Công nhân lội xuống hồ để chuẩn bị hút bùn - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Công việc được bắt đầu từ 21h tối 29-11. Nhiều xe bồn, máy móc và các phương tiện khác đã được huy động để phục vụ nạo vét bùn trong hồ. Các khu vực nạo vét đều được quây bạt, che chắn để giữ vệ sinh môi trường và cách ly với người đi bộ vẫn đang đi quanh hồ.
Ông Lê Vũ Quảng Sương - phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - cho biết việc nạo vét được tiến hành mỗi đêm trong 20 ngày liên tục (từ 29-11 đến 20-12).
Công nhân dùng xô để chuyển bùn một cách thủ công lên bờ - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Theo ông Sương, việc nạo vét sẽ được tiến hành trong phạm vi toàn bộ lòng hồ đến cao độ 5,60m để đảm bảo không bị sạt lở kè xung quanh hồ, kè Tháp Rùa và kè đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7m, khối lượng dự kiến khoảng 57.400m3 bùn.
Trước đó, công ty này đã phối hợp với tiểu đoàn 554 Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiến hành rà phá bom mìn, vật liệu nổ để đảm bảo an toàn cho việc nạo vét. Đánh giá tác động môi trường của việc nạo vét đã được hội đồng thẩm định thông qua và UBND TTP phê duyệt đầu tháng 10-2017.
Quá trình khảo sát về đa dạng sinh học hồ trước đó xác định trong hồ không có những loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng theo Sách đỏ Việt Nam 2007.
Hoặc bùn được cho lên xuồng chuyền tải nếu ở khu vực cách xa bờ - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Đối với phương án bổ sung nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với Công ty Arktic Việt Nam thực hiện khoan giếng, lọc nước theo công nghệ xử lý trước khi bơm bổ sung vào hồ.
Cũng có những lo ngại việc nạo vét bùn, bổ sung nước giếng khoan vào hồ Hoàn Kiếm có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái, trong đó có các loại tảo, cá thể sinh vật hoặc không giữ được màu xanh nguyên thủy của nước.
Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội khẳng định phương án phân vùng nạo vét không ảnh hưởng đến hệ thủy sinh, nạo vét từ từ không xáo trộn, không làm hệ sinh thái thay đổi đột biến.
Sau khi nạo vét 3-4 tháng, công ty sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước để có phương án xử lý, duy trì chất lượng nước hồ.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã quyết định chi 29 tỉ đồng từ ngân sách phục vụ nạo vét.
Ở một số địa điểm thuận lợi khác, bùn được hút bằng máy chuyển lên xe bồn chờ sẵn trên bờ trước khi được chuyển đi xử lý - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Công nhân chuyển bùn từ thùng chứa lên xe - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Hàng loạt xe bồn chờ sẵn để chuyển bùn thải đi xử lý - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận