20/08/2020 09:01 GMT+7

Hàng rong thêm lao đao vì dịch

V.THỦY - Đ.NHẠN - H.QUÂN
V.THỦY - Đ.NHẠN - H.QUÂN

TTO - Mặc dù ở đợt dịch thứ hai này các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ không thực hiện giãn cách xã hội nhưng thu nhập, đời sống của những người bán hàng rong bị ảnh hưởng thấy rõ.

Hàng rong thêm lao đao vì dịch - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thiệp (quê Bình Định) bán hàng rong tại góc đường Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM). Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị cho biết buôn bán rất chậm, nguồn thu giảm gần một nửa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tiền trọ mỗi tháng 1 triệu. Con nhỏ cứ hỏi sao ăn mì gói miết mà không biết nói thế nào với con. Chúng tôi chỉ mong được thành phố xem xét cho người mưu sinh khó khăn về thủ tục dễ dàng hơn để được nhận hỗ trợ mất việc, thêm chút tiền sinh hoạt qua ngày.

Chị TRẦN THỊ NGUYỆT

Những người lao động tự do lấy công làm lời, kiếm cơm từng bữa đã vướng khó khăn khi mất thu nhập trong đợt dịch COVID-19 thứ nhất. Thêm đợt dịch lần này, tình cảnh của họ càng lao đao hơn, nhất là với những người sống bằng nghề buôn gánh bán bưng.

Mặc dù ở đợt dịch thứ hai này các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ không thực hiện giãn cách xã hội nhưng thu nhập, đời sống của những người bán hàng rong bị ảnh hưởng thấy rõ.

Lây lất qua ngày

Dựng chiếc xe đạp ngay bên hông Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Q.3, TP.HCM) giờ đang vắng ngắt khách, ông Nguyễn Thành Rum (55 tuổi, quê An Giang) chỉ vào cái sọt bằng sắt treo đầy những bánh ú, nem chua, bánh bông lan... bảo: "Giờ này mà còn được nhiêu đây là chưa đủ vốn rồi đó". 

Ông đi bán bánh bằng chiếc xe đạp này hơn 10 năm nay, nhưng chưa năm nào việc buôn bán buồn như thế này. Vẫn dậy từ 4h sáng mỗi ngày, đạp xe từ bến xe Chợ Lớn (Q.6) vòng vèo khắp mấy quận trung tâm đến tối mịt nhưng giờ "chỉ còn bán được 4 phần so với 10 phần hồi nào giờ".

Ngay bên cạnh, người phụ nữ bán bánh ướt cũng ngồi không vì chẳng có khách. "Thôi đừng nhắc nữa, rầu lắm. Sáng giờ được hơn chục hộp, bánh ướt còn nguyên cả đây. Tôi bán cho tài xế, hướng dẫn viên là chủ yếu. Bảo tàng giờ cũng "tàn" rồi, vắng tanh. Khách du lịch không có, tài xế, hướng dẫn viên cũng chạy xe giao hàng, chạy Grab, Gojek đủ cả" - cô bán hàng kể.

Cũng như ông Rum, đã 3h chiều nhưng gánh hàng của hầu hết những người bán hàng rong lớn tuổi quanh khu trung tâm TP vẫn chả vơi được bao nhiêu. Ngay trên những chiếc khẩu trang là ánh mắt đầy lo âu của họ. 

Dịch bệnh, đường sá vắng vẻ, một mình bà Lê Thị Ngọc (60 tuổi) bên gánh hàng rong ngồi ở góc đường gần hồ Con Rùa. Ngày nào bà cũng dậy từ 4h sáng quẩy đôi quang gánh bán mấy thứ bánh bông lan, tai heo, cóc, ổi, xoài, bánh tráng trộn cho học trò. 

"Học trò năm nay có tới trường mấy đâu. Nghỉ dịch từ tết tới tận tháng 5. Đi học chưa bao lâu lại nghỉ hè. Tôi bán đây mấy chục năm rồi nuôi mẹ già với đứa con đang học đại học. Dịch bệnh thất thu nhiều lắm, chắc phải 80%" - bà kể. 

Tết từ quê vào bán chưa được tháng, Nhà nước cấm hàng rong, bà lại chạy dịch về nhà, vô bán tròm trèm hai tháng chưa đủ vốn liếng tàu xe thì dịch bùng lại. 

"Tháng này bán không biết đủ tiền trả tiền nhà không. Nhà nhiều người ở chung, trên gác, dưới trệt tổng cộng chừng 30 người, vậy chứ một tháng cũng tốn 1 triệu tiền ở rồi. Ăn uống thì lay lắt qua bữa" - bà Ngọc thở dài.

Hàng rong thêm lao đao vì dịch - Ảnh 3.

Anh Trần Văn Tươi hằng ngày bán nước tại công trường Mê Linh (Q.1, TP.HCM) nuôi vợ bị tật, con gái bị tiểu đường và con trai nhỏ ăn học. Thời gian này do đang nghỉ hè nên em Minh Quang (10 tuổi) theo ba phụ bán - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Hàng ế, việc bấp bênh

Anh Thanh - bán dừa xiêm dạo tại Hà Nội - kể: "Từ sáng, tôi kéo xe dừa từ nhà đi qua Phan Đình Giót, lên Bạch Mai vì đầu giờ sáng người ta hay mua nước dừa cho bà bầu, cái này uống tốt lắm. Tầm trưa vòng qua chợ Kim Liên vì nhiều người mua, đi quanh quanh rồi vòng lại Bạch Mai bán đến 1h, 2h là hết. 

Nhiều hôm khách quen mua hết cả xe, về còn đẩy xe nữa. Nhưng giờ tầm này (12h trưa) vẫn còn nửa xe, mà mưa gió thế này chắc phải bán tới tối". 

Khi được hỏi về chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho những người lao động tự do, anh Thanh cho hay: "Mình còn sức khỏe, còn có mối quen, dừa hôm nay không bán, mai lại kéo đi, không hỏng. Còn ngoài đường, mấy cô bán hoa tươi không bán tối vứt đi. Thế nên mình nhất quyết không nhận hỗ trợ để dành cho người khác".

Cách đó không xa, những chiếc xe đạp "cải tiến", gắn thêm 2 thùng đựng hoa quả của các cô bán hàng rong. Họ chia sẻ hôm nay mùng 1 tháng bảy hi vọng bán được nhiều ổi, nhiều táo nhưng chiều rồi vẫn không có khách, người qua lại chỉ ngắm nghía rồi đi. 

"Trước đây, tầm 2h-3h chiều đã bán được gần nửa, nhưng giờ đến chiều vẫn chưa bán được đồng lãi nào. Với thời tiết nắng mưa thất thường của Hà Nội, thúng hoa quả sau 1, 2 ngày phải đổ bỏ vì thối, không bán được" - một người bán ổi chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, một người bán rau dạo than vãn: "Dạo này hàng ế lắm, ngày trước bán cũng được đôi trăm, nhưng giờ người ta sợ "cô-vít" nên toàn đi siêu thị, đi cửa hàng hết. Dẫu sao vẫn phải đi, ngày bán được 2, 3 mớ đậu, cà tím còn hơn không".

Hàng rong thêm lao đao vì dịch - Ảnh 4.

Chị Mai Ngọc Hân (Q.3, TP.HCM) bán cơm trên vỉa hè được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng do dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG

Nguy cơ đứt bữa

Có lẽ chưa bao giờ người bán hàng rong ở Đà Nẵng lại rơi vào hoàn cảnh túng thiếu như đợt dịch này. Việc hạn chế đi lại, các hàng quán đóng cửa... khiến họ phải cắt gần hết những khoản chi tiêu cơ bản nhất như tiền nước uống, thức ăn, sữa cho con... 

Chị Trần Thị Nguyệt (35 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) 4 năm nay mưu sinh bằng nghề bán cà phê dạo ở các con đường khu vực quận Liên Chiểu và cảng cá Thọ Quang. Mỗi ngày thu nhập khoảng 80.000 đồng nhưng chị phải nuôi chồng bị teo cơ và hai con nhỏ. 

Từ đầu năm đến nay chị chỉ đi bán được chưa đầy 2 tháng. Chị cho biết những ngày dịch bệnh, gia đình phải dùng nước tại vòi thay vì mua nước uống. 

Mỗi bữa ăn chỉ có trứng là món để chị duy trì dưỡng chất cho các con nhỏ. Vì không có thu nhập nên 5 phiếu đi chợ do tổ dân phố cấp dùng trong 15 ngày cũng còn để nguyên trên cạnh giường.

Chị Nguyệt cho biết ngoài 10kg gạo do UBND phường hỗ trợ, gia đình chị sống lây lất từ số tiền chắt chiu những ngày trước và hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Sơn (56 tuổi) là người khuyết tật một mình bán vé số dạo nuôi 2 con nhỏ có may mắn hơn. Ông được gọi lên phường viết giấy khai báo thông tin để nhận tiền trợ cấp 1 triệu đồng. 

Trong đợt dịch thứ nhất ông cũng được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng từ gói 62.000 tỉ của Chính phủ. Ông mong những người bán hàng rong như ông được thành phố hỗ trợ giảm tiền điện, nước trong những tháng dịch bệnh mất việc. 

"Chỉ 5kg gạo mỗi tháng được nhận là không đủ cho 3 cha con tôi sống qua ngày. Tôi vẫn đang chờ đợi được thành phố hỗ trợ để con tôi không bị đói ăn" - ông Sơn nói.

"Buông dầm, cầm chèo"

Đó là tình cảnh của nhiều lao động tự do tại TP Cần Thơ. Trong đợt dịch trước, anh Huỳnh Minh Hòa (P.An Hội, nay là P.Tân An, Q.Ninh Kiều) bị chủ cơ sở sản xuất cho nghỉ vì không có đơn hàng.

Anh cùng vợ chuyển qua mưu sinh bằng nghề bán hàng dạo trước cổng trường để nuôi hai con nhỏ, nhưng buôn bán cũng bữa được bữa ế.

"Buôn bán ế ẩm, vừa rồi tui nghe cán bộ khu vực kêu lên UBND phường làm thủ tục để nhận hỗ trợ tiền từ Nhà nước.

Vợ chồng mừng vì có thể tạm vượt qua khó khăn, xoay xở kiếm miếng ăn cho con trong lúc dịch bệnh. Nhưng không ngờ sau khi làm đơn, bổ sung giấy tờ, hộ khẩu… đến nay cũng chưa nghe ai kêu lên nhận tiền hỗ trợ" - anh Hòa nói.

Tương tự, chị Ngô Thị Bích Vân (đường Hoàng Văn Thụ, Q.Ninh Kiều) kể chị làm nghề buôn bán hàng rong, mùa tựu trường thì bán hàng trước cổng trường, bán quần áo, đồ ăn… không có chỗ cố định.

Dịch bệnh lần trước không buôn bán được, cuộc sống chật vật với 2 đứa con nhỏ. Hiện vợ chồng chị làm chiếc xe đi bán bánh tráng nướng khắp các tuyến đường, nhưng dịch bệnh lần 2 bùng phát nên buôn bán cũng ế ẩm, đìu hiu.

T.LŨY

Hơn 355.000 lao động tự do được hỗ trợ do COVID-19

mt_hangrong-hn_1 1(read-only)

Người bán hàng rong dọc khu phố cổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: MAI THƯƠNG

Theo Văn phòng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến ngày 10-8, các địa phương cả nước đã hỗ trợ cho trên 355.000 người lao động tự do với số tiền gần 349 tỉ đồng.

Riêng địa bàn Hà Nội, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-8, ông Nguyễn Hồng Dân - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH - cho biết đến thời điểm này UBND các quận, huyện đã ra quyết định và thực hiện chi trả hỗ trợ cho 100.916 người lao động tự do với số tiền lên tới 102 tỉ đồng.

Theo ông Dân, hầu hết người lao động được nhận hỗ trợ 1 tháng (1 triệu đồng/tháng), nhưng cũng có những lao động bị ảnh hưởng kéo dài nên được hỗ trợ 2 tháng.

"Với con số trên, đối chiếu với lượng hồ sơ đề nghị của người lao động tự do thì Hà Nội đã thực hiện chi trả cho trên 95%. Trong tháng 8, Hà Nội sẽ hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 dịp từ tháng 4 đến tháng 6-2020" - ông Dân cho biết.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết quyết định 15 của Thủ tướng đã quy định chi tiết về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo thì được nhận hỗ trợ. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng và nhận tối đa không quá 3 tháng.

Quyết định cũng nêu rõ lao động là những người làm một trong những công việc như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe ôm, xe xích lô chở khách; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Theo hướng dẫn, người lao động tự do mất việc làm do COVID-19 thấy mình đủ điều kiện được hỗ trợ thì gửi đơn (tờ khai) đề nghị hỗ trợ đến UBND cấp xã, phường.

Trường hợp người lao động có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, TP trực thuộc trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo quyết định này và ngược lại.

Sau khi nhận đơn của lao động tự do, trong 5 ngày làm việc, UBND cấp xã, phường tổ chức rà soát và lập danh sách với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong 2 ngày làm việc tại trụ sở UBND xã, phường.

Sau đó UBND xã, phường sẽ tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi UBND cấp quận, huyện.

Trong 2 ngày làm việc, UBND cấp quận, huyện thẩm định, trình chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP phê duyệt danh sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ. Đồng thời chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chỉ đạo cấp quận, huyện thực hiện chi trả hỗ trợ trong 3 ngày làm việc.

Đ.BÌNH

MC của VTV nói gánh hàng rong là MC của VTV nói gánh hàng rong là 'sống ký sinh trùng' trên đường phố

TTO - Nhiều khán giả đã phản ứng khi họ nghe biên tập viên trong bản tin Tài chính - kinh doanh của Đài Truyền hình Việt Nam gọi những người bán hàng rong "sống ký sinh trùng" trên đường phố.

V.THỦY - Đ.NHẠN - H.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hàng rong COVID covid-19
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp