Giá dầu giảm đã kéo theo nguyên liệu sợi trên thế giới giảm 6,5-10%. Trong ảnh: sản xuất sợi tại Tổng công ty CP Phong Phú - Ảnh: T.V.Nghi |
Theo các chuyên gia, giá dầu giảm mạnh đợt này sẽ tác động nhiều mặt hàng quan trọng giảm theo.
Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu đã giảm tới 41%.
Giảm trên toàn cầu
Giá dầu vốn đã giảm nhiều tuần qua do các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) không thống nhất với nhau về việc giảm sản lượng để nâng đỡ giá.
Trong diễn biến mới nhất, một số thành viên khối này như Iraq và Saudi Arabia thậm chí còn tăng chiết khấu cho các nước nhập khẩu ở châu Á, qua đó làm dấy lên lo ngại các thành viên OPEC sẽ lao vào cuộc chiến giá để giành thị phần. Công ty Tiếp thị dầu Iraq chấp nhận chiết khấu tới 4 USD/thùng cho khách mua dầu ở châu Á, mức chiết khấu lớn nhất kể từ tháng 8-2003 tới nay.
Tập đoàn Xăng dầu Kuwait nhận định giá dầu sẽ còn xoay quanh mức 65 USD/thùng thêm nửa năm nữa đến khi OPEC cắt giảm sản lượng. “Nếu OPEC không giảm sản lượng, chỉ có biến động chính trị lớn hoặc kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ mới có thể làm giá dầu tăng trở lại” - ông Nizar Al-Adsani, tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Kuwait, nhận định.
Theo nghiên cứu vừa được hai ngân hàng Societe Generale SA và Citigroup đưa ra, việc giá dầu giảm liên tiếp thời gian này sẽ giúp hầu hết các loại hàng hóa trên thế giới giảm giá theo. Theo đó, năng lượng chiếm gần nửa chi phí sản xuất kim loại, thực phẩm nên giá các mặt hàng này cùng nhiều hàng hóa khác sẽ giảm trên toàn cầu.
“Đây cũng là dịp để các công ty khai thác mỏ, điện, phân bón cũng như ngành nông nghiệp gia tăng lợi nhuận. Chẳng hạn, bắp có thể giảm giá 3%, sợi cotton cho dệt may giảm 6,5% và vàng có thể giảm được 5%” - báo cáo của Societe Generale SA nhận định.
Còn theo Citigroup, giá than sẽ giảm khoảng 13%, giá quặng sắt giảm 6% và nhiều hàng hóa khác sẽ giảm theo đà giảm giá dầu lần này. “Đặc biệt, người tiêu dùng toàn cầu sẽ được hưởng lợi đáng kể từ đợt giảm giá dầu và đi theo đó là giá hàng hóa như lần này” - Citigroup dự báo.
Trong khi đó, ông David Rosenberg - kinh tế trưởng của Tập đoàn Gluskin Sheff & Associates, Canada - cho rằng giá dầu hạ với lý do nguồn cung lớn, không phải do cầu yếu, do đó sẽ tác động tốt tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung, trừ các nước xuất khẩu dầu nhiều như Trung Đông, Nga.
“Tiêu dùng sẽ tăng mạnh, qua đó sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng đáng kể” - ông David nhận định.
Lo VN sẽ bán dầu dưới giá thành
Giá dầu thế giới giảm mạnh đang tiếp tục mở ra cơ hội giảm giá của xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, theo đại diện của Công ty hóa dầu Quân đội (Mipec), với việc áp thuế suất mới theo công văn ngày 4-12 của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ khác đi đôi chút so với đợt giảm vừa qua.
“Chúng tôi sẽ chờ thông báo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) về việc có điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong những ngày tới hay không” - đại diện Mipec cho biết.
Với VN, giá dầu hạ như thời gian qua kéo theo giá xăng dầu xuống liên tiếp 11 lần là điều có lợi cho người tiêu dùng. Như vậy, chi phí đi lại của người dân, sản xuất của doanh nghiệp và giá các mặt hàng liên đới sẽ có cơ hội để giảm đáng kể.
Theo quy luật, giá xăng dầu hạ sẽ góp phần giảm giá nhập khẩu, giảm chi phí vận tải, giảm giá hàng hóa, qua đó cộng hưởng lại giúp giảm cả lạm phát.
Tuy nhiên, với ngân sách nhà nước, giá dầu hạ sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu.
“Nguồn thu của Nhà nước từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu rất lớn nên khi giá dầu xuống thấp liên tiếp như hiện nay, thu ngân sách chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nguồn thu từ xuất dầu thô thường chiếm 25% GDP của VN nên trong bối cảnh giá dầu giảm như vậy chắc chắn sẽ gây thâm hụt ngân sách trong năm tới” - TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định.
Bên cạnh việc căng thẳng trong cân đối ngân sách quốc gia, ông Long còn lo ngại việc chúng ta phải bán dầu dưới giá thành nếu giá dầu giảm quá nhiều. “Do chi phí thăm dò và khai thác ở VN lớn hơn các nước khác như Trung Đông nên giá dầu hạ nếu không khéo, tính ra còn lỗ” - ông Long lo ngại.
Chuyên gia này cho rằng trong bối cảnh nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng như vậy, cần phải cân đối lại việc chi ngân sách để giảm bớt thâm hụt, nhất là giảm các khoản chi thường xuyên. “Chi ngân sách thường xuyên hiện nay đang lên tới 70%, trong khi chi đầu tư và trả nợ chỉ khoảng 30%. Chi thường xuyên cần phải giảm xuống trong bối cảnh giá dầu hạ nhiều, đang làm hụt thu ngân sách” - ông Long cho biết.
Cổ phiếu ngành dầu khí ảnh hưởng Song hành cùng đà lao dốc của giá dầu, thị trường chứng khoán VN phiên 9-12 cũng suy giảm rất mạnh. Các blue-chip dầu khí như GAS, PVD và PVS đều giảm điểm mạnh phiên này, trong đó mã có tác động lớn nhất tới VN-Index là GAS giảm sàn. Chốt phiên, VN-Index mất 16,37 điểm, tương đương 2,86%, xuống 555,31 điểm. HNX-Index cũng mất 3,32 điểm, tương đương 3,81%, xuống mức 83,85 điểm. Theo Công ty chứng khoán Bản Việt, khối ngoại liên tục bán ròng mạnh những cổ phiếu dầu khí trong các phiên gần đây, góp phần khiến nhóm này giảm điểm đáng kể. Quan sát trên các sàn chứng khoán, giá dầu và diễn biến của nhóm ngành dầu khí hiện vẫn là mối quan ngại thường trực của nhà đầu tư trong giai đoạn này. Trên thị trường toàn cầu, chứng khoán cũng đi xuống theo đà giảm của giá dầu do cổ phiếu ngành năng lượng cũng xuống dốc tại Mỹ, châu Âu và châu Á, kéo chỉ số các nơi này xuống theo. Nhiều mặt hàng trong nước giảm theo giá xăng Giá thực phẩm đã bắt đầu giảm nhẹ, tương tự một số nguyên liệu nhập khẩu cũng đã giảm do tác động giá xăng dầu. Tại một số chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM, giá nhiều mặt hàng thực phẩm, rau củ dao động giảm nhẹ. Tuy nhiên mức giảm này không đáng kể, cụ thể tại chợ Tân Sơn Nhất (Q.Gò Vấp), các loại rau như cà chua, dưa leo, cải thảo vẫn dao động 10.000-14.000 đồng/kg tùy loại, xà lách trong mức 20.000 đồng/kg, giá rau ăn sống ở mức 30.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết giá rau xanh ở mức bình thường, chỉ có một số loại giảm 1.000-3.000 đồng/kg so với tuần trước. Riêng các loại thịt, ghi nhận cũng cho thấy hầu như không biến động, các loại thịt heo quanh mức 90.000 đồng/kg, cao nhất là sườn non lên tới 125.000 đồng/kg, thịt gà ta 120.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg. Mức giá này hầu như không thay đổi, dù lượng hàng hiện nay rất dồi dào từ các chợ đầu mối. Trong khi đó, ông Phạm Xuân Trình - tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú - cho biết hiện các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng mặt hàng sợi polyester nên “dù nhập khẩu hay mua trong nước đều được mua với mức giá giảm do ảnh hưởng từ giá dầu và do nhu cầu thị trường đang ở mức thấp”. Theo ông Trình, so với đầu năm, giá sợi polyester hiện đã giảm khoảng 10%, khoảng 18% so với sợi cotton. “Nếu thực hiện giao dịch trong những ngày giá dầu giảm, giá mỗi ký sợi đang được tiếp tục giảm 1-2 cent/kg so với mức giá cũ” - ông Trình nói. Giá vàng thế giới về lại mốc 1.200 USD/ounce Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch đêm trước và lên lại mốc 1.200 USD/ounce. Lúc 17g ngày 9-12, giá vàng thế giới đạt 1.206 USD/ounce, tương đương 31 triệu đồng/lượng (chưa gồm thuế, phí). Giá vàng thế giới đã phục hồi sau một tuần giảm mạnh, tuy nhiên áp lực giảm giá đối với vàng còn khá lớn khi đồng USD tiếp tục tăng mạnh và giá dầu giảm sâu. Không bắt kịp với mức tăng giá vàng thế giới, từ cuối tuần trước đến nay giá vàng trong nước lình xình ở ngưỡng 35,2 triệu đồng/lượng. Cuối ngày 9-12, vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 35,06-35,2 triệu đồng/lượng lần lượt mua vào, bán ra. So với điều chỉnh của giá vàng thế giới trên, giá vàng trong nước tăng không đáng kể, mỗi lượng vàng SJC tăng 40.000 đồng/lượng so với hôm trước. Sự giảm giá của USD tự do cũng được cho là góp phần làm giá vàng trong nước khó tăng mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 11-2014 kiều hối chuyển về qua hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP ước đạt 4,4 tỉ USD. Dự kiến, lượng kiều hối cả năm 2014 của TP.HCM sẽ đạt gần 5 tỉ USD, tăng nhẹ so với 4,8 tỉ USD của năm 2013. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận