Bao giờ cho đến tháng Mười của NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh
Với điện ảnh và với những giá trị tinh thần khác, chúng ta không thể "quy ra thóc" và đổ đồng tất cả vào một cái sọt có tên là "cổ phần hóa".
Lê Hồng Lâm
* Anh đang thực hiện dự án 100 phim Việt Nam, xin hỏi trong số phim anh chọn, có bao nhiêu phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất? Anh đánh giá thế nào về chất lượng của những bộ phim này?
- Tôi chưa có thống kê chính xác bao nhiêu phim trong top 100 phim Việt Nam này thuộc Hãng phim Truyện Việt Nam, nhưng nói chung là chiếm số lượng lớn.
Ngay từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam là Chung một dòng sông làm năm 1959 cho đến những năm của thập niên 90, những bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn giữ vai trò chủ lực và nhiều trong số đó trở thành những bộ phim kinh điển.
Phải kể đến Con chim vành khuyên, Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Đến hẹn lại lên, Chị Dậu, Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Đời cát...
Tất nhiên có nhiều bộ phim khó xem lại ở thời điểm hiện nay, bởi tính tuyên truyền lộ liễu, cách kể chuyện kiểu ước lệ sân khấu; nhưng rất nhiều trong số đó, đặc biệt là những phim tôi kể ở trên vẫn rất đẹp, rất nhuần nhị, và tái hiện được những chân dung, những thân phận đau thương của người Việt Nam một thời.
Xem những bộ phim này, tôi thấy yêu những người nghệ sĩ thời đó, bởi tình yêu trong sáng cho điện ảnh, bởi vẻ đẹp hồn hậu của người Việt một thời. Điều khiến tôi thú vị nữa là những người nghệ sĩ thời đó là đề tài của họ rất đa dạng chứ không chỉ quẩn quanh giải trí như bây giờ.
Lê Hồng Lâm
Họ tái hiện từ bối cảnh Tây Bắc trong Vợ chồng A Phủ đến Kinh bắc trong Đến hẹn lại lên; từ đất lửa Vĩnh Linh trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đến mùa nước nổi của vùng Nam bộ trong Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng; và đặc biệt là những thân phận hậu chiến trong Bao giờ cho đến tháng Mười đến những bi kịch của làng quê thời đổi mới trong Thương nhớ đồng quê...
Cảnh phim Cánh đồng hoang của NSND, đạo diễn Hồng Sến
* Đánh giá của anh về những đóng góp của Hãng phim truyện Việt Nam với nền điện ảnh Việt Nam?
- Tôi hình dung Hãng phim truyện Việt Nam như người anh cả trong gia đình điện ảnh Việt Nam, người đã cống hiến hết sức trẻ, tuổi thanh xuân cho điện ảnh và bây giờ đang trở nên già cả, ốm yếu, lạc hậu nên bị những đứa em, đứa cháu quay mặt làm ngơ.
Những đóng góp của Hãng phim truyện Việt Nam với rất nhiều bộ phim xuất sắc, đoạt các giải thưởng cao trong nước và quốc tế là không thể phủ nhận và xứng đáng được xem là những di sản của điện ảnh Việt Nam.
Rất nhiều bộ phim trong số này cũng đã từng chinh phục hàng triệu khán giả trong những năm bao cấp và thời đầu đổi mới.
Những bộ phim như Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn đã từng lôi kéo trên dưới 10 triệu lượt khán giả khắp cả nước đến xem, kém gì thời hoàng kim của điện ảnh Hàn bây giờ?
Thế rồi sự thoái trào của điện ảnh nhà nước, bắt đầu từ những bộ phim "cúng cụ" đốt tiền tỷ nhưng minh họa sáo mòn; thị trường chiếu bóng khủng hoảng sau loạt phim mì ăn liền chết yểu và tất nhiên là cả những người nghệ sĩ không chịu đổi mới, vẫn bám vào "bầu sữa" nhà nước để đợi dự án làm phim cho đến khi "bầu sữa" ấy bị vắt sạch.
Tôi nghĩ từ những bộ phim thu hút vài triệu lượt người xem trong các thập niên trước đến những bộ phim cúng cụ tiền tỷ không bán được một vé trong những năm 2000 là do những nghệ sĩ của nhà nước, trong đó có Hãng phim truyện Việt Nam quá thụ động, quá lạc hậu trước sự đổi mới của thị trường điện ảnh.
Lê Hồng Lâm
Nhà báo Lê Hồng Lâm (giữa) và NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh - đại diện tiêu biểu của dòng phim nhà nước (phải) trong buổi ra mắt cuốn sách điện ảnh Cánh chim trong gió của Lê Hồng Lâm tại Hà Nội - Ảnh: NGỌC DIỆP
* Cổ phần hóa đã khiến nhiều ngành nghề mất công tạo dựng biến mất. Cổ phần hóa là tất yếu, nhưng cổ phần hóa để tiến tới xóa bỏ sạch trơn một hãng phim có bề dày như Hãng phim truyện Việt Nam theo anh chúng ta sẽ được gì và mất gì?
- Có một điều mà tôi nhận thấy ở Việt Nam là chúng ta không biết cách gìn giữ và bảo vệ "di sản", đặc biệt là những di sản tinh thần; chúng ta cũng ít trân trọng tài năng của những người đi trước.
Chuyện cổ phần hóa để tiến tới xóa bỏ sạch trơn một hãng phim từng mang lại giá trị tinh thần cho hàng triệu người Việt Nam một thời, phản ánh đúng điều tôi vừa nói.
Tất nhiên, trước sự thay đổi chóng mặt của công nghệ và giải trí, nhiều ngành nghề vài năm trước còn là hoàng kim vài năm sau đã trở thành lạc hậu, lỗi thời.
Nhưng với điện ảnh và với những giá trị tinh thần khác, chúng ta không thể "quy ra thóc" và đổ đồng tất cả vào một cái sọt có tên là "cổ phần hóa".
* Cảm ơn anh!
Phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của NSND, đạo diễn Hải Ninh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận