phải kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư dự án BOT phải sửa chữa, khắc phục hư hỏng của cầu đường trước và trong khi khai thác mới cho thu phí, vì dự án BOT cung cấp dịch vụ cho người dân có thu phí thì đương nhiên dịch vụ đó phải có chất lượng.

Một vấn đề nữa cần phải lưu ý khi ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư là cơ quan chức năng phải quy định rõ mốc thu hồi vốn: doanh thu, lợi nhuận đạt được hoặc thời hạn cho phép thu phí. Cần quy định rõ một trong hai mốc, cái nào tới trước thì hợp đồng cũng coi như kết thúc, nhà đầu tư phải ngừng thu phí và chuyển giao tài sản.

Quy định này nhằm hạn chế nhà đầu tư vẫn tiếp tục thu phí mặc dù lợi nhuận ước tính đã đạt được do thời hạn cho phép thu vẫn còn hiệu lực. Để làm được việc này, các cơ quan chức năng cần yêu cầu chủ đầu tư hạch toán độc lập cho suốt vòng đời dự án BOT, đồng thời chỉ định kiểm toán độc lập hằng năm để xác định doanh thu, lợi nhuận.

Tạo công bằng cho người sử dụng

Một đặc điểm của các dự án BOT giao thông hiện nay ở nước ta là tập trung vào cải tạo nâng cấp các tuyến đường cũ. Người dân và doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác nên phải bấm bụng trả phí khi đi lại.

Trong khi đó, chính phủ các nước trên thế giới thường khuyến khích xây dựng các dự án BOT có tuyến đường mới, hiện đại, thuận lợi hơn tuyến đường cũ. Người dân có sự lựa chọn: đi tuyến đường cũ chất lượng xấu hơn, thời gian lâu hơn nhưng không mất phí, còn nếu muốn đi đường tốt hơn, nhanh hơn thì phải trả phí.

Bài học kinh nghiệm từ việc xây dựng hầm đèo Ngang và đèo Hải Vân cho thấy người dân và doanh nghiệp tự tính toán lộ trình của mình: nếu muốn tham quan du lịch, thích mạo hiểm sẽ đi đường đèo, không mất phí; nếu muốn đi an toàn, nhanh chóng sẽ qua hầm đường bộ.

Cần thực hiện nhiều dự án BOT như vậy mới tạo ra sự công bằng trong việc sử dụng dịch vụ, không ép buộc người dân và doanh nghiệp vận tải.

TS VÕ DUY NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp