Sau nhiều tháng "ngủ đông", sáng 24-10, một nhà hàng tại quận Phú Nhuận cho nhân viên sắp xếp lại bàn ghế để chuẩn bị mở bán tại chỗ - Ảnh: Q.T.
Sau khi nghe thông tin TP.HCM sắp cho mở bán trực tiếp, nhiều hàng quán không khỏi phấn khởi, cho rằng quyết định này của TP sẽ giúp các doanh nghiệp "sống trở lại". Tuy vậy, nhiều đơn vị vẫn tỏ ra thận trọng nghĩ gian nan còn ở phía trước, chưa kể rủi ro về dịch bệnh COVID-19 vẫn hiện hữu.
Tưng bừng nhập hàng về, dọn bàn ghế
Sáng 24-10, dù tất bật bán hàng mang đi nhưng ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập Hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận) - không quên dặn dò nhân viên tranh thủ chuẩn bị các khâu để mở bán tại chỗ trở lại.
Ông cho biết sau khi nhận thông tin TP.HCM sắp cho mở bán tại chỗ, vài ngày qua đơn vị đã cho nhân viên lau chùi, sắp xếp lại bàn ghế, nguyên liệu đã được nhập về đầy kho, nhân sự dù còn thiếu nhưng đang tính toán chia đều các điểm bán và bố trí phù hợp để đảm bảo gồng gánh giai đoạn đầu khi mở bán tại chỗ...
"Mọi thứ đã ổn, cái cần hiện nay là sớm có quy định cho mở bán tại chỗ một cách cụ thể của TP để các hàng quán chỉnh sửa cho phù hợp, vừa đảm bảo mở bán vừa đảm bảo phòng chống dịch", ông Thịnh nói.
Nhà hàng Thiên Hồng Phát (quận Tân Bình) phun xịt khử khuẩn tại các phòng để chuẩn bị bán tại chỗ - Ảnh: H.M.
Trong khi đó, sáng 24-10, lần đầu tiên sau nhiều tháng "ngủ đông", ông Hà Bình Kha - chủ nhà hàng Hai Châu (quận Gò Vấp) - hớn hở cho biết nhà hàng đã có "hơi thở" trở lại. Ông đã cho nhập về vài chục ký thịt, rau củ quả các loại, và khởi động lại khu bếp bằng cách đổi gas, lau chùi chén bát, bàn ghế cũng được sắp xếp lại ngay ngắn để chờ khách.
Theo ông Kha, biết vẫn còn nhiều khó khăn, giai đoạn đầu khách sẽ chưa nhiều, và nhà hàng chưa hoạt động hết công suất nên chưa chắc có lợi nhuận. Tuy nhiên, sau nhiều tháng ngưng kinh doanh thì cũng cần "làm nóng" để nhân viên quen việc, nối lại mối lái, nguồn cung và quảng bá đến khách hàng.
"Rất may là nhân viên tích cực hỗ trợ, nguồn cung nguyên liệu sẵn sàng cung cấp khi cần. Mọi thứ đã tạm ổn, chỉ chờ giờ "G" của chính quyền là nhà hàng chạy thôi", ông Kha phấn khởi.
Cũng theo ông Kha, với 2 mặt bằng có giá thuê lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng phải ngưng bán thời gian dài đã khiến đơn vị đang rất áp lực với bài toán kinh tế. Do đó, việc cho mở bán tại chỗ lại cần được chính quyền xem xét cho triển khai sớm để cứu doanh nghiệp.
Dù chưa dám chắc về thời gian mở cửa bán tại chỗ do phụ thuộc nhiều về nhân sự, quy định của chính quyền... nhưng ông Trương Thanh Trí - đại diện nhà hàng Cơm Niêu Hoa Sữa (quận Bình Thạnh) - cho biết với mặt bằng chứa được hơn 130 người, ông thấy phấn khởi hơn hẳn khi nghe thông tin TP cho mở bán tại chỗ. Theo đó, ông đã tính toán các phương án về nhân sự, nguyên liệu.
"Do mặt bằng của nhà nên không chịu nhiều áp lực về tài chính. Tuy nhiên, việc bán mang đi thời gian qua không hiệu quả như mong đợi nên tôi rất mong chờ ngày được bán tại chỗ trở lại", ông Trí kỳ vọng.
Doanh thu tăng nhưng vẫn lo, vẫn còn nghe ngóng
Sáng 24-10, khu vực bếp của nhà hàng Hai Châu (quận Gò Vấp) lần đầu tiên được khởi động lại nhộn nhịp trong nhiều tháng qua - Ảnh: B.K.
Bên cạnh nhiều hàng quán tất bật chuẩn bị thì đến hôm nay vẫn còn không ít hàng quán ở TP.HCM đóng cửa, một số khác đang phục vụ khách mang về thì vẫn đang nghe ngóng thêm tình hình.
Anh Thành (chủ một quán cà phê tại Thủ Đức) chia sẻ hiện đang dọn dẹp lại hai quán cà phê, nếu TP cho phép thì sẽ mở trước một quán. Tuy nhiên cả anh Thành và nhiều chủ quán khác đều thừa nhận việc phải áp dụng khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m có thể khiến quán ế khách.
Tương tự, ông Vĩ - chủ một nhà hàng tại quận Bình Thạnh - cho biết trường hợp cho bán tại chỗ quy định người cách người tối thiểu 2m thì công suất hơn 100 người của nhà hàng có thể phải sắp xếp lại và cắt giảm mạnh.
Ngoài ra, cái khó hiện nay là 70-80% nhân sự của quán đang còn ở các tỉnh chưa lên được, trong khi đó để nhà hàng hoạt động khi bán tại chỗ cần ít nhất 60% nhân sự, trong đó chỉ riêng khâu bếp đã 8-10 người.
"Thời gian đầu chỉ dám mở bán tại chỗ cầm chừng, bởi nếu mở bán nhiều trong giai đoạn đầu có thể gặp rủi ro về hàng hóa dư thừa dẫn đến hư hỏng, thua lỗ", ông Vĩ thận trọng.
Theo bà Nga - chủ quán bánh xèo trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), vài ngày gần đây bà nôn nao khi nghe TP cho mở bán trực tiếp.
"Dù bán hàng mang đi đang tốt dần lên nhờ khâu giao nhận ổn định trở lại, nhưng mở bán tại chỗ vẫn giúp doanh thu của quán tăng hơn nhiều dù có bị giảm công suất", bà Nga nói.
Chính thức khai trương lại để bán mang về được khoảng một tháng nay, anh Nguyễn Hữu Trí (chủ quán trà sữa, bánh mì thịt nướng, Q.7, TP.HCM) cho biết doanh thu đã hồi phục 50% so với trước dịch. Tuy nhiên, theo anh Trí, nếu được cho ngồi tại chỗ thì việc làm ăn sẽ tốt hơn. Dù vậy, cái khó là quán chưa tuyển được thêm nhân viên.
Chờ hướng dẫn chính thức, mong thủ tục thuận tiện
Theo anh Tùng (Bình Thạnh), hiện tại TP chưa có công văn chính thức nên nhiều chủ quán vẫn đang ngóng tình hình. “Đợi có công văn, dựa theo đó mà tính toán cho khách ngồi lại như thế nào. Chỉ mong thủ tục, cách thức triển khai thuận tiện. Giờ vội vàng cho ngồi lại, làm không đúng bị phạt nữa mất công, tốn tiền”, anh Tùng chia sẻ.
Với diện tích xấp xỉ 1.000m2, sáng 24-10, chủ một nhà hàng tại quận Gò Vấp cho biết đã hoàn thành việc sắp xếp lại bàn ghế để bán tại chỗ - Ảnh: N.TRÍ
Một quán bún cá ở quận Bình Thạnh vẫn đang tập bán mang về. Hiện nhiều quán vẫn đang nghe ngóng tin về bán tại chỗ - Ảnh: BÔNG MAI
Sáng 24-10, một quán cơm chay tại TP Thủ Đức vẫn còn đang bán trái cây trước cửa. Trong thời gian dịch vừa qua, nhiều quán ăn khác cũng tranh thủ bán rau xanh kiếm thêm - Ảnh: BÔNG MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận