Phóng to |
Các loại hàng hóa, thực phẩm tại hệ thống siêu thị Co.op Mart đã sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng vào dịp lễ tết sắp tới - Ảnh: Thanh Đạm |
Dù dự báo sức mua không đột biến nhưng các doanh nghiệp đều chuẩn bị lượng hàng tăng 10-30% so với năm ngoái, giá một số mặt hàng cũng dự kiến tăng 5-10% so với trước tết.
Lên kế hoạch kỹ lưỡng
Từ hơn một tháng nay, toàn bộ mặt tiền siêu thị Co.op Mart Thắng Lợi (đường Trường Chinh, Q.Tân Phú, TP.HCM) gần như được làm mới lại hoàn toàn. Bên trong siêu thị, rất nhiều khu vực quầy kệ cũ kỹ được thay đổi, khu vực trưng bày, các “đảo” bán hàng giữa lối đi cũng được tính toán làm mới để người tiêu dùng dễ dàng lưu thông khi mua hàng vào lúc cao điểm.
Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết tới đây hệ thống này sẽ thay đổi diện mạo hàng loạt siêu thị, một bước quan trọng để phục vụ người tiêu dùng đi mua sắm dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Về hàng hóa, ông Nhân cho biết đến thời điểm này Saigon Co.op đang chuẩn bị 46.000 tấn hàng hóa bình ổn với tổng trị giá khoảng 3.900 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 12.000 tấn lương thực, 8.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, 3.000 tấn thực phẩm chế biến và 16.000 tấn rau, củ, quả các loại. Dự kiến tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động với trị giá hàng hóa khoảng 20 tỉ đồng để đưa hàng đến các thị trường nông thôn, khu công nghiệp nhằm kích thích tiêu dùng...
Đại diện siêu thị Big C cho biết chưa có con số thống kê cụ thể về lượng hàng chuẩn bị cho dịp tết, nhưng siêu thị này cũng đã chủ động chuẩn bị từ vài tháng trước, từ công tác tìm kiếm đối tác, tăng lượng hàng đến chủ động giá cả. Đến thời điểm này, kế hoạch chuẩn bị bán hàng tết của đơn vị này cũng gần xong.
Ngay từ đầu tháng 11, Sở Công thương TP.HCM đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tết lên kế hoạch chuẩn bị cung ứng hàng hóa. Dự kiến, các doanh nghiệp chủ lực bình ổn sẽ cung cấp 30-40% thị phần các mặt hàng thiết yếu, chợ đầu mối chi phối 40-50% lượng hàng, còn lại là các doanh nghiệp khác.
Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết sở đã yêu cầu các đơn vị phân phối, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải bám sát tình hình sức mua, giá cả hàng hóa, tránh tăng đột biến. “Trong trường hợp cao điểm, hút hàng, chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ hàng hóa hỗ trợ doanh nghiệp phân phối cung ứng nhằm bảo đảm thị trường lưu thông suôn sẻ, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa gây sốt giá”- bà Đào cho biết.
Doanh nghiệp tăng lượng hàng
Phần đông doanh nghiệp đều cho rằng sức mua mùa tết năm nay chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn năm ngoái, tuy nhiên họ đều chuẩn bị lượng hàng vượt 10-30% so với mùa trước. Vissan năm nay vẫn tập trung sản xuất khoảng 400 dòng sản phẩm tết truyền thống gồm giò, chả, lạp xưởng, thực phẩm chế biến, thực phẩm cao cấp, sản phẩm tiệt trùng... Bên cạnh đó, hiện có khoảng 40.000 con heo nuôi dự trữ, khoảng 600 tỉ đồng chuẩn bị sản xuất thực phẩm đông lạnh, chế biến.
Lý giải việc chuẩn bị lượng hàng vượt xa so với năm ngoái, ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan, cho hay dự đoán năm nay sản lượng chỉ tăng 2-3% so với năm ngoái, nhưng đơn vị này vẫn chuẩn bị nhiều hơn để đảm bảo ổn định thị trường, không gây đột biến giá. “Nếu hàng tồn dư vẫn có thể tiếp tục kinh doanh những tháng đầu năm 2014, dù thế nào cũng không để thiếu hàng, tăng giá đột biến” - ông Mười khẳng định. Đến nay đơn vị này đã hoàn tất 80% kế hoạch hàng hóa dịp tết.
Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc Công ty Thực phẩm Đồng Nai, cho hay năm nay đơn vị tăng 5-10% lượng hàng phục vụ thị trường bình ổn tại tỉnh Đồng Nai. Đến nay, các hợp đồng cung ứng hàng hóa với các hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng đã được hoàn tất. Dự kiến có khoảng 1.500 con heo, 15.000 con gà... dự trữ phục vụ nhu cầu người dân vào dịp tết.
Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty Bibica, cho biết dự kiến sản lượng của Bibica Tết 2013 là 1.250 tấn bánh kẹo và sôcôla các loại, tăng 10% so với năm ngoái. Giá bán các sản phẩm được điều chỉnh tăng 5-10% tùy loại, và 30% sản phẩm giữ nguyên giá 2013. Theo ông Thiện, khả năng sức mua dịp tết năm nay ở nhóm hàng bánh kẹo chỉ tăng 10-15% so với năm trước.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc Bidrico, cho biết công tác chuẩn bị đã hoàn tất với sản lượng hàng hóa tăng 5-15% so với mùa tết trước, dự kiến đầu tháng 11 đơn vị này sẽ thực hiện chiến dịch tung hàng tết ra thị trường. Do chi phí tiền lương, đầu vào tăng mạnh nên mùa tết năm nay các sản phẩm nước ngọt, giải khát của đơn vị này sẽ tăng giá khoảng 5%.
Ông Trần Văn Chung, phó giám đốc marketing Công ty bánh kẹo Hữu Nghị, cho biết để chuẩn bị sản xuất hàng hóa phục vụ dịp tết, đơn vị đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bánh cookies, đồng thời tăng sản lượng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ mùa bánh kẹo tết.
Kết nối cung ứng hàng hóa Sở Công thương TP.HCM cho biết ngày 7-11 sẽ phối hợp với sở công thương các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa để thực hiện kết nối cung ứng hàng hóa phục vụ mùa tết. Đây là chương trình thường niên nhằm tìm kiếm nguồn cung hàng hóa dồi dào tại các địa phương để cung ứng cho các hệ thống phân phối siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP kinh doanh trong dịp tết. Bên cạnh đó, nhiều đặc sản làng nghề, sản phẩm truyền thống như nông sản, trái cây, bánh kẹo, rau củ quả...cũng được giới thiệu nhằm đưa vào kinh doanh tại các hệ thống phân phối trước, trong và sau tết. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận