18/03/2015 17:57 GMT+7

Hàng loạt đồng minh Mỹ gia nhập ngân hàng Trung Quốc

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Sau Anh, đến lượt ba cường quốc châu Âu khác là Đức, Pháp và Ý đồng thanh tuyên bố gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Mã Khải trong cuộc họp báo ở Berlin. Ông Schaeuble cho biết Đức sẽ trở thành thành viên sáng lập AIIB - Ảnh: Reuters

Theo báo Wall Street Journal, hôm nay chính phủ cả ba nước Đức, Pháp và Ý đều cho biết đã nộp đơn gia nhập AIIB để trở thành thành viên sáng lập ngân hàng này. Như vậy, đã có tổng cộng bốn nền kinh tế lớn của châu Âu nộp đơn gia nhập AIIB.

Các nguồn tin cho biết trước đó, Chính phủ Mỹ từng vận động hành lang để gây sức ép buộc các nước đồng minh không gia nhập AIIB. Hàn Quốc, Nhật và Úc đều cam kết với Mỹ sẽ tẩy chay ngân hàng do Trung Quốc sáng lập.

Tuy nhiên các đồng minh phương Tây tỏ rõ thái độ sẵn sàng làm trái ý Mỹ. Báo chí Úc đưa tin ngay cả Úc cũng đang xem xét lại việc không gia nhập AIIB. Theo Reuters, mới đây Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew công khai chỉ trích việc các nước đồng minh ủng hộ AIIB và đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn chống tham nhũng, lao động và môi trường của ngân hàng này.

“Tôi hi vọng rằng trước khi đưa ra cam kết cuối cùng, bất kỳ ai có ý định đưa tên mình vào tổ chức này nên đảm bảo các tiêu chuẩn quản trị của nó là phù hợp” - ông Jack Lew cảnh báo. Trước đó, các quan chức Mỹ từng nhiều lần bày tỏ sự nghi ngại về AIIB.

Các nhà phân tích cho biết Mỹ xem AIIB là một thách thức đối với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nơi Washington có ảnh hưởng lớn. WB đặt trụ sở tại Washington và chủ tịch luôn là người Mỹ.

Trong khi đó AIIB sẽ đặt trụ sở ở Thượng Hải và Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát. Một lo ngại lớn của Mỹ là việc Trung Quốc sẽ đóng góp 50% trong tổng số vốn 100 tỉ USD ban đầu của AIIB. Khi đó Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết, tương tự vai trò của Mỹ ở WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Báo Wall Street Journal dẫn lời nhà nghiên cứu Ted Truman của Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận định việc các nước châu Âu gia nhập AIIB chủ yếu vì nguyên nhân tiền bạc. Chuyên gia Fred Bergsten cũng của Viện Peterson cho biết hiện nhu cầu đầu tư hạ tầng ở châu Á đang cực lớn.

Ước tính châu Á sẽ cần khoảng 8.000 tỉ USD đầu tư hạ tầng trong vòng 10 năm tới và AIIB sẽ là một kênh đầu tư quan trọng. Các nước châu Âu hi vọng việc gia nhập AIIB sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước họ kiếm được hợp đồng đầu tư tại châu Á.

Châu Âu cũng đang có nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc và thu hút đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Báo New York Times dẫn lời chuyên gia Theresa Fallon của Viện Châu Âu nghiên cứu châu Á dự báo ngay cả Hàn Quốc cũng sẽ gia nhập AIIB và sẽ chỉ có một đồng minh duy nhất của Mỹ là Nhật nói không với ngân hàng này. .

Trước đây, phương Tây và các tổ chức chống tham nhũng thường chỉ trích chính sách cho vay của Trung Quốc, đặc biệt là các dự án hạ tầng ở châu Phi có sự tham gia của các công ty Trung Quốc. Họ khẳng định các dự án này gây tham nhũng quy mô lớn và hủy hoại nỗ lực của WB và IMF trong việc yêu cầu các nước cải thiện quản trị và môi trường để đổi lấy các khoản vay.

Để xóa đi mối lo ngại đó, chính phủ Pháp, Đức và Ý cùng khẳng định sẽ nỗ lực thiết lập trong AIIB một nền tảng đòi hỏi các tiêu chuẩn cao về quản trị, quản lý nợ, mua sắm công...

 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp