Gần 1km cửa biển Đà Diễn (TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị bồi lấp giờ chỉ còn chưa đầy 100m - Ảnh: Tiến Long |
Điệp khúc cửa biển “lấp rồi lại lở, lở rồi lại lấp” như thế này đã xảy ra dai dẳng từ mấy chục năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Cửa biển nào cũng bị bồi lấp
"Hằng năm có gần 50 vụ tàu cá mắc cạn tại cửa biển này. Đa số tàu đều bị gãy chân vịt, gãy bánh lái, gãy cốt, mạn thuyền bị rạn nứt, số khác bị sóng đánh vỡ, vùi trong cát" Ông Nguyễn Ngọc Quý (ngư dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nói về hậu quả của việc cửa Roòn bị bồi lấp |
Từ Quảng Bình đến Phú Yên có 19 cửa biển thì hầu như cửa biển nào cũng đang bị bồi lấp.
Nặng nhất là tỉnh Quảng Bình, các cửa biển: Nhật Lệ, Lý Hòa, sông Dinh, sông Roòn đều bị bồi lấp nặng. Trong đó, cửa Roòn (huyện Quảng Trạch) bị bồi lấp nghiêm trọng nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, ngư dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, cho biết trước đây cửa biển này rộng 100m, các loại tàu có công suất đến 400CV dễ dàng ra vào.
Mấy năm trở lại đây, cát bồi tụ dần, giờ cửa biển chỉ là một lạch nước rộng khoảng 30m, lúc thủy triều xuống, nơi sâu nhất chỉ còn hơn 1m. Trước đây, ngư dân cho tàu thuyền vào tận bãi neo đậu để bán cá, nhưng bây giờ tàu không vào được nên phải thuê các thuyền nhỏ để trung chuyển cá vào bờ. Mỗi lần thuê tốn thêm chi phí 300.000-400.000 đồng.
Cửa biển Đà Diễn (Tuy Hòa, Phú Yên) thì xuất hiện một vệt cát kéo dài gần 1km chắn lấp. Đây là cửa ra vào của hơn 600 tàu cá của P.Phú Đông và P.6 (TP Tuy Hòa).
Ông Đào Quang Minh - phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên - cho biết ba năm nay do không có lụt to nên lượng cát tích tụ càng lớn, lấn rộng ra khiến cửa biển ngày càng hẹp.
Lúc thủy triều xuống, tàu thuyền không thể ra vào cửa. Vào vụ đánh cá chính mà tàu thuyền phải nằm bến, thiệt hại nặng nề cho cả ngư dân lẫn Nhà nước.
Ông Phạm Đức Hòa, ngụ P.Phú Đông, kể con tàu đánh bắt xa bờ công suất 340CV của ông đóng chưa đầy một năm gần 1 tỉ đồng đã bị sóng đánh vỡ tan tành khiến ông phải đi bạn cho tàu khác.
Cửa biển bị bồi lấp còn trả giá bằng mạng người. Sáng 18-1, tàu cá TTH-26669 về đến cửa biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế) thì bị mắc cạn, chết máy và chìm xuống biển, kéo theo năm ngư dân dạn dày sóng gió khiến một người mất tích không tìm thấy thi thể...
Tàu không cảng, cảng không tàu
Cuối tháng 3, khi chúng tôi có mặt tại cảng cá Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), tàu thuyền ra vào thưa thớt dù đang trong vụ cá chính. Quanh khu vực cảng có khoảng 50 tàu công suất nhỏ cập vào bán cá.
Trên cảng, một số ít cơ sở thu mua đang phân loại các loại cá nhỏ. Ông Huỳnh Ngọc Dũng, giám đốc cảng cá Sa Huỳnh, cho biết đây là cảng cá được đầu tư giai đoạn 1 đến 30 tỉ đồng, dành cho khoảng 800 tàu cá của xã Phổ Thạnh, huyện Ðức Phổ (trong đó có 500 tàu công suất hơn 90CV đến 700CV).
Ở đây ngoài hệ thống cảng cá còn có một cụm công nghiệp thủy sản trên bờ, nhưng gần 10 năm nay cửa biển Sa Huỳnh bị bồi lấp, đội tàu công suất lớn không thể về cảng.
Cát bồi còn thu hẹp dần khu neo đậu, bến đỗ của cảng. Hầu hết tàu cá địa phương có công suất lớn đều “tha hương” neo đậu ở các vùng biển khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu...
Cửa biển ra vào khu neo đậu Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) là nơi neo đậu của hơn 1.000 tàu thuyền. Tuy nhiên, hầu hết tàu lớn của địa phương đều chọn giải pháp an toàn là đến nơi khác neo đậu. Rất nhiều chủ tàu liều mình vào bãi đậu đã bị mắc cạn. Đầu năm 2014 có hai tàu cá bị đánh vỡ ở cửa biển này.
Ông Đào Đại, thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc, cho biết trước đây khi xây kè đợt 1, cửa biển đã thông thoáng. Nhưng từ khi xây thêm 300m kè đợt 2 thì xảy ra tình trạng cát bồi lấp vào cửa biển.
Từ đó, dù có khu neo đậu gần nhà nhưng rất nhiều tàu cá vẫn bơ vơ không có nơi về. Mùa mưa bão, nhiều tàu rất cực khổ để vào được nơi trú ẩn.
Nhiều khi, trước lúc cập cảng ở tỉnh khác, chủ tàu điện thoại trước cho vợ con đón xe đò chạy tới đó, bán cá xong lại chạy về.
Ông Phạm Trọng Hổ - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định - cho biết đã bàn với huyện Hoài Nhơn tiến hành nạo vét luồng lạch ra vào cảng cá với chi phí từ 1-1,2 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, theo ông Hổ, nạo vét chỉ là biện pháp tạm thời.
Đừng chỉ đổ hết cho biến đổi khí hậu Ông Phan Khánh, trưởng Phòng kinh tế TP Tuy Hòa (Phú Yên), cho biết theo tính toán hằng năm có khoảng 2.000m3 đất, đá, cát bồi lấp tại cửa Đà Diễn. Đã có nhiều nhà khoa học về nghiên cứu và đề xuất giải pháp chỉnh trị nhưng kinh phí rất lớn, công trình chỉnh trị lại tồn tại không lâu. Năm 2009, thành phố cho nạo vét một lần nhưng chưa đầy năm đã cạn lại. “Khi chưa biết được nguyên nhân cụ thể, hằng năm thành phố phải bỏ ra vài trăm triệu đồng theo kiểu cạn đâu nạo vét đó mà hiệu quả lại không cao” - ông Khánh nói. TS Lương Thị Vân, trưởng khoa địa lý - địa chính Đại học Quy Nhơn, cho rằng cửa biển sẽ bồi lấp nghiêm trọng hơn nếu cứ loanh quanh đánh giá không đúng nguyên nhân. Theo bà Vân, người ta cứ đổ lỗi cho biến đổi khí hậu mà quên đánh giá lại công trình xây dựng không phù hợp với quy luật tự nhiên, gây nên tình trạng bồi lấp cửa biển. Còn TS Trần Hữu Tuyên, trưởng khoa địa lý - địa chất Trường đại học Khoa học Huế, cho rằng bờ biển miền Trung rất dễ thay đổi hình dạng. Những năm gần đây, hàng loạt công trình xây dựng đã làm giảm dòng chảy vùng cửa sông, góp phần làm các cửa biển bị bồi lấp. Trong khi đó, do kinh phí hạn hẹp nên việc chỉnh trị ở biển chỉ làm tức thời, công trình vài năm lại mất hết công năng. “Muốn chỉnh trị lâu dài tình trạng cửa biển bồi lấp cần phải nghiên cứu bài bản, nhưng sẽ rất tốn kém” - ông Tuyên nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận