Nhận định trên được ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa ra tại "Hội nghị ngăn chặn, phát hiện và xử lý buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam", diễn ra vào chiều 26-1.
Nhiều nông dân và doanh nghiệp than thở khả năng mất Tết vì giá giảm, cạnh tranh không lại với heo nhập lậu và nội tạng nhập về với giá rẻ.
Hàng ngàn con heo 'chui lọt lỗ kim'
Theo ông Tiến, tình trạng heo nhập phía Nam diễn ra rầm rộ nên phải có giải pháp ngăn chặn một cách quyết liệt hơn nữa, nếu các tỉnh làm mạnh tay thì chắc chắn tình trạng buôn lậu heo, bò qua biên giới sẽ giảm mạnh.
"Các năm trước chúng ta đã xử lý hình sự nhiều đối tượng trong đường dây nhập lậu gia súc, sắp tới chúng ta phải tăng mạnh xử lý hình sự những trường hợp này để tăng tính răn đe. Thời gian tới, bộ sẽ làm việc với ngành công an để thực hiện những chiến dịch truy quét mạnh tay", ông Tiến khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Long, cục trưởng Cục Thú y, cho rằng các lực lượng như biên phòng đóng vai trò lớn trong việc chống nhập lậu gia súc.
Các tỉnh biên giới cần xem lại việc quản lý ngành chăn nuôi, cần lập hồ sơ và kiểm soát tốt số lượng gia súc ở vùng giáp ranh để dễ phát hiện khi heo nhập lậu trà trộn vào heo được nuôi trong nước.
"Xe chở heo là xe to như thế, heo kêu inh ỏi sao biên phòng không nắm được. Tất cả cùng đồng lòng thì gia súc không thể nhập lậu dễ dàng như thế", ông Long khẳng định.
Ông Tiến cho hay đợt dịch tả châu Phi chúng ta mất hơn 6 triệu con heo, cúm gia cầm tiêu hủy hơn 60 triệu con gia cầm... Dịch bệnh, gia súc nhập lậu ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, môi trường đầu tư, đặc biệt ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
"Bao công sức mời gọi đầu tư vào chăn nuôi, giờ để nhập lậu, dịch bệnh bùng phát thì coi như đổ sông đổ biển. Quy định có rồi, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện, các địa phương, chức năng như thế nào. Chúng ta phải xem chống heo nhập lậu như là nhiệm vụ chính trị", ông nói.
Thua lỗ cả năm, giờ thêm heo lậu
Chia sẻ tại hội nghị, bà Đinh Thị Phương Khanh, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, khẳng định tỉnh đã và đang đẩy mạnh hoạt động chống nhập lậu gia súc từ Campuchia qua biên giới và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy vậy, bà Khanh cho rằng cái khó hiện nay là câu chuyện "ngoại giao đường biên" với tính chất trao đổi, hỗ trợ cư dân dọc biên giới của hai nước, dẫn đến nhiều trường hợp khó xử lý thỏa đáng.
Do đó Nhà nước và bộ, ngành cần xem xét, hướng dẫn thêm về vấn đề này. Ngoài ra, theo bà Khanh, ngành nông nghiệp cần kiến nghị với ngành công an để phối hợp tổ chức một chuyên án điều tra lớn ở nhiều tỉnh thành về chống buôn lậu gia súc.
Từ góc độ người chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết người nuôi đã thua lỗ rất nhiều trong cả năm qua do giá heo xuống thấp, giờ thêm cạnh tranh với heo nhập lậu nên càng áp lực.
Theo ông Công, ngoài việc tăng và quy trách nhiệm hơn nữa về cho địa phương trong việc để heo nhập lậu, ngành nông nghiệp cần tính toán giảm giá thành chăn nuôi để tăng tính cạnh tranh và triệt tiêu vấn đề nhập lậu; tăng kiểm soát chất lượng đầu ra (thịt bán ngoài thị trường).
"Hiện giá thành chăn nuôi heo hơi tại Campuchia chỉ khoảng 42.000 - 48.000 đồng/kg, trong khi Việt Nam trên dưới 54.000 đồng/kg, việc chênh lệch về giá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng heo nhập lậu bùng phát kéo dài", ông Công nhận định.
Khẳng định là địa phương làm quyết liệt trong việc ngăn chặn gia súc nhập lậu, ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, cho rằng tình trạng heo nhập lậu diễn biến phức tạp là do nhiều tỉnh thành, cơ quan chuyên trách địa phương chưa sâu sát, quyết liệt.
Cũng theo ông Xuân, hiện ngành nông nghiệp Tây Ninh đã quy trách nhiệm cho xã, cơ quan, khu vực nào để heo lậu qua biên giới thì phải liên đới chịu trách nhiệm.
"Mỗi trại chăn nuôi đều có camera, giờ phải kết nối với cơ quan thú y để xuất xe heo nào thì thú y sẽ nắm hết; các cơ sở giết mổ phải truy xuất nguồn gốc, heo mổ phải có giấy tờ, phải khớp để trường hợp heo bên ngoài, nhập lậu tuồn vào dễ bị phát hiện, xử lý", ông Xuân kiến nghị.
Đề xuất thành lập quỹ chống nhập lậu gia súc
Theo nhiều doanh nghiệp, nhân lực và ngân sách nhà nước có giới hạn, do đó có thể xem xét thành lập một quỹ chống gian lận, nhập lậu đối với gia súc dưới sự đóng góp từ các doanh nghiệp. Với quỹ này, chúng ta tăng cường vận động, thưởng nóng cho cá nhân tham gia phát hiện trường hợp gia súc nhập lậu.
Ngoài ra để chống nhập lậu, đại diện nhiều địa phương cho rằng cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, kiểm soát luồng di chuyển sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu khi vào Việt Nam. Xây dựng cơ chế kiểm soát đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu: nâng cao các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam.
Đặc biệt rà soát và bổ sung các quy định về hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát khắt khe các phụ phẩm ăn được từ gia súc, gia cầm nhập vào Việt Nam.
Tuần tra, siết chặt biên giới ngăn heo nhập lậu
Ngày 26-1, lãnh đạo Huyện ủy Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết sau khi có phản ánh về tình trạng heo nhập lậu từ Campuchia về qua Tân Hồng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát, khu vực biên giới đến nay vẫn "ổn". Quan điểm chung của ngành chức năng tỉnh và huyện là phải kiểm tra, kiểm soát và tăng cường siết chặt hơn nữa để không xảy ra tình trạng này.
Đại tá Nguyễn Thanh Hòa, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp, cho hay qua kiểm tra, rà soát thì các lực lượng chức năng chưa phát hiện heo lậu qua đường cửa khẩu trên địa bàn.
Hiện nay Đồng Tháp xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng các phòng nghiệp vụ xuống địa bàn để đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm tra với các cửa khẩu. "Chúng tôi tận dụng lại lực lượng phòng chống dịch lúc trước phối hợp với các lực lượng công an địa phương để tuần tra nhiều hơn ở tuyến biên giới để siết chặt lại tình trạng này", ông Hòa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận