19/03/2022 06:31 GMT+7

Hàng ngàn trường mầm non 'biến mất' - Kỳ cuối: Lối thoát nào?

VĨNH HÀ - MỸ DUNG
VĨNH HÀ - MỸ DUNG

TTO - Không chỉ phản ánh những khó khăn đang kéo các cơ sở này dần xuống đáy, trong thư kiến nghị gửi Sở GD-ĐT Hà Nội mới đây, gần 50 cơ sở mầm non ngoài công lập đã đề đạt những giải pháp và mong muốn để cứu mầm non tư thục.

Hàng ngàn trường mầm non biến mất - Kỳ cuối: Lối thoát nào? - Ảnh 1.

Một tiết học ở cơ sở mầm non Thăng Long Academy (Hà Nội) một năm trước đây, khi trường được mở cửa đón trẻ - Ảnh: V.HÀ

Một trong những kiến nghị là cho phép các cơ sở mầm non tư thục đảm bảo được các điều kiện phòng chống dịch và có phương án tổ chức đón trẻ trở lại an toàn được thí điểm mở cửa trở lại, sau 1 - 2 tuần yên ổn thì có thể cho các cơ sở khác được mở cửa.

Các trường tư thục hiện đang hoạt động trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm nên khi được thí điểm mở cửa trở lại chắc chắn sẽ phải có phương án tốt nhất có thể trong bối cảnh hiện nay.

Cô HOÀNG THÚY HẰNG

Thí điểm mở cửa

"Trường đóng cửa nhưng nhu cầu gửi con của phụ huynh vẫn rất lớn. Thế nên chúng tôi mong được cho phép mở cửa thí điểm đón trẻ theo sự tự nguyện của cha mẹ học sinh. Đây là một trong những giải pháp nên xem xét để cứu các cơ sở mầm non tư thục ở bên bờ phá sản" - cô Hoàng Thúy Hằng, quản lý hệ thống mầm non Happy Time, bày tỏ quan điểm.

Về điều này, cô Đinh Thị Phương Lan, quản lý hệ thống mầm non Thăng Long Academy (HN), cũng chia sẻ ở nhiều quốc gia trường mầm non là nơi đóng cửa muộn nhất và mở cửa sớm nhất nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Có nhiều cơ hội để trường mầm non được mở cửa nhưng lại không được tận dụng.

Gợi ý về những điều kiện mà các trường mầm non tư thục có thể cam kết khi được "thí điểm mở cửa", cô Phương Lan cho rằng có thể đặt ra các quy định nghiêm ngặt như khống chế số học sinh/lớp để giáo viên chủ nhiệm có thể theo dõi sát sao các biểu hiện sức khỏe, kết hợp với phụ huynh để phát hiện kịp thời những trẻ có nguy cơ nhiễm để có phương án cách ly. 

Trong trường thực hiện nghiêm các lớp bảo vệ từ cổng trường khi đón học sinh đến trong lớp học, rèn trẻ những thói quen như rửa tay, xúc miệng nước muối...

Trong khi đó, tại TP.HCM, các trường mầm non được mở cửa lại sau Tết và cũng theo phương thức tự nguyện của cha mẹ học sinh. Từ chỗ tỉ lệ học sinh đến trường ở mức 20 - 30%, nhưng giờ có thời điểm đạt 75%.

Để phòng chống dịch theo phương án ảnh hưởng ít nhất đến giáo viên và học sinh, ngành mầm non TP.HCM thực hiện theo phương thức "chia nhỏ" lớp học. 

"Chúng tôi chia ra một giáo viên phụ trách một số lượng ít học sinh. Nếu một trẻ trong nhóm là F0 thì cũng chỉ cho nghỉ nhóm đó, còn nhóm khác không phải nghỉ nên đảm bảo được số lượng học sinh đến trường và cũng đỡ cực cho các học sinh, phụ huynh, giáo viên khác" - bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết.

Hàng ngàn trường mầm non biến mất - Kỳ cuối: Lối thoát nào? - Ảnh 3.

Khung cảnh tiêu điều, vắng vẻ tại một trường mầm non khi phải đóng cửa nhiều tháng - Ảnh: V.HÀ

Tháo gỡ thủ tục hành chính

Cô Nguyễn Thanh Huyền, chủ hệ thống mầm non Ong Việt (Hà Nội) - một trong những cơ sở đang phải gánh chịu thiệt hại lớn vì đại dịch, chia sẻ khối trường mầm non tư thục đã gánh một phần trách nhiệm rất lớn khi trường công lập chưa thể lo đủ chỗ học cho trẻ. 

Nhưng khi đại dịch xảy ra, đây lại là nhóm đối tượng không được hỗ trợ hoặc có những chính sách ưu đãi cần thiết.

Tại TP.HCM, nhiều chủ trường cũng cho rằng rất cần tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính khi muốn chuyển đổi hoặc gây dựng lại cơ sở giáo dục mới sau đại dịch. 

Theo bà Nguyễn Thị Dung, chủ nhóm lớp Thần Đồng Việt tại quận 12, do vướng thời gian dài nghỉ dịch không thể co kéo kinh phí chi trả mặt bằng nên bà đã trả mặt bằng cũ nơi đăng ký của nhóm lớp cũ và chuyển sang một địa chỉ mới để hoạt động. Nhưng trường hợp này phải xin cấp phép thành lập nhóm lớp mới.

"Như vậy mất nhiều thời gian, dẫn đến gián đoạn việc học tập của học sinh và việc dạy học của giáo viên. Tôi mong những vướng mắc về thủ tục được tháo gỡ, các cơ sở còn giấy phép thì không cần phải xin cấp mới khi chuyển đổi địa điểm" - bà Dung đề đạt.

Cô Hoàng Thúy Hằng cho rằng, trong bối cảnh dịch vẫn còn, các cơ sở mầm non rất cần có những cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý để làm điểm tựa, xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra. 

"Trẻ mầm non không phải đối tượng được tiêm chủng nên không thể lệ thuộc vào giải pháp phủ tiêm vắc xin như lứa tuổi lớn hơn mới cho quay lại trường được. Trẻ mầm non cũng không thể thực hiện được nghiêm túc quy định 5K vì các cháu quá nhỏ. 

Những giải pháp phòng vệ cho trẻ chủ yếu do người lớn và các cơ sở thực hiện, hỗ trợ trẻ. Vì thế tôi cho rằng cần có hướng dẫn riêng với khối mầm non khi mở cửa trường học trở lại, trong đó cần lưu ý đến đặc thù lứa tuổi này" - cô Hằng trao đổi.

Tạo điều kiện để hoạt động trở lại

Trước đó, vào cuối năm 2021, hơn 90 trường mầm non tư thục ở Hà Nội, với tổng số trên 200 cơ sở, đã có đơn kiến nghị được tạo điều kiện sớm hoạt động trở lại nếu đáp ứng bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học, được hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp, được miễn giảm thuế và các chi phí điện nước...

Đã kích hoạt gói hỗ trợ 1.400 tỉ đồng

co hang1

Thứ trưởng Ngô Thị Minh

"Dự kiến cuối tháng 3-2022, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ dự thảo quyết định hướng dẫn việc cho cơ sở mầm non vay vốn trong gói hỗ trợ 1.400 tỉ đồng" - bà Ngô Thị Minh, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, theo số liệu Bộ GD-ĐT nắm được đến hết tháng 12-2021, đã có trên 800 trường và cơ sở giáo dục mầm non chính thức giải thể.

* Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại nghị quyết 11/NQ-CP ban hành có gói vay ưu đãi 1.400 tỉ đồng cho cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Vậy tiến độ triển khai việc này như thế nào, thưa thứ trưởng?

- Ngày 30-1, Chính phủ ban hành nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói vay ưu đãi 1.400 tỉ đồng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch để phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch COVID-19.

Hiện Bộ GD-ĐT đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội trình Chính phủ ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập theo yêu cầu của nghị quyết.

Dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 3-2022.

Bên cạnh đó, tại nghị quyết số 12/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2022 đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất phương án để báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành nghị quyết của Chính phủ thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Hiện Bộ GD-ĐT cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị quyết.

* Các chủ trường mầm non tư thục rất cần các cơ sở khoa học và pháp lý riêng cho bậc mầm non để giúp các cơ sở nhanh hồi phục, ổn định. Với trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT đã xây dựng hướng dẫn hoặc đề xuất như thế nào?

- Chủ trương mở cửa trường học để tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp đã được Bộ GD-ĐT chỉ đạo đồng bộ, thống nhất ở tất cả các địa phương, các cấp học, trình độ đào tạo. Trong đó nêu rõ trẻ em dù được tiêm vắc xin hay chưa tiêm đều cần được tổ chức cho đến trường học trực tiếp trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Với trẻ em mầm non chưa được tiêm vắc xin, cần phải đặc biệt quan tâm và tăng cường các biện pháp cụ thể phòng chống dịch. Trong đó đề cao mạnh mẽ vai trò phối hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ của các bậc phụ huynh.

Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác phòng chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục.

Đối với trẻ em mầm non, ngoài hướng dẫn và quy định chung cho các cấp học, bộ còn có công văn số 5969/BGDĐT-GDMN ngày 20-12-2021 về đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non.

VĨNH HÀ thực hiện

Hàng ngàn trường mầm non Hàng ngàn trường mầm non 'biến mất' - Kỳ 2: Giữ chân giáo viên: nỗ lực tuyệt vọng

TTO - 'Hai năm đóng cửa trường, tổn thất thì nhiều nhưng cái đau khổ nhất chính là sự đổ vỡ hệ thống nhân sự. Cho dù trường học có được mở cửa trở lại thì cũng vẫn phải mất nhiều thời gian để vực dậy'.

VĨNH HÀ - MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp