Theo Hãng tin Reuters, hôm nay 19-2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore Từ Phương Đạt tiết lộ kế hoạch trên tại Hội nghị thượng đỉnh hàng không Changi, diễn ra ngay trước thềm Triển lãm hàng không Singapore.
Cụ thể, nước này đặt mục tiêu 1% chuyến bay của các hãng hàng không trong nước sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) vào năm 2026.
Tỉ lệ này sẽ nâng lên thành 3-5% vào năm 2030, tùy vào nhiều yếu tố như tình hình thế giới, nguồn cung SAF và tiến độ chuyển đổi sang SAF toàn cầu.
"Việc sử dụng SAF đóng vai trò quan trọng cho công cuộc phi carbon hóa ngành hàng không. SAF dự kiến sẽ đóng góp khoảng 65% lượng giảm phát thải carbon cần đạt cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050", thông cáo của Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) nêu.
SAF là loại nhiên liệu đặc biệt, được tinh chế qua quá trình tổng hợp phức tạp hoặc từ các loại nguyên liệu sinh học như dầu ăn, vụn gỗ… Hiện nay, loại nhiên liệu này chiếm 0,2% thị trường nhiên liệu máy bay toàn cầu.
Các chuyên gia trong ngành công nghiệp hàng không thế giới dự đoán con số này sẽ tăng lên thành 65% vào năm 2050. Tuy nhiên, quá trình này sẽ tiêu tốn khoảng 1.450 tỉ đến 3.200 tỉ USD tiền vốn.
Tuy nhiên, để thực hiện được tham vọng chuyển đổi xanh trên, ngành hàng không thế giới sẽ phải vượt qua nhiều thử thách lớn. Một trong số đó là nguồn cung SAF vẫn còn rất hạn chế.
Các hãng xăng dầu hiện không dám sản xuất nhiều SAF vì không chắc chắn về sức mua của thị trường. Ở chiều ngược lại, các hãng hàng không lại hạn chế mua loại nhiên liệu này do giá thành quá đắt đỏ. SAF hiện có giá cao gấp 5 lần nhiên liệu máy bay truyền thống.
Theo trang web FlightConnections, trung bình mỗi tuần có 74 chuyến bay giữa Singapore và Việt Nam. Trong đó, có hai hãng hàng không Singapore đang khai thác đường bay quốc tế này là Scoot và Singapore Airlines.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận