Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận phiên điều trần - Ảnh: LÊ KIÊN |
“Tại sao có nhiều vụ việc xảy ra thời gian đã lâu, nhưng khi báo chí vào cuộc và có chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao thì lại khởi tố, điều tra được? Phải chăng là có tình trạng chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm trong một số vụ việc? |
Bà Lê Thị Nga |
Đó là thực trạng và cảnh báo được đưa ra tại phiên điều trần do Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức ngày 27-3.
Mỗi năm có hàng ngàn vụ
Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Hồng Lan cho biết theo thống kê, năm 2014 có gần 1.600 trẻ em, năm 2015 có hơn 1.300 trẻ em và năm 2016 là hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục.
Nhưng trên thực tế đây không phải là con số chính xác bởi có nhiều vụ việc mà các em và gia đình không khai báo do bị đe dọa, dùng tiền mua chuộc hoặc cảm thấy xấu hổ.
Đánh giá chung của nhiều cơ quan tham gia điều trần (Bộ Giáo dục - đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ VN, Trung ương Đoàn, Viện KSND tối cao, TAND tối cao...) cho thấy thực trạng đã rất nhức nhối, nhưng công tác phòng chống lại chưa hiệu quả như mong muốn.
Theo bà Lan, trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non; hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em; thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh; đặc biệt là nhóm đối tượng người thân... cho thấy sự băng hoại đạo đức xã hội.
Thời gian qua cũng xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, như vụ nghi can là người già ở xâm hại tình dục với nhiều trẻ em; vụ cháu bé sinh năm 2012 bị đối tượng 78 tuổi xâm hại tình dục ở Ba Vì, Hà Nội...
Liên quan câu chuyện phòng chống, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em - đặt vấn đề người VN phạm tội xâm hại tình dục ở nước ngoài khi về nước sẽ quản lý thế nào hay vẫn hoạt động, tiếp xúc bình thường với trẻ em? Rồi người nước ngoài từng xâm hại tình dục trẻ em sang VN cũng chưa có cảnh báo.
“Chúng tôi cũng đã hướng dẫn..., nhưng phải thừa nhận rằng việc thực hiện còn nhiều hạn chế bởi chúng tôi mới hướng dẫn mô hình điểm" - Thượng tá ĐINH VĂN TRÌNH (đại diện Cục Cảnh sát hình sự) (trái). “Khi các em gái bị xâm hại, tinh thần đang hoảng loạn thì người lấy lời khai là nam cảnh sát, mặc sắc phục, dùng từ ngữ của người lớn để hỏi... Các em có dám trả lời không?" - Bà Ninh Thị Hồng (đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em) (phải) - Ảnh: LÊ KIÊN |
Bị xâm hại vẫn gặp khó vì quy định?
Phát biểu tại phiên điều trần, bà Ninh Thị Hồng - đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN - nhấn mạnh hậu quả của việc xâm hại tình dục đối với trẻ em là rất nặng nề, đặc biệt nghiêm trọng như trường hợp bé gái 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì không chịu đựng được áp lực xã hội.
“Nhưng tôi thấy ngành y tế cũng chưa chú trọng giám định tổn hại tinh thần cho trẻ em. Tôi xin hỏi là với một em bị hiếp dâm thì tỉ lệ tổn hại sức khỏe, tinh thần là bao nhiêu?
Khi xử một vụ xâm hại tình dục trẻ em, thử hỏi thực tế tòa án tuyên đền bù tổn hại vật chất, tinh thần là bao nhiêu khi cứ đòi hỏi đưa hóa đơn và đưa giám định tỉ lệ thương tật.
Tôi xin nói rằng một em bé đang phát triển bình thường như vậy khi bị xâm hại tình dục thì có thể cả đời bị ám ảnh, bị ngơ ngẩn, bị điên dại, ai đền bù cho các em?” - bà Hồng gay gắt đặt hàng loạt câu hỏi.
Theo bà Hồng, thực tế bức xúc như vậy nhưng pháp luật và việc thực hiện công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em còn nhiều bất cập, khoảng trống, thậm chí khiến các nạn nhân thêm sợ hãi.
Ví dụ, luật quy định khi một vụ xâm hại xảy ra thì cơ quan công an mới có thẩm quyền trưng cầu giám định pháp y, mà trung tâm giám định pháp y lại chỉ có ở cấp tỉnh.
“Vậy khi vụ việc xảy ra ở vùng sâu vùng xa, ở bản làng nào đó, gia đình phát hiện thì chỉ đưa con đến trạm xá, đến huyện là cùng, làm sao họ biết trung tâm giám định pháp y ở trên tỉnh mà đến. Mà lại còn thêm thủ tục là phải ngành công an cấp giấy thì bên y tế mới giám định” - bà Hồng băn khoăn.
Với quy định như vậy, bà Hồng đặt câu hỏi là làm sao có thể lưu giữ được chứng cứ để sau đó xác định người nào xâm hại trẻ em?
“Tôi đề nghị hai ngành này phải ngồi bàn với nhau để tạo điều kiện tốt nhất cho nạn nhân đi giám định. Có thể ở cấp dưới không có chức năng giám định, nhưng khi nạn nhân đến thì phải ghi nhận, lưu giữ lại chứng cứ như các em bị xây xước, bầm tím những chỗ nào, có tinh trùng trong âm đạo không...sau đó cung cấp cho cơ quan giám định” - bà kiến nghị.
Bà Hồng cũng đề nghị trong quá trình điều tra, ghi lời khai nạn nhân phải quy định cụ thể có điều tra viên là nữ (trong trường hợp nạn nhân là bé gái), có chuyên gia về xã hội tham gia cùng các biện pháp tâm lý hài hòa để các em khai báo đúng.
Phải thay đổi
Báo cáo của Viện KSND tối cao cũng thừa nhận để xử lý tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em bắt buộc phải có kết luận giám định pháp y và những chứng cứ có liên quan khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng gia đình tố cáo muộn, không biết thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến không xử lý được đối tượng phạm tội. Vì vậy, Viện KSND tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự theo hướng quy định biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, có thể tham khảo cách thu thập chứng cứ của nước ngoài để xử lý chính xác, kịp thời.
Kết luận phiên điều trần, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, chưa đầy đủ trong hệ thống pháp luật đã được nêu ra sẽ được kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong và Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh kiến nghị Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giám sát chuyên đề và ra nghị quyết về lĩnh vực này.
Phải hướng dẫn chống xâm hại từ trường học Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị việc hướng dẫn phòng chống xâm hại tình dục cần đưa vào chương trình giáo dục để giảng dạy toàn diện. Bên cạnh đó, bà Hà cho rằng cần tôn trọng, bảo vệ bí mật thân nhân của nạn nhân. Như vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, hiện nay gia đình đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận