29/06/2019 12:36 GMT+7

Hàng loạt dự án BT ở TP.HCM chuyển sang đầu tư công: lối ra dự án “treo”?

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ

TTO - Hàng loạt dự án trọng điểm về chống ngập, giao thông ở TP.HCM triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BT) đang được đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư, chủ yếu là đầu tư công.

Hàng loạt dự án BT ở TP.HCM  chuyển sang đầu tư công: lối ra dự án “treo”? - Ảnh 1.

Dự án đường vành đai 2 đoạn qua Q.Thủ Đức, TP.HCM đang được đề xuất chuyển đổi sang mô hình đầu tư công - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây được xem là cách xoay trở, tìm hướng ra cho các (xây dựng - chuyển giao) trong khi chờ đợi quy định về thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này tạo áp lực rất lớn cho nguồn vốn ngân sách TP.HCM.

17 năm chưa an tâm với rạch xuyên tâm

Đứng trên cầu Bùi Hữu Nghĩa hoặc đường Trường Sa, Q.Bình Thạnh dễ dàng nhìn thấy đoạn rạch Cầu Bông (đoạn đầu rạch xuyên tâm) thông với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Dọc hai bờ rạch nhà dân mọc san sát, càng đi vào sâu nhà lụp xụp ven rạch càng nhiều. Tại nhiều đoạn, khi thủy triều rút, con rạch trơ đáy để lộ nhiều rác thải với đủ loại như bao nilông, hộp xốp, chai lọ...

Rạch xuyên tâm thực ra là hệ thống các con rạch liên thông nhau như: rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng có chiều dài hơn 8km, bắt đầu từ đường Trường Sa chạy ngoằn ngoèo, có nhánh thoát ra sông Sài Gòn, nhưng nhánh chính chạy dài qua Q.Gò Vấp chảy ra sông Vàm Thuật.

Hệ thống rạch này đang tải nước thải của 40% người dân Q.Bình Thạnh, với lượng nước thải chưa qua xử lý khoảng 40.000m3/ngày.

Nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và tăng khả năng thoát nước, năm 2002 UBND TP.HCM phê duyệt dự án cải tạo rạch này. Nhưng đến nay tiến độ chỉnh trang, cải tạo rạch này vẫn bị "treo" bởi nguồn kinh phí lớn và thay đổi chủ trương đầu tư.

Năm 2016, một đơn vị đề xuất triển khai dự án này theo hình thức đối tác công tư (PPP, hợp đồng BT), nguồn quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư là đất dọc hai bên kênh sau khi đền bù giải tỏa. Vào tháng 10-2017, UBND TP.HCM có chủ trương dừng các chờ quy trình mới, nên dự án tiếp tục "treo".

Tại buổi giám sát của HĐND TP về tiến độ, hiệu quả các dự án chống ngập ở Q.Bình Thạnh ngày 24-5, ông Hồ Phương - phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh - cho biết qua rà soát, dự án đội vốn lên gấp đôi so với trước đây.

Trước đây, dự án ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, trong đó hơn 1.000 tỉ đồng bồi thường. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án này, ông Phương đề xuất tách dự án bồi thường ra thực hiện theo hình thức đầu tư công, còn gói xây lắp có thể thực hiện sau khi có quy định việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thống nhất về chủ trương theo hướng trên và yêu cầu các đơn vị hoàn chỉnh thủ tục để trình các cơ quan thẩm quyền.

Tương tự, dự án cải tạo rạch Văn Thánh từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Điện Biên Phủ dài khoảng 1,5km xin chuyển sang hình thức đầu tư công.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng dự kiến sử dụng quỹ đất khoảng 2,8ha khu vực giáp nhà ga số 4 tuyến metro số 1 làm quỹ đất thanh toán cho nhà thầu, nhưng chưa triển khai được do chủ trương tạm dừng, chờ quy định hướng dẫn hình thức đầu tư PPP.

Hàng loạt dự án BT ở TP.HCM  chuyển sang đầu tư công: lối ra dự án “treo”? - Ảnh 2.

Rạch xuyên tâm đoạn qua quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều dự án giao thông nằm chờ... cơ chế

Không chỉ các dự án chống ngập, hàng loạt dự án giao thông cũng đang "ồ ạt" xin chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công.

Tại một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuyến - phó Ban đô thị HĐND TP - báo động tình trạng ngập nước, kẹt xe trên tuyến quốc lộ 1 đoạn gần ngã ba Tân Kiên (huyện Bình Chánh).

Theo ông Tuyến, trước đây (năm 2012) dự án cải tạo mở rộng đoạn này đã được HĐND TP ghi vốn, nhưng vì nhiều lý do nên dự án này đến nay chưa triển khai được.

Ngoài dự án này còn có các dự án hạ tầng giao thông cửa ngõ gồm quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50 và nút giao thông An Phú (Q.2) trước đây đều được các nhà đầu tư đề xuất theo hình thức BOT, BT nhưng hiện tạm dừng. Sở GTVT vừa đề xuất chuyển hình thức đầu tư sử dụng vốn ngân sách.

Theo sở, giai đoạn 2016 - 2020 cần tới 32.997 tỉ đồng cho 172 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có 40 dự án thực hiện hình thức đối tác - công tư (PPP). Nhưng quá trình triển khai cho thấy công tác huy động vốn thực hiện các dự án gặp rất nhiều khó khăn.

Hàng loạt dự án BT ở TP.HCM  chuyển sang đầu tư công: lối ra dự án “treo”? - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Sở GTVT cho rằng nhiều dự án đầu tư theo hình thức PPP trong hai năm qua không triển khai do vướng các thủ tục đầu tư hình thức đối tác công tư, mặc dù đã được điều chỉnh bổ sung nhưng các nội dụng hướng dẫn vẫn chưa ban hành kịp thời.

Trong khi đó, dự án đầu tư theo hình thức BOT phải nghiên cứu chuyển đổi sang hình thức khác cho phù hợp theo quy định. Các dự án đầu tư theo hình thức BT lại càng gặp khó khăn do quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư chưa có hướng dẫn thanh toán.

Ngoài các dự án cửa ngõ như trên, dự án trọng điểm khác là đường Vành đai 2 gồm đoạn 1-2 đang xin chuyển đổi hình thức đầu tư.

Theo Sở GTVT, tổng mức đầu tư cho hai đoạn này khoảng 7.800 tỉ đồng. Hiện công tác thẩm định về phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vẫn chưa thực hiện được, do đơn vị lập dự án khả thi chưa xác định được quỹ đất phù hợp để thanh toán.

Mặt khác, Chính phủ cũng chưa có quy định hướng dẫn về sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Để dự án cấp bách này không phải nằm chờ, sở đề nghị tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và xây lắp thành hai nguồn vốn đầu tư khác nhau.

Cụ thể vốn giải phóng mặt bằng 5.100 tỉ đồng sẽ được đề xuất chuyển đổi từ BT sang đầu tư công, còn lại vốn xây lắp sau này sẽ tính tiếp. Hiện các đơn vị liên quan đang thực hiện thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư công và sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua thời gian tới.

Lập quỹ nghiên cứu dự án, khai thác quỹ đất quanh dự án giao thông

* Tại cuộc họp kiểm tra tiến độ các dự án hạ tầng giao thông mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay nhu cầu vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông rất lớn. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng hơn 20% vốn.

Ông Phong yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Kế hoạch - đầu tư rà soát, xác định tiến độ, hình thức đầu tư từng dự án cụ thể trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp trong tháng 7 này. Trong đó có dự án đường Vành đai 2, các dự án cải tạo giao thông các tuyến cửa ngõ.

Ông Phong cũng đồng ý cần lập một quỹ nghiên cứu triển khai dự án (khoảng 1.000 tỉ đồng) để nghiên cứu trước các dự án, thay vì để cho nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất như những dự án triển khai trước đây.

Để tạo thêm nguồn lực triển khai các dự án, ông Phong cũng chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, lập phương án khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường vành đai, cao tốc và metro để trình UBND TP.HCM xem xét trong tháng 9.

* Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, để khai thác tốt quỹ đất, các dự án hạ tầng giao thông cần phải nghiên cứu mở rộng, phạm vi, hướng tuyến và nghiên cứu tổng thể về mặt kinh tế - xã hội kết nối phát triển theo, chứ không đơn thuần là giao thông.

Cũng theo ông Hoan, nguồn vốn cho các dự án chống ngập khoảng 96.327 tỉ đồng, trong đó nguồn lực thành phố có khoảng 21.800 tỉ đồng, cũng chỉ đáp ứng trên 22%.

Vì nguồn lực có hạn nên thành phố sẽ ưu tiên các dự án giao thông, khi chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công cần phải ưu tiên những dự án cấp bách.

Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - IPS):

Cơ hội để giảm các dự án theo hình thức BT

nguyen quang dong

Ông Nguyễn Quang Đồng

Việc đầu tư công trình theo hình thức BT là một mô hình không đáng hoan nghênh, bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ tham nhũng. Vì vậy, đầu tư công để giảm các dự án đầu tư theo hình thức BT là chuyện nên làm, điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích.

Tuy vậy, về lâu dài, TP.HCM phải giải quyết bài toán ngân sách. Đây là cơ hội để đẩy mạnh việc sắp xếp sử dụng nhà, đất công và đấu giá đất đai. Đây cũng là dịp để thương lượng lại về tỉ lệ ngân sách được giữ lại - phải cao hơn mức hiện nay để đầu tư hạ tầng cho tương xứng với mức độ phát triển.

TP.HCM nên đưa các lô đất dự tính thanh toán cho nhà đầu tư BT ra bán đấu giá quyền sử dụng đất, sau đó đấu thầu các dự án hạ tầng và chi trả bằng tiền thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cần có cơ chế nhằm đưa số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất công vào một quỹ riêng để chi cho đầu tư hạ tầng bằng một tổ chuyên trách để lo việc này.

Quá trình bán đấu giá quyền sử dụng đất cũng có rủi ro, nhưng cách làm này có độ minh bạch cao hơn và dễ giám sát hơn việc thực hiện dự án theo phương thức BT.

D.N.HÀ ghi

180 dự án “treo” với 812ha ở TP.HCM do đâu?

TTO - Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, nhiều dự án "treo" trên địa bàn là do thiếu vốn, giải phóng mặt bằng khó khăn, chủ đầu tư không có năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án...

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp