Ông Nguyễn Mạnh Đoàn ở phố Phú Thọ 2, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa (phụ giúp vợ bán đồ ăn sáng) vừa làm đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Về xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân những ngày này khi bà con đang vào mùa thu hoạch lúa chính của năm, thôn Trung Lập 3, xã Xuân Lập có 282 nhân khẩu thì có hơn 100 người dân tự nguyện làm đơn không nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.
Đủ gạo ăn nên nhường cho người khác
Vừa đảo sân lúa mới thu hoạch, bà Đỗ Thị Hiền ở thôn Trung Lập 3, xã Xuân Lập cho biết: "Gia đình tôi có 4 nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo. Theo quy định, gia đình được hỗ trợ 3 triệu đồng của Chính phủ. Nhưng nhận thấy gia đình chưa đến mức khó khăn, thiếu đói, mấy sào lúa của nhà cũng đã đến kỳ thu hoạch, đủ gạo ăn nên tôi tự nguyện làm đơn gửi UBND xã không nhận số tiền này để nhường cho những người khó khăn hơn. Việc làm này xuất phát từ tấm lòng muốn chia sẻ khó khăn với người khác chứ không bị ai ép buộc hay vận động".
Bà Đỗ Thị Gấm ở thôn Trung Lập 2, xã Xuân Lập cho biết: "Gia đình tôi được hỗ trợ 3,75 triệu đồng cho 5 khẩu thuộc diện hộ cận nghèo. Nhưng gia đình tôi không nhận bởi ngoài làm ruộng, gia đình tôi còn có nghề làm bánh nên có thu nhập ổn định hằng ngày. Xem trên tivi, tôi thấy nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình, nên tôi tự nguyện làm đơn gửi lại huyện số tiền hỗ trợ để giúp đỡ những gia đình nghèo khó hơn".
Ông Lê Đình Hải - chủ tịch UBND xã Xuân Lập - cho biết: "Khi xã và Bưu điện huyện chi trả tiền hỗ trợ cho người dân từ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ của Chính phủ, nhiều người dân mới tự nguyện làm đơn không nhận số tiền hỗ trợ. Đến nay xã Xuân Lập có 577 người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ đợt này".
Bà Lê Thị Lệ (ở xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nói xin dành tiền hỗ trợ của mình cho người khác để chia sẻ với Chính phủ trong lúc khó khăn - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Cán bộ phường, khu phố bất ngờ
Mấy hôm nay bà con ở phố Phú Thọ 2, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa cảm phục trước tấm lòng của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Đoàn - người vừa tự nguyện viết đơn gửi UBND phường không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo cách ly xã hội của Chính phủ, gia đình ông đóng cửa quán ăn hai tháng. Suốt thời gian nghỉ bán hàng, gia đình ông Đoàn sống bằng tiền để dành. Sau khi UBND phường rà soát, gia đình ông Đoàn thuộc diện được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Nhưng do gia đình khắc phục khó khăn từ tiền tiết kiệm và hỗ trợ của con cái nên ông Đoàn đã làm đơn không nhận tiền hỗ trợ.
"Khi đặt bút viết đơn xin không nhận tiền hỗ trợ, tôi muốn chia sẻ với khó khăn của Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đây là việc làm tự nguyện chứ không có ai tuyên truyền, vận động hay ép buộc. Hôm tôi nộp đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ, cán bộ ở phường, khu phố còn bất ngờ" - ông Đoàn nói.
Người dân ký đơn tự nguyện Ảnh: HÀ ĐỒNG
Sẽ trả lại ngân sách nhà nước
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại các xã ở huyện Thọ Xuân, phần lớn người không nhận tiền thuộc hộ cận nghèo, vừa làm nông nghiệp vừa làm nghề phụ; những người thuộc gia đình chính sách. Bên cạnh đó, số người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ là thành viên trong gia đình có từ 4 đến 6 người thuộc diện được hỗ trợ. Ví dụ gia đình có 4 người được hỗ trợ thì có 2 người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Do vậy người nào không nhận tiền phải làm đơn để lưu.
Sau thời gian cách ly, từ cuối tháng 4 đến nay nhiều ngành kinh tế của huyện Thọ Xuân (một trong năm huyện lớn, có nền kinh tế phát triển nhất tỉnh Thanh Hóa) đã phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các xã đang bước vào mùa thu hoạch lúa lớn nhất trong năm nên không còn hộ thiếu đói lương thực.
Ngày 12-5, ông Nguyễn Ngọc Thức - phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân - cho biết: "Đến nay huyện Thọ Xuân có 2.400 người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ với tổng số tiền trên 1,5 tỉ đồng. Số tiền này đang được giữ tại tài khoản của Bưu điện huyện Thọ Xuân (đơn vị trực tiếp chi trả cho người dân). Sau đợt chi trả này UBND huyện sẽ thống kê chi tiết số người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ và tổng số tiền để hoàn trả lại ngân sách nhà nước".
Huyện Thọ Xuân có 46.545 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ đợt này, với tổng số tiền 48 tỉ đồng. Đến chiều 12-5 huyện đã chi trả tiền cho hơn 97% số người được hỗ trợ.
Lan tỏa từ xã này sang xã khác
"Trách nhiệm của chính quyền huyện, xã là đưa tiền hỗ trợ của Chính phủ đến với người dân đúng đối tượng, đủ số lượng, kịp thời gian theo quy định. Việc người dân không nhận tiền hỗ trợ là tự nguyện. UBND huyện, xã không vận động và khuyến khích người dân không nhận tiền hỗ trợ. UBND huyện không có chủ trương để 2.400 người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để nhận thành tích.
Việc huyện Thọ Xuân có đông số người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ là có sự lan tỏa của phong trào này từ gia đình này sang gia đình khác, xã nọ sang xã kia, với tinh thần người dân muốn chia khó khăn với Chính phủ" - ông Nguyễn Ngọc Thức, phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, những người tự nguyện làm đơn không nhận tiền hỗ trợ đều được UBND xã, thôn thông báo trên loa truyền thanh, niêm yết danh sách tại nhà văn hóa thôn để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Ông Trần Anh Chung - chủ tịch UBND huyện Quảng Xương - cho biết: "Sau khi cấp xong tiền hỗ trợ đợt này, các xã sẽ tổng hợp số người không nhận tiền và số tiền để nộp vào ngân sách nhà nước".
Chiều 12-5, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc xuất hiện nhiều phụ nữ tự nguyện viết đơn không nhận tiền hỗ trợ, bà Ngô Thị Hồng Hảo - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa - cho biết: "Qua việc giám sát hoạt động cấp tiền hỗ trợ cho người dân đợt này, Hội phụ nữ các huyện phát hiện nhiều tấm gương phụ nữ thuộc hộ cận nghèo, gia đình chính sách tự nguyện viết đơn không nhận tiền hỗ trợ. Sau đó các tấm gương này được báo chí trong tỉnh viết bài tuyên dương, từ đó lan tỏa phong trào ở nhiều địa phương.
Trong quá trình giám sát, Hội phụ nữ các cấp chưa nhận được phản ảnh nào từ phía người dân về việc bị ép buộc, vận động làm đơn không nhận tiền hỗ trợ".
Nghệ An, Hà Tĩnh cũng giống Thanh Hóa
"Tôi nhận thấy mình ở một mình, có lương hưu và trợ cấp người có công hằng tháng, không bị ảnh hưởng gì do dịch COVID-19 nên tôi viết đơn này xin tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để ủng hộ những nơi gặp khó khăn hơn, san sẻ một phần nhỏ khó khăn với Nhà nước". Đó là những chia sẻ trong đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ của ông Cao Viết Tỉnh (83 tuổi, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ông Tỉnh cũng là người đầu tiên ở Nghệ An trả lại tiền hỗ trợ này.
Ông Bùi Văn Hưng, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An, cho biết tỉnh đang chi hơn 295 tỉ đồng để hỗ trợ hơn 255.360 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. "Chúng tôi cũng cho các huyện thống kê số người không nhận tiền hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện. Và hành động ý nghĩa này sẽ được tuyên dương rộng rãi" - ông Hưng nói.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) có 924 trường hợp được hỗ trợ tiền do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong quá trình tổng hợp, 18 hộ, 33 nhân khẩu đã viết đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc, cho biết: "Trước mắt, những người này nói miệng xin rút khỏi danh sách hỗ trợ, sau đó chúng tôi có hướng dẫn họ viết đơn. Việc làm này là tự nguyện không phải vận động".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Tĩnh cho biết có nắm bắt được thông tin về một số người dân xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ.
DOÃN HÒA - VĂN ĐỊNH
Đừng để ai bị xử lý về Đảng, về chính quyền và các hình thức kỷ luật bởi vì động đến đây là không ngủ được đâu và nếu có thì đây sẽ là nỗi nhục suốt đời.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Không khuyến khích nhưng hoan nghênh nghĩa cử đẹp của người dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12-5, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Thứ trưởng Lê Văn Thanh đang có chuyến công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Thông tin về việc người dân nghèo tự nguyện không nhận hỗ trợ chúng tôi đã nắm được và các đoàn kiểm tra, giám sát của bộ cũng sẽ lưu ý đến vấn đề này.
Trong ngày 12-5 rộ lên thông tin ở Thanh Hóa có hàng ngàn người dân đồng loạt ký vào đơn tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ cũng rất đáng quan tâm. Tôi đã yêu cầu Thứ trưởng Lê Văn Thanh kiểm tra việc này. Tôi cũng gọi điện, trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị lưu ý và kiểm tra".
Theo Bộ trưởng Dung, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 là chương trình rất quan trọng. Phạm vi người thụ hưởng lên tới trên 20 triệu người nên bộ đặc biệt quan tâm và có rất nhiều văn bản, công điện chỉ đạo. Các địa phương cần triển khai khẩn trương nhưng phải công tâm, công khai, minh bạch để đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước không như "con dê, đàn gà đi lạc" như những chính sách dự án trước đây.
Cụ Nguyễn Hữu Thân, 102 tuổi (tổ dân phố 4, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), ký đơn không nhận tiền hỗ trợ
"Tinh thần, quan điểm của bộ là người dân thuộc nhóm đối tượng nào được hưởng thì chính quyền, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, đảm bảo công khai, minh bạch để người dân sớm được hưởng.
Bộ không khuyến khích người dân "nhường cơm sẻ áo" kiểu này, nhưng nếu người dân được hưởng mà cảm thấy gia đình mình, bản thân mình có thể khắc phục được và họ tự nguyện không nhận để nhường cho người khác khó khăn hơn thì bộ rất hoan nghênh.
Tuy nhiên, phải nhấn mạnh là người dân không nhận hỗ trợ thì phải có đơn xin tự nguyện không nhận. Cán bộ xã, thôn có đi kê khai, hay khi làm thủ tục tuyệt đối không được gợi ý dân phải nhường, tất cả phải để người dân tự nguyện".
Chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại khi đang đi kiểm tra, giám sát ở các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: "Ngày 10-5 đoàn đã kiểm tra, giám sát ở Thanh Hóa và khi đó cũng có những trường hợp hộ cận nghèo muốn chia sẻ, dành hỗ trợ cho người khó khăn hơn nên họ tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ.
Hôm nay, qua thông tin được biết cả ngàn người dân một huyện tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ, theo yêu cầu của lãnh đạo bộ, cũng đã chỉ đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội Thanh Hóa kiểm tra, báo cáo về vụ việc báo chí nêu".
ĐỨC BÌNH
Ít cuộc gọi đến tổng đài quốc gia 111 để khiếu nại, tố cáo
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Công Hiệu, phó giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết kể từ ngày 1-5 (khi bộ thiết lập đường dây nóng tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến gói 62.000 tỉ đồng qua tổng đài quốc gia 111) đến hết ngày 11-5, đã tiếp nhận gần 88.000 cuộc gọi liên quan.
"25.000 cuộc gọi trong tổng số cuộc gọi đến tổng đài đã được giải đáp, hướng dẫn hoặc chuyển đến các cục, vụ của bộ để giải đáp. Hơn nửa số cuộc gọi là từ nhóm lao động tự do, lao động không có ký kết hợp đồng lao động bị mất việc làm phản ảnh, thắc mắc việc doanh nghiệp không lập danh sách hoặc hỏi về điều kiện, thủ tục. Có nhiều cuộc gọi của cán bộ cấp xã, phường hỏi về kinh phí hay đề nghị hướng dẫn một số nội dung.
Tổng đài ghi nhận có rất ít cuộc gọi phản ảnh liên quan đến khiếu nại, tố cáo, đặc biệt cuộc gọi khiếu nại, tố cáo từ Thanh Hóa thì chưa có" - ông Hiệu cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận