26/04/2018 09:39 GMT+7

Hàng ngàn hộp thuốc thần kinh giả đã bán sạch

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Đường dây làm giả tân dược do Trần Thị Minh Hằng cầm đầu hoạt động trót lọt suốt gần 1 năm trước khi bị bóc gỡ. Trong đó hàng ngàn hộp thuốc giả đã được bán khắp Bắc- Trung - Nam, các nhà thuốc, người tiêu dùng không hề hay biết...

Hàng ngàn hộp thuốc thần kinh giả đã bán sạch - Ảnh 1.

Kiểm tra tang vật sau khi thu giữ và bị can Trần Thị Minh Hằng khi bị bắt tại cơ quan điều tra (ảnh nhỏ) - Ảnh: MINH HOÀI

Đường dây này chuyên sản xuất và bán thuốc giả với số lượng hàng ngàn hộp, trong đó chủ yếu là thuốc trị bệnh về thần kinh và các loại thuốc chống thiếu máu, trong hơn một năm.

Địa bàn phân phối thuốc giả là tại các khu vực TP.HCM, Phú Yên, Bình Định, Nam Định.

Vợ chồng, anh em sản xuất thuốc giả

Chiều 25-4, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP truy tố 6 đối tượng trong đường dây chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.

Sáu đối tượng bị đề nghị truy tố gồm hai vợ chồng Trần Thị Minh Hằng, 56 tuổi - Trần Hữu Đồng, 50 tuổi, cùng ngụ chung cư Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 10, TP.HCM và Trần Hữu Tâm (53 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM), Dương Hồng Sơn (42 tuổi, ngụ Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (48 tuổi, ngụ Bình Định), Võ Văn Thao (41 tuổi, ngụ TP.HCM).

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, sáng 20-9-2017, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP đã bắt quả tang Trần Hữu Tâm sử dụng xe máy chở hai thùng cactông bên trong chứa 230 hộp tân dược giả. 

Khai thác nhanh tại hiện trường, PC46 xác định đường dây buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh này do Trần Thị Minh Hằng cầm đầu, tổ chức nên nhanh chóng truy ngược lại theo các dấu vết, đường đi của loại thuốc này.

Kết luận điều tra cho thấy đường dây này do bị can Hằng là người đứng ra tổ chức, điều hành. Trần Hữu Tâm - người bị bắt đầu tiên chính là anh ruột của Trần Hữu Đồng - chồng của Hằng.

Theo lời khai và tài liệu chứng cứ thu thập được, PC46 kết luận: Hằng bắt đầu sản xuất tân dược giả từ đầu tháng 10-2016, các loại thuốc bị làm giả tập trung chủ yếu là Terneurine (thuốc trị bệnh về thần kinh) và một số loại thuốc giảm đau, chống thiếu máu, thiếu vitamin khác như Becozyme, Voltaren...

Quy trình khép kín

Quy trình làm thuốc giả của Hằng và các bị can, theo cơ quan điều tra, là khép kín, trong đó Thao là "nhà in" nhãn mác, bao bì các loại thuốc, hướng dẫn sử dụng, bao gồm cả vỏ, tem, nhãn dán trên vỉ thuốc, hộp thuốc với số lượng lớn. 

Quy trình này thực hiện rất cẩn thận, có mang mẫu mã thật để đối chiếu, so sánh kỹ càng tới từng chi tiết. Sau khi in thử nhiều lần, đảm bảo 100% "như thật", "hàng" mới in số lượng lớn và vận chuyển đi các tỉnh như Phú Yên, Bình Định, Nam Định để chờ đóng gói thành phẩm. 

Sau những lần in thử đầu tiên, Thao hỏi về giấy phép và các loại tài liệu liên quan của Hằng, Hằng nói không có. Thao biết Hằng sản xuất thuốc giả nên ép giá, buộc Hằng phải trả giá cao cho mỗi sản phẩm in ấn. Hằng chấp nhận. Trong khoảng 1 năm, Thao đã in cho Hằng khoảng 30.000 vỏ hộp thuốc giả các loại.

Phương pháp sản xuất và nguyên vật liệu mà nhóm Hằng cùng các bị can thực hiện rất đơn giản: Hằng đi mua các loại thuốc cùng loại của Việt Nam sản xuất, hoặc thuốc có tá dược tương đương trôi nổi ngoài thị trường rồi giao lại cho Trần Hữu Tâm mang về "nhà máy" ở đường Tô Ký, quận 12. 

Tại đây, Tâm "hô biến" các loại thuốc này thành thuốc ngoại nhập, với giá thành cao hơn nhiều so với giá thuốc sản xuất trong nước và trực tiếp gửi đi các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Nam Định tiêu thụ.

Bán khắp Trung - Nam - Bắc

Kết quả điều tra xác định Hằng cùng chồng và anh chồng chỉ sản xuất ba loại thuốc giả, cung cấp cho Dương Hồng Sơn, Nguyễn Đình Thanh và một đối tượng tên Trường, ở đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định. 

PC46 đã khám xét địa chỉ này nhưng không thu giữ được gì, Trường và vợ đã rời khỏi nơi cư trú, hiện đang bị truy tìm. 

Hằng chỉ sản xuất khi được đặt hàng theo số lượng cụ thể, gửi kèm cả thuốc thật để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện.

Không chỉ đặt sản xuất hàng giả, Dương Hồng Sơn còn học chiêu của vợ chồng Hằng, tự đứng ra tổ chức sản xuất thuốc giả với phương pháp tương tự từ tháng 5-2017. 

Theo đó, Sơn đặt mua của Hằng bao bì, tem nhãn, giấy hướng dẫn sử dụng giả các loại thuốc ngoại nhập, tự tay làm giả rồi bán lại cho chính Hằng với số lượng lớn và bán ra thị trường khu vực Phú Yên. 

Cách làm của Sơn có khác Hằng, đó là mua các loại thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rất rẻ, sau đó tháo bỏ nhãn mác cũ, "hô biến" thành thuốc ngoại nhập, bán với giá cao gấp nhiều lần. Số lượng thuốc giả Sơn đã sản xuất và bán ra là hàng ngàn hộp.

Tại Phú Yên, Bình Định, cơ quan điều tra các tỉnh này tìm tới từng điểm bán hàng đã được giao hàng nhưng tất cả các điểm bán đều khẳng định không biết đó là thuốc giả và hầu như đã tiêu thụ hết sản phẩm.

Ở TP.HCM, sau khi thông tin Hằng và các bị can khác bị bắt, một đại lý lớn chuyên kinh doanh thuốc đã thu thập số thuốc trước đó đã mua của Hằng mà chưa kịp bán hết mang tới trình diện, nộp cho cơ quan điều tra. Người này khai nhận hoàn toàn không biết đó là thuốc giả.

"Nhân bản" phương pháp để tăng năng suất thuốc giả

Không chỉ tự sản xuất, Hằng còn hướng dẫn phương pháp sản xuất cho cả Nguyễn Đình Thanh để Thanh tự tay sản xuất thuốc giả từ một số nguyên liệu do Hằng cung cấp.

Từ tháng 8-2016, Thanh đã làm giả khoảng 20.000 hộp thuốc các loại, chuyển lại cho Hằng bán. Một phần Thanh tiêu thụ hết tại khu vực Bình Định và một số nơi khác.

Thuốc giả lộng hành

TTCT - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa thuốc giả là sản phẩm “được thiết kế để trông giống hệt thuốc thật và có thể không gây ra tác hại gì rõ rệt. Tuy nhiên, thuốc giả thường không thể trị bệnh hay các triệu chứng hiệu quả”.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp