Trẻ em thường bị cho là hay gây ồn ào, và bị từ chối phục vụ tại một số nhà hàng hay quán cà phê nhằm giữ không gian yên tĩnh cho các khách hàng khác.
Theo tờ Korea Herald, vấn đề này đã dần trở thành một cuộc tranh luận nảy lửa của người dân Hàn Quốc, nhất là kể từ đầu năm 2023 đến nay.
"Chúng tôi rất muốn tiếp đón cả những vị khách nhỏ. Nhưng trước đây chúng tôi từng gặp rắc rối khi có cha mẹ không trông chừng con cái", chủ quán cà phê Kyeri tại thủ đô Seoul nói với tờ Korea Herald hôm 31-5.
Quán cà phê này cũng là một trong số 451 nhà hàng và quán ăn trên khắp Hàn Quốc từ chối phục vụ trẻ em, theo dịch vụ xác minh thông tin doanh nghiệp của Google Maps.
Trớ trêu thay, số lượng các hàng quán cấm trẻ nhỏ tại Hàn Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn luôn là quốc gia có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, nhất là trong những năm gần đây.
Trẻ em khó quản hay cha mẹ vô trách nhiệm?
Chủ của các nhà hàng cấm trẻ em nói rằng họ không đón khách trẻ em bởi lo ngại các rủi ro và sự cố tiềm ẩn liên quan đến những hành vi không thể lường trước của trẻ.
Không những vậy, các chủ cửa hàng này cho biết thêm rằng tòa án thường đưa ra phán quyết không có lợi cho họ khi xảy ra các tai nạn liên quan đến trẻ em.
Điển hình như Tòa án quận Daegu đã yêu cầu chủ một nhà hàng thịt nướng phải đền bù 11 triệu won (hơn 200 triệu đồng) cho gia đình của một đứa trẻ 24 tháng tuổi hồi năm 2008, sau khi đứa bé bị bỏng do va chạm với nhân viên nhà hàng.
Theo tòa án này, cả hai bên đều có lỗi. Nhưng nơi đứa trẻ gặp tai nạn là bên trong nhà hàng thịt nướng, và người nhân viên phục vụ phải là người quan sát cẩn trọng hơn.
Ngoài ra, theo chủ một nhà hàng mì ramen ở Seoul, lý do khiến nhà hàng của ông cấm trẻ em bởi không gian quán nhỏ, không đủ chỗ ngồi và thực đơn không phù hợp.
"Món mì ramen của quán chúng tôi quá cay với trẻ nhỏ", người này giải thích.
Trong khi đó, một bộ phận người dân Hàn Quốc cũng ủng hộ chính sách "không trẻ em" này bởi chính thái độ vô trách nhiệm của một số bậc cha mẹ.
Theo một cuộc khảo sát do nhóm nghiên cứu địa phương Embrain công bố vào tháng trước, 61,9% người tham gia hoàn toàn đồng ý với việc cấm trẻ nhỏ tại các quán ăn và quán cà phê.
Trong số 1.000 người tham gia khảo sát có đến 53,6% người đồng ý là những người đã có con.
Đặc biệt, có đến 62% người tham gia cho rằng những tai nạn trong hàng quán chủ yếu là do cha mẹ không quản lý tốt hành vi của con trẻ.
Một nguyên nhân khác là vì họ muốn giữ bầu không khí thư giãn, yên tĩnh trong hàng quán mà không bị phiền vì tiếng khóc, tiếng la hét của trẻ nhỏ.
Anh Lee Chan Hee, một sinh viên kỹ thuật ở Seoul, "khách ruột" một quán cà phê cấm trẻ em ở thủ đô Seoul, nói với tờ New York Times rằng: "Tôi thường đến quán cà phê để học. Vì thế tôi không muốn bị tiếng khóc của trẻ nhỏ quấy rầy".
Liệu có phải hành vi phân biệt đối xử?
Năm 2017, Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc đã coi những hành vi cấm trẻ nhỏ tại nhiều nhà hàng, quán cà phê là phân biệt đối xử.
Hơn nữa, theo ông Koo Jeong Woo - giáo sư xã hội học tại Trường đại học Sungkyunkwan - phân tích, sự tồn tại của những hàng quán cấm trẻ em không chỉ cô lập trẻ mà còn tách biệt các bà mẹ ra khỏi xã hội Hàn Quốc.
Khi các hàng quán cấm trẻ nhỏ, những người mẹ có con nhỏ cũng chẳng thể ngồi thưởng thức một món ăn ngon hay một tách cà phê cùng người khác.
Giáo sư Koo cho biết việc quản lý hành vi của trẻ em ở những nơi công cộng là vấn đề cá nhân, và không phải là quy định được nêu ra tại các nhà hàng hay quán cà phê như thế này.
Cuối năm 2022, một quán cà phê tại thành phố Đà Nẵng đã từng gây tranh cãi dữ dội khi thông báo từ chối phục vụ trẻ em dưới 12 tuổi.
Quán này cho biết do quán nhận nhiều ý kiến phàn nàn về việc một số bạn khách nhỏ gây ồn ào, la ré, chạy nhảy gây ảnh hưởng đến các khách khác nên quán "xin phép từ chối khách dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi", đồng thời khuyến cáo các phụ huynh hãy cân nhắc trước khi đến quán.
Sau khi ra thông báo xin phép từ chối khách dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi, quán này nhận được "mưa" ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận