Báo The Guardian dẫn nguồn tin từ chính quyền Saudi Arabia hôm 29-6 cho biết hơn 2.000 người hành hương đã bị sốc nhiệt trong chuyến hành hương đến thánh địa Hồi giáo Mecca, Saudi Arabia, khi nhiệt độ ở đây chạm mức 48 độ C.
Hơn 1,8 triệu tín đồ Hồi giáo đã tập trung về Saudi Arabia, các hoạt động của chuyến hành hương hầu hết được tổ chức ngoài trời trong thời gian nóng đỉnh điểm của sa mạc Ả Rập. Nhiều người lớn tuổi cũng tham gia vào chuyến hành hương năm nay khi các quy định về độ tuổi tối đa trong thời kỳ dịch COVID-19 đã được loại bỏ.
Tín đồ Hồi giáo sẽ hành hương mỗi năm đến thánh địa Mecca, chuyến hành hương này được gọi là hajj. Hajj của năm 2023 diễn ra từ ngày 26-6 đến 1-7.
Quan chức Saudi Arabia cho biết đã ghi nhận hơn 1.700 ca sốc nhiệt vào hôm 29-6, khi một lượng lớn khách hành hương ở lại các khu vực thánh địa sau khi buổi lễ chính hoàn tất. Trước đó, 287 ca sốc nhiệt đã được báo cáo.
“Số ca sốc nhiệt được ghi nhận từ đầu ngày 29-6 đã chạm mức 1.721 ca”, báo The Guardian dẫn lời Bộ Y tế của Saudi Arabia. Bộ này cũng khuyến cáo người hành hương nên tránh ánh nắng mặt trời và uống nhiều nước.
Tuy phía Saudi Arabia không đưa ra số tử vong nhưng các con số được báo cáo từ nhiều quốc gia khác cho thấy có ít nhất 230 người đã qua đời trong chuyến hành hương - hầu hết từ Indonesia. Tuy vậy, nguyên nhân gây tử vong của các ca này không được đề cập đến.
Tờ Guardian dẫn nguồn tin từ ông Eko Hartono - tổng lãnh sự Indonesia tại thành phố Jeddad - cho biết ít nhất 209 người Indonesia đã thiệt mạng khi tham gia hajj.
“Không thể nói là có rất nhiều tín đồ từ Indonesia đã tử vong do sốc nhiệt”, ông Eko Hartono nói, dẫn thêm về nguyên nhân chính của các ca tử vong là do bệnh tim và đường hô hấp.
Tuy nhiên, ông cũng có biết nhiều người đã “ngất xỉu” trong những ngày hành hương vì mức nhiệt cao.
Các trường hợp sốc nhiệt có thể nhiều hơn con số được ghi nhận khi một số người có các dấu hiệu như say nắng, kiệt sức, chuột rút và phát ban đã không đến khám tại bệnh viện hay phòng khám.
Việc chịu đựng nhiệt độ cao đã trở nên bình thường với tín đồ hành hương, nhất là sau một ngày dài cầu nguyện ngoài trời tại núi Arafat. Tại đây, điện thoại phải tắt nguồn do quá nhiệt và rất khó có thể tìm được bóng râm.
Những dịp hajj có lịch sử của nhiều thảm họa chết người, bao gồm việc giẫm đạp và tấn công quân sự, nhưng thử thách chính của năm nay chủ yếu là sự khắc nghiệt của nhiệt độ.
Vùng Vịnh có khí hậu rất khắc nghiệt. Năm 2021, một hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo một phần của vùng Vịnh có thể không thể ở được vào cuối thế kỷ 21 do sự nóng lên toàn cầu.
Theo các chuyên gia, mức nhiệt tối đa 50 độ C vào mùa hè tại đây có thể là mức nhiệt được ghi nhận hằng năm vào cuối thế kỷ 21.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận