07/11/2018 10:33 GMT+7

Hàng không đua mở đường bay ngoại, người dân được lợi gì?

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Thị phần hàng không nội địa có dấu hiệu bão hòa, các hãng hàng không dồn dập mở đường bay ngoại ngay cả mùa thấp điểm để tăng lợi nhuận.

Hàng không đua mở đường bay ngoại, người dân được lợi gì? - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục tại một sân bay ở nước ngoài để bay về Việt Nam - Ảnh: CÔNG TRUNG

Người dân và các doanh nghiệp du lịch có thêm lựa chọn khi có nhiều đường bay mới.

Đường bay nội địa dần bão hòa

Theo đại diện Vietnam Airlines, sau nhiều năm duy trì tốc độ phát triển hai con số, thậm chí có năm tăng trên 20%, từ giữa năm 2017 trở lại đây thị trường nội địa đã có dấu hiệu bão hòa. Lượng khách ở các chặng bay trục sôi động nhất hiện nay là Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng chỉ tăng nhẹ so với kế hoạch.

Tại một hội thảo gần đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - tổng giám đốc Vietjet - nhấn mạnh lợi nhuận trên các đường bay quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á gồm Đài Loan, Hàn Quốc cao hơn khoảng 20% so với các đường bay nội địa. Báo cáo tài chính mới nhất của Vietjet trong quý 3-2017 cũng thể hiện rõ tỉ trọng doanh thu quốc tế đạt trên 50% tổng doanh thu khai thác, vượt kế hoạch đề ra.

Ông Lại Xuân Thanh, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng - ACV, cũng lo ngại tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không nội địa sẽ giảm trong năm 2018.

Theo ông Thanh, do trong các năm 2014-2016, với sự tham gia khai thác của hãng hàng không tư nhân, chính sách giá linh hoạt, các hãng mở nhiều đường bay mới nên tăng trưởng thị trường nội địa rất cao, tỉ trọng lần lượt là 20%, 27%, 30%. Đến năm 2017, tỉ lệ tăng trưởng thị trường nội địa đã có chiều hướng suy giảm.

Ngoài ra, theo ông Thanh, do giới hạn năng lực tiếp nhận khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất nên khả năng tăng chuyến, mở rộng mạng đường bay, đặc biệt là thị trường nội địa sẽ hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường vận tải hàng không cũng đang đối diện với thách thức như chi phí tăng, giá vé tăng...

Dồn dập mở đường bay Nhật, Hàn

Theo dự thảo đề án "Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch" mà Bộ GTVT đang trình Chính phủ, mạng đường bay quốc tế có sự tham gia của 71 hãng hàng không nước ngoài và ba hãng hàng không VN, khai thác hơn 100 đường bay kết nối sáu sân bay tại VN, gồm Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc đến hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản lượng vận chuyển hành khách vào năm ngoái đạt 30,27 triệu lượt khách.

Đáng lưu ý, trong thời gian gần đây, đường bay từ VN đến Nhật Bản được các hãng cạnh tranh bay dù trong mùa thấp điểm. Lý giải việc này, theo các hãng bay, Nhật Bản là một trong những thị trường có tốc độ sinh lời cao.

Theo Cục Hàng không VN, số lượng đường bay quốc tế của các hãng hàng không VN chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể với việc 4 đường bay mới đến Nhật Bản sẽ được đưa vào khai thác trong quý 4-2018.

Bắt đầu từ ngày 23-10, hãng hàng không 5 sao của Nhật Bản là Japan Airlines đã chính thức triển khai bay liên danh (code - share) với Vietjet.

Đường bay Hà Nội - Osaka được khai thác từ ngày 8-11. Đường bay Phú Quốc - Seoul (Hàn Quốc) được khai thác khứ hồi hằng ngày kể từ ngày 22-12. Một đường bay cũng vừa khai trương từ Đà Nẵng đi Bangkok, khai thác khứ hồi hằng ngày.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết ngày 28-10 hãng này cũng khai trương đường bay mới từ Đà Nẵng đến Osaka (Nhật Bản) với tần suất 7 chuyến/tuần. Đây là đường bay thứ 11 của Vietnam Airlines đến Nhật Bản. Hiện Vietnam Airlines đang bay trực tiếp VN - Nhật Bản với khoảng 70 chuyến/tuần.

Jetstar Pacific cũng khai thác mạnh đường bay từ Nhật Bản, một tuần với 8 chuyến bay khứ hồi kết nối Hà Nội, Đà Nẵng.

Người dân và ngành du lịch hưởng lợi

Trước lượng hành khách sử dụng máy bay ngày càng tăng, việc kết nối giữa VN và các điểm đến nổi tiếng góp phần không nhỏ trong việc kích cầu du lịch ở cả hai phía.

Ông Lê Phạm Huy Trường - giám đốc phòng dịch vụ hàng không Công ty Fiditour - cho rằng sự gia tăng nhiều đường bay, đặc biệt là các chuyến bay thẳng, giúp du khách thuận lợi hơn rất nhiều. Khách hàng hưởng được nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, thời gian và có nhiều lựa chọn sát với nhu cầu hơn trong việc lên kế hoạch du lịch.

Một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng cho rằng việc các hãng bay mở thêm đường bay ngoại đã giúp việc tổ chức tour đa dạng hơn, giá cả linh hoạt so với trước đây khi chủ yếu phụ thuộc vào các hãng hàng không nước ngoài...

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch lớn tại TP.HCM, không phải cứ có kết nối hàng không tốt là mở được thị trường du lịch mới mà còn phải đáp ứng nhiều điều kiện khác gồm cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ cho du lịch, giá cả, đặc biệt là phải tạo được sức hấp dẫn cho điểm đến.

Ngoài ra, du lịch đang gặp vấn đề về hàng không, nhiều điểm đến có ít đường bay, đặc biệt là giá vé vẫn cao. Nhưng điểm nghẽn này không thể giải quyết được bằng việc mở ồ ạt các đường bay mới mà cần cạnh tranh mạnh hơn về giá.

Dự kiến 2020 sẽ bay thẳng tới Mỹ

Theo báo cáo của Bộ GTVT, với thị trường Mỹ, dự định đến năm 2020 Vietnam Airlines sẽ mở đường bay thẳng đến nước này với lựa chọn ban đầu là một điểm tại bờ Tây, có thể là Los Angeles hoặc San Francisco.

Vietjet mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ

TTO - Sau Vietnam Airlines, Vietjet sẽ mở đường bay thẳng từ Việt Nam - Ấn Độ trong năm 2018 với tần suất 4 chuyến mỗi tuần.

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp