Thậm chí tỉ lệ người dùng mua sắm nguồn hàng từ nước ngoài liên tục tăng trong thời gian trở lại đây. Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada... các gian hàng nước ngoài từ quần áo, phụ kiện đến đồ dùng gia đình, nhà bếp... đang trở nên phổ biến hơn.
Gian hàng quốc tế lấn át hàng Việt
Anh Ngọc Phương (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết thực tế là hàng Trung Quốc giá rẻ qua các sàn TMĐT đã có sẵn ở Việt Nam từ lâu và sự xuất hiện của Temu hay Shein chỉ là khẳng định thêm những lỗ hổng trong quản lý TMĐT xuyên biên giới.
Cách đây không lâu, khi tình cờ đi chơi gặp gỡ bạn bè, anh phát hiện bộ đồ dùng chén bát khá xinh và muốn hỏi mua. Về nhà, qua vài thao tác tìm kiếm trên mạng, anh Phương được dẫn đến gian hàng Taobao ngay trên sàn Lazada.
"Ở đây có các loại hàng hóa mà bạn muốn thuộc tất cả ngành hàng và cả bộ đồ dùng tôi muốn mua. Qua những nền tảng ở Việt Nam, các shop quốc tế nội địa Trung đã có thể ship hàng trực tiếp về Việt Nam rất nhanh và tiện", anh Phương cho biết.
Theo báo cáo từ iPrice Group và Statista, năm 2023 khoảng 30 - 35% người tiêu dùng Việt Nam trên các nền tảng TMĐT đã thực hiện mua sắm quốc tế, chủ yếu là mỹ phẩm, đồ điện tử, thời trang và phụ kiện.
Thay vì mày mò trên các website nước ngoài để đặt hàng và tìm đơn vị giao vận về Việt Nam, nay các khách hàng dễ dàng mua sắm trên shop quốc tế với mức giá rẻ. Còn theo thống kê của Shopee, mỗi tháng có đến 22 triệu người mua hàng trên Shopee.
Dù chưa có thống kê nào cho thấy tỉ lệ tương quan giữa nguồn hàng từ nước ngoài và nội địa trên các sàn, nhưng với ưu thế đa dạng chủng loại hàng hóa và giá cả, các gian hàng quốc tế có xu hướng tăng lên, ngày càng phổ biến hơn.
Từ chỗ khó mua do hàng rào thanh toán và ngôn ngữ, nhiều người tiêu dùng dễ dàng mua hàng xuyên biên giới qua các sàn hiện diện ở Việt Nam.
Ngay cả hai sàn Shopee và Lazada, các tính năng như Shopee Global và LazMall cũng đã giúp người tiêu dùng Việt dễ dàng tiếp cận các nguồn hàng quốc tế, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Các giao dịch xuyên biên giới còn được thúc đẩy bởi các chương trình giảm giá và miễn phí vận chuyển.
Theo ghi nhận, khoảng cách giá trên gian hàng quốc tế của hai sàn trong nước so với Temu hay Shein không chênh lệch đáng kể, nếu bỏ qua khuyến mãi của ban đầu.
Vì thế, các nhà bán hàng Việt đang đối mặt với vô vàn thách thức khi không chỉ cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà còn đối mặt với các nhà bán hàng giá rẻ nước ngoài xâm nhập qua TMĐT.
Cuộc chiến không cân sức về giá
Giám đốc kinh doanh ngành hàng mẹ và bé của một công ty đa quốc gia cho biết lần đầu tiên trong năm nay mặt hàng bỉm cũng như đồ dùng em bé của công ty đang phải cạnh tranh vất vả với hàng nội địa Trung Quốc.
"Kênh bán hàng online, sự rầm rộ của các gian hàng TMĐT xuyên biên giới đang điều chỉnh lại hệ thống phân phối truyền thống bằng cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt và tốc độ giao hàng. Người mua bây giờ không cần phải ra cửa hàng mà được ship tận nhà, tiện và rẻ", vị này nói.
Việc bùng nổ các shop quốc tế trên các sàn TMĐT khiến các gian hàng Việt chịu sự cạnh tranh lớn cả về chất lượng, mẫu mã. Ông Phạm Bảo Trung - cố vấn giải pháp tăng trưởng khách hàng của nền tảng Metric - cho biết dữ liệu quý 3-2024 từ thị trường cho thấy phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng đã tăng thị phần đáng kể ở thị trường TMĐT Việt Nam, chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% so với cùng kỳ 2023.
Trong đó các sản phẩm dưới 100.000 đồng tăng 5% thị phần, còn từ 100.000 - 200.000 đồng tăng thêm 4%. Người tiêu dùng cũng đang đối mặt với nhiều áp lực kinh tế, do đó việc thắt chặt chi tiêu là điều tất yếu.
"Theo tôi tìm hiểu, rất nhiều người tiêu dùng khi có nhu cầu về một sản phẩm thường sẽ tìm hiểu trên nhiều sàn khác nhau, nhiều shop khác nhau rồi mới cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng.
Việc này cho thấy xu hướng tiêu dùng đang chuyển từ mua sắm bừa bãi sang một lối tiêu dùng thông minh hơn khi khách hàng biết tận dụng tối đa đồng tiền mà họ bỏ ra", ông Trung nhận định.
Tuy nhiên xu hướng này không chỉ đơn thuần là tìm kiếm mức giá rẻ nhất. Ông Nguyễn Quốc Anh - chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM (RUPA) - cho biết ngành giày dép cao su, nhựa của Việt Nam chịu tác động trước làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ trên kênh TMĐT rất rõ.
Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đã ngưng sản xuất và chuyển sang nhập hàng về bán vì chi phí không thể cạnh tranh với hàng qua TMĐT.
"Tình hình không chỉ đơn thuần là cạnh tranh nữa, mà đã trở thành vấn đề bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước", ông Quốc Anh nói.
Ông Đỗ Hòa, giám đốc Công ty Tinh hoa Quản trị, cũng bày tỏ lo ngại nếu không có sự can thiệp của Chính phủ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường hoàn toàn trong vài năm tới.
"Tình hình càng đặc biệt nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ, khi họ thiếu quy mô sản xuất và năng lực tài chính cần thiết để cạnh tranh với các nhà sản xuất của Trung Quốc", ông Hòa nói.
Khuyến mãi, giảm giá và miễn phí vận chuyển hấp dẫn người mua online
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Tập đoàn Federal Express (FedEx) về tình hình mua sắm cuối năm nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn một nửa (57%) người tiêu dùng chuộng mua sắm trên các nền tảng TMĐT, trong đó 70% bị thu hút bởi các chương trình giảm giá và khuyến mãi mùa lễ hội.
Các sự kiện mua sắm trực tuyến lớn như Lễ Độc thân, Black Friday và Cyber Monday đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Ngoài ra, vận chuyển cũng góp phần nâng cao trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. 65% số người tham gia khảo sát cho biết miễn phí giao hàng là yếu tố thúc đẩy hoàn tất đơn hàng.
Tuy nhiên giao hàng trễ vẫn là mối lo ngại lớn, với 54% số người tiêu dùng được hỏi nói đây là vấn đề thường xuyên xảy ra trong mùa lễ hội. Một bộ phận lớn người tiêu dùng (60%) kỳ vọng các đơn hàng sẽ được giao trong vòng 2-3 ngày làm việc, 45% trong số đó ưu tiên các phương thức giao hàng tiện lợi để cải thiện trải nghiệm mua sắm.
Để thúc đẩy doanh số, kết quả khảo sát chỉ ra rằng các doanh nghiệp SME (nhỏ và vừa) phải khai thác triệt để các nền tảng TMĐT. Và theo kết quả khảo sát, 87% doanh nghiệp đang tận dụng các nền tảng TMĐT của bên thứ ba để mở rộng phạm vi tiếp cận người tiêu dùng và tăng cơ hội bán hàng.
Đối với các SME, dịch vụ vận chuyển đáng tin cậy, giá cả cạnh tranh và hỗ trợ các công cụ kỹ thuật số là những yếu tố cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển quốc tế trong mùa cao điểm.
Hàng giá rẻ không như quảng cáo
Anh Phước Thịnh (ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết trong cơn bùng nổ săn hàng giá rẻ trên nền tảng Temu mới đây, anh cũng đặt mua đèn chiếu sáng và trang trí trong nhà với hình ảnh minh họa kèm theo trên sàn này trông rất long lanh.
Thế nhưng khi nhận về, anh đã phải bỏ ngay vào thùng rác. Bởi muốn đổi trả, người mua phải đem ra bưu cục chỉ định của sàn và đợi sàn nhận hàng kiểm tra xong mới được hoàn tiền. Quá phiền phức! Trong khi đó, với sàn trong nước, sẽ có shipper đến nhận hàng về.
"Họ sử dụng hình ảnh đẹp, thậm chí lấy mẫu mã quảng cáo của hàng hóa châu Âu để tăng hấp dẫn. Việc quảng cáo hàng chất lượng cao nhưng bán một loại khác về mặt luật pháp là lừa người tiêu dùng", anh Thịnh nói về trải nghiệm mua hàng đáng thất vọng.
Nguy cơ doanh nghiệp Việt thu hẹp sản xuất
Theo ông Đỗ Hòa, giám đốc Công ty Tinh hoa Quản trị, vấn đề nghiêm trọng hơn là hàng hóa giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc đã và đang "nuốt chửng" thị phần của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Với chiến lược xuất khẩu hàng giá rẻ sang các thị trường lân cận, Trung Quốc không chỉ tìm cách tiêu thụ sản phẩm dư thừa mà còn tạo ra "sức ép" khiến các doanh nghiệp nội địa khó cạnh tranh nổi.
"Nếu tình trạng này tiếp diễn, Việt Nam có nguy cơ mất dần năng lực sản xuất nội địa, kéo theo tình trạng thất nghiệp và suy giảm kinh tế nghiêm trọng", ông Hòa cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận