25/11/2017 19:10 GMT+7

Hàng trăm cảng sông bỗng dưng 'chết đứng'

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - TP.HCM có 370 bến cảng thủy nội địa (cảng sông). Tất cả cảng này đang hoạt động hợp pháp sẽ trở nên bất hợp pháp vì khi hết hạn hoạt động, Sở GTVT TP sẽ ngừng cấp giấy phép.

Hàng trăm cảng sông  bỗng dưng chết đứng - Ảnh 1.

Bến thủy nội địa trên đường Nguyễn Hữu Trí, H.Bình Chánh (TP.HCM) có giấy phép hết hạn nhưng không được cấp giấy phép mới, nên phải ngưng hoạt động - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu các cơ quan có thẩm quyền không cấp phép cho cảng sông hoạt động trong thời gian tới thì có khả năng DN vỡ nợ, vì phải trả lãi nợ vay ngân hàng đầu tư kinh doanh

Ông PHẠM NGỌC THÀNH (giám đốc DNTN Thạnh Ánh)

Theo ông Ngô Đình Quang - giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP, Sở GTVT TP ngưng cấp phép cho các cảng sông là thực hiện theo quy định tại thông tư 50 của Bộ GTVT (ban hành năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015). 

Thông tư này quy định việc cấp phép bến thủy nội địa phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng được duyệt và phải nằm trong quy hoạch bến cảng thủy. 

Trong khi đó, từ hàng chục năm nay, hầu hết doanh nghiệp (DN) làm cảng sông tại TP.HCM chỉ lợi dụng điều kiện tự nhiên mở cảng để xếp dỡ hàng hóa, chứ không đầu tư xây dựng bài bản.

Sau một đêm thành bến cảng trái phép

Ngày 20-11, chúng tôi đến bến cảng sông chuyên bốc dỡ cát, đá ở ấp 6, xã Tân Nhật, H.Bình Chánh. Tại đây đang có 3 cần cẩu bốc cát, đá lên những chiếc xe tải. Cảng này vẫn hoạt động bình thường dù giấy phép hoạt động đã hết hạn. 

Ông Phạm Văn Dũng, giám đốc DN tư nhân Tuấn Sang (chủ đầu tư cảng), cho biết cảng này đã được cấp phép hoạt động 12 năm, nay bỗng dưng trở thành cảng hoạt động không phép.

Ông Dũng kể vào tháng 10, thanh tra Sở GTVT TP đã xử phạt DN ông 7 triệu đồng vì hoạt động không phép, trong khi trước đó ông đã kiến nghị cấp phép cho cảng hoạt động nhưng không được giải quyết.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, giám đốc DN tư nhân Thanh Vân có cảng bốc xếp hàng hóa ở H.Bình Chánh, cho biết: "Chỉ sau một đêm, cảng này đang hoạt động hợp pháp thành bất hợp pháp, vì từ ngày 28-10-2017 giấy phép của cảng hết hạn nhưng không được cấp giấy phép mới". 

Theo ông Dũng, ông không thể dừng hoạt động cảng vì sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của nhiều lao động ở bến...

Tuy nhiên, cũng có một số cảng dừng hoạt động khi giấy phép hết hạn. Ông Phạm Ngọc Thành, giám đốc DN tư nhân Thạnh Ánh ở Q.12 (chủ đầu tư bến cảng ở Q.12), cho biết cảng của ông phải ngưng hoạt động khi giấy phép hết hạn vì sợ bị phạt.

Kiến nghị cấp phép tạm

Tính đến tháng 11 này, có 112 bến thủy nội địa ở 13 quận, huyện tại TP.HCM có giấy phép hết hạn không được cấp giấy phép mới. Còn từ nay đến năm 2018, còn hơn 200 bến thủy nội địa khi giấy phép hết hạn sẽ không được cấp giấy phép mới.

Như vậy, các cảng có giấy phép hết hạn và không được cấp giấy phép mới nếu tiếp tục hoạt động sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt.

Theo ông Quang, các bến thủy nội địa ở TP xếp dỡ khoảng 30 triệu tấn hàng hóa/năm ở TP.HCM và từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây. Vì vậy, việc ngưng cấp phép và cảng ngừng hoạt động sẽ gây thiệt hại cho kinh tế TP. Do đó, Cảng vụ đường thủy nội địa TP đã có văn bản đề xuất Sở GTVT TP cấp phép tạm thời cho các cảng này hoạt động.

Ông Phạm Văn Dũng cho rằng thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thường xuyên đến kiểm tra cảng do ông đầu tư và đều xác định bến bảo đảm điều kiện an toàn giao thông thủy, điều kiện vệ sinh môi trường nên mới cấp phép cho hoạt động.

 "Tại sao các cơ quan thẩm quyền không đưa ra lộ trình có thời hạn để các DN có điều kiện đầu tư bến bãi theo đúng quy hoạch, mà đùng một cái lại ngưng cấp phép?" - ông Dũng thắc mắc.

Nhiều DN đầu tư bến cảng cho rằng thông tư 50 quy định việc cấp phép bến thủy nội địa phải thỏa mãn điều kiện nằm trong quy hoạch bến cảng thủy nhưng hiện nay TP vẫn chưa có quy hoạch bến thủy nội địa, vì vậy nên cấp phép tạm thời cho các DN hoạt động.

Theo Cảng vụ đường thủy nội địa TP, tháng 9-2017, Sở GTVT TP đã có văn bản kiến nghị UBND TP cho cấp phép tạm thời để các cảng sông tiếp tục hoạt động.

Tuy nhiên, mới đây UBND TP chỉ đạo cần thực hiện theo đề xuất của Sở Tư pháp TP là việc cấp phép cho các bến thủy nội địa phải theo quy định tại thông tư số 50 của Bộ GTVT.

Sẽ tiếp tục kiến nghị cấp phép tạm

Vì sao thông tư 50 của Bộ GTVT có hiệu lực từ năm 2015 nhưng đến nay Sở GTVT TP mới thực hiện quy định tại thông tư này trong việc cấp giấy phép bến thủy nội địa?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Quang Lâm, phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết thời gian qua sở đã rà soát các văn bản quy định của pháp luật, thấy việc cấp phép cho bến thủy chưa thực hiện đúng theo thông tư 50 của Bộ GTVT.

Ông Lâm cũng cho biết vừa qua, Sở GTVT TP đã giao Khu đường thủy nội địa TP lập dự án quy hoạch bến thủy nội địa TP.HCM và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Vì vậy, Sở GTVT TP sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP cho cấp phép tạm thời để các bến thủy hoạt động trong thời gian chờ lập dự án quy hoạch bến thủy.

"Sau khi có quy hoạch bến thủy nội địa thì các DN mới bỏ vốn đầu tư hạ tầng để ổn định làm ăn lâu dài, chứ hiện nay do chưa có quy hoạch nên các chủ bến ngại đầu tư" - ông Lâm nhìn nhận.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp