Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình - ông Lê Viết Hải (thứ hai, từ trái qua) vừa đăng ký mua cổ phiếu HBC để góp phần "bình ổn giá" - Ảnh: BÔNG MAI
Ông Lê Viết Hải - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) - vừa gửi thông tin đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu HBC từ ngày 23-6 đến 22-7.
Với thị giá 16.200 đồng hiện tại, ước tính ông Hải có thể chi ra khoảng 162 tỉ đồng để hoàn tất thương vụ. Khi thành công, tỉ lệ sở hữu của ông Hải tại Hòa Bình nâng từ hơn 15,8% (gần 39 triệu cổ phiếu) lên hơn 19,9% (gần 49 triệu cổ phiếu).
Mục đích giao dịch, theo ông Hải, "nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường/đầu tư". Trên thị trường chứng khoán, hiện giá cổ phiếu HBC đã bị giảm hơn 53% so với hồi đầu năm.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung suy giảm, gần đây nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp niêm yết khác cũng đăng ký mua thêm cổ phiếu.
Ông Nguyễn Khánh Hưng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP đầu tư LDG (thuộc Tập đoàn Đất Xanh, mã chứng khoán LDG) - cũng mới đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu, từ ngày 22-6 đến 21-7. Khi giao dịch hoàn tất, ông Hưng sẽ tăng tỉ lệ sở hữu tại LDG lên từ 11,29% (hơn 27 triệu cổ phiếu) lên 12,13% (hơn 29 triệu cổ phiếu).
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu LDG đã bị giảm hơn 73%, hiện giao dịch ở mốc 7.250 đồng/cổ phiếu. Tính theo thị giá này, ước tính ông Hưng phải chi ra khoảng 14,5 tỉ đồng.
Giữa tháng này, giá cổ phiếu LDG bị nằm sàn 5 phiên liền, nên ông Hưng đã phải thay mặt doanh nghiệp đứng ra giải trình: "Hiện tại công ty vẫn hoạt động bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu giảm là do cung cầu của thị trường, thị hiếu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty".
Sau khoảng thời gian đón nhận dòng tiền vào ào ạt, giá cổ phiếu liên tục lập đỉnh, hơn nửa năm trở lại đây cổ phiếu ngành thép bị nhà đầu tư bán mạnh. Lãnh đạo của doanh nghiệp thuộc ngành thép cũng tranh thủ mua vào.
Điển hình, ông Hồ Minh Quang - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) - đã hoàn tất giao dịch mua vào 3 triệu cổ phiếu NKG, thời gian mua từ 23-5 đến 1-6. Với trị giá bình quân 30.000 đồng/cổ phiếu trong khoảng thời gian giao dịch trên, ước tính ông Quang chi ra 90 tỉ đồng.
Giao dịch hoàn tất, ông Quang sẽ nâng tỉ lệ sở hữu từ 12,83% (28,2 triệu cổ phiếu) lên 12,83% (31,2 triệu cổ phiếu) - tương đương 14,2% vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, mã NKG đã bị giảm xuống còn 16.600 đồng/cổ phiếu NKG.
Trong một tọa đàm diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Đặng Thành Tâm - chủ tịch Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) - cũng cho biết đang suy nghĩ về việc mua thêm cổ phiếu KBC.
"Nhưng tôi chỉ sợ khi chứng khoán lên cao mọi người lại nói tôi lợi dụng lúc thị trường xuống nên tôi chưa dám đăng ký mua vào mặc dù tôi rất muốn", ông Tâm cho hay.
Từ thời điểm phát biểu đến nay, tức trong vòng gần một tháng, ông Tâm chưa đăng ký mua thêm cổ phiếu KBC. Nhưng gần đây, bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh - chủ tịch Công ty CP đầu tư Vinatex - Tân Tạo (con gái ông Tâm) - đã thay mặt doanh nghiệp đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC, trong khoảng thời gian từ 16-6 đến 15-7, nhằm gia tăng tỉ lệ sở hữu.
Với thị giá 28.850 đồng/cổ phiếu KBC tại thời điểm này, ước tính Vinatex - Tân Tạo sử dụng hơn 144 tỉ đồng để hoàn tất giao dịch. So với hồi đầu năm, cổ phiếu KBC đã bị giảm giá hơn 38%.
Khi giao dịch thành công, Vinatex - Tân Tạo sẽ tăng tỉ lệ sở hữu tại KBC từ 3,65% (gần 21 triệu cổ phiếu) lên nắm tỉ lệ 4,51% (gần 26 triệu cổ phiếu).
Về mối quan hệ, bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh là con gái đầu của ông Tâm, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị tại KBC. Ngoài giữ chức chủ tịch ở KBC, ông Tâm còn là tổng giám đốc tại Vinaconex - Tân Tạo.
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, riêng chỉ số VN-Index đã bị giảm hơn 22% kể từ mốc kỷ lục lịch sử (1.528,57 điểm, lập vào ngày 1-6). Việc các lãnh đạo nhảy vào mua cổ phiếu cũng góp phần tạo niềm tin cho cổ đông, thể hiện nỗ lực "bình ổn" giá trong lúc thị trường biến động.
Phần lớn các lãnh đạo nắm cổ phiếu trong thời gian dài, không mua bán lướt sóng trong ngắn hạn để ăn chênh lệch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận