Người mua thoải mái lựa chọn hàng hóa, bánh mứt dồi dào trên các kệ của siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Điều này xem ra rất phù hợp với tính toán của nhiều gia đình sau một năm đầy biến động, Tết đến chi ít tiền nhưng vẫn mua được đồ ngon.
Rất nhiều khuyến mãi
Ngày 26-1, bên trong siêu thị Co.opXtra nằm trong Gigamall Thủ Đức, chị Nguyễn Thị Kim Xuân (32 tuổi, nhân viên văn phòng) nhanh nhẹn bỏ vào xe đẩy 2 hộp hạt điều muối được bán với giá 105.000 đồng/hộp - tương đương tiết kiệm gần 20.000 đồng so với giá gốc - rồi chia sẻ: "Hai vợ chồng cứ đi hết siêu thị này đến siêu thị kia, vừa dạo chơi vừa coi cái nào giảm giá tốt mới mua".
Tại siêu thị này, hầu hết các ngành hàng đều có khuyến mãi từ vài chục ngàn đồng trở lên trên mỗi sản phẩm, chẳng hạn sau khi khuyến mãi, hũ kiệu chua ngọt giá 105.000 đồng/800g, dưa món 74.500 đồng/950g, chả lụa 72.900 đồng/500g, chân giò rút xương 207.000 đồng/kg, bánh tét giá từ 79.000 - 105.000 đồng/cái tùy vào nhân đậu xanh, thịt hay loại ngũ sắc…
Tại siêu thị Emart (Gò Vấp), các quầy hàng thời trang hiện luôn trong tình trạng đông đúc nhờ nhiều thương hiệu áp dụng khuyến mãi lớn như "mua 1 tặng 1", giảm giá 30 - 50%... Tương tự, các quầy bán trái cây, thịt, đồ khô, bánh kẹo tại đây cũng khá nhộn nhịp. Tuy vậy, hầu hết quầy kệ đều được nhân viên tại đây châm hàng lên liên tục nên không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn hàng.
Trong khi đó, các quầy bánh mứt, thực phẩm khô, thịt cá... của siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (Phú Nhuận) cũng thu hút nhiều khách hàng nhưng lượng hàng trên các quầy kệ vẫn luôn dồi dào, với nhiều mặt hàng được áp dụng giảm giá từ 10 - 25%, trong đó có sản phẩm thịt heo, gà. Dạo mua với hóa đơn hơn 1,5 triệu đồng tại đây, bà Nguyễn Thị Hiền (Bình Thạnh) cho biết hàng hóa còn đa dạng, khuyến mãi kéo dài nên mua sắm cũng tính toán để tiết kiệm nhất.
Bên cạnh các gian hàng Tết, một điều đáng chú ý của thị trường Tết năm nay là các chương trình khuyến mãi cũng rất rầm rộ, tạo nên không khí mua sắm rộn ràng. Các mặt hàng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm trữ mát, các loại bánh mứt Tết… được giảm giá từ 20% đến 50% cho đến 29 Tết.
Hàng hóa thực phẩm khô sẵn sàng phục vụ Tết tại chợ Bình Điền, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Sức mua tăng mỗi ngày
Đại diện Lotte Mart Việt Nam cho biết trong ngày 26-1 sức mua tại siêu thị tiếp tục nhích lên so với ngày hôm trước khoảng 5%, trung bình 16.000 lượt khách đến/ngày, tăng 19% so với thường ngày. "Xu hướng tăng vẫn đang rõ hơn trong tuần cận Tết do năm nay các đơn vị chi trả thưởng Tết trễ. Các thực phẩm tươi sống như thịt, chả giò, lạp xưởng, bánh chưng... bắt đầu được mua nhiều, chỉ đứng sau mặt hàng giỏ quà Tết", đại diện Lotte Mart Việt Nam thông tin.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng - giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart, từ cuối tuần qua, hai nhóm hàng hóa có sức mua bật tăng mạnh so với tuần trước là nhóm các loại trái cây nội địa như thanh long ruột đỏ, dưa hấu không hạt, xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh... và nhóm các mặt hàng thực phẩm bổ dưỡng, mứt Tết với mức tăng hơn 50%. Trong khi đó, các nhóm hàng khác như thịt gia súc, gia cầm, trứng; rau, đồ gia dụng tăng nhẹ hơn với 10 - 20% so với tuần trước đó.
Tương tự, đại diện hệ thống GO! BigC cho biết năm nay người dân mua nhiều vào 30 ngày trước Tết, đặc biệt tuần trước Tết, thay vì dàn trải như các năm trước nên nguồn cung đã được đơn vị điều chỉnh tăng mạnh khi cận Tết với chương trình giảm giá kéo dài. "Nhu cầu mua sắm Tết năm nay tương đương năm ngoái. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng vì trước đó thị trường khá chậm. Người dân sắm Tết ngày càng thiết thực hơn, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, ít cầu kỳ", đại diện hệ thống này nhìn nhận.
Hệ thống MM Mega Market ghi nhận sức mua đã tăng hơn 50% so với mức trung bình tháng trước. Trong đó, sức mua đối với khách hàng sỉ là công ty, đại lý và khách lẻ đều mạnh. "Chúng tôi tăng nguồn cung, đặc biệt sản phẩm ở phân khúc bình dân, đồng thời duy trì mức giá tốt, khuyến mãi", đại diện đơn vị này nhận định.
Trong khi đó, đại diện siêu thị Emart cho biết sức mua nhiều nhóm hàng đã tăng mạnh so với bình thường và hơn 30% so với tuần trước, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo, thời trang. Đơn vị sẽ tập trung tăng nguồn cung thực phẩm tươi sống và các chương trình khuyến mãi cho một tuần giáp Tết.
Giá thịt heo ít biến động
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Dũng - phó tổng giám đốc Vissan - cho biết sức mua đã tăng nhưng vẫn chưa tăng quá đột biến nên lượng lớn hàng tươi sống (chủ yếu thịt heo) và chế biến như lạp xưởng, xúc xích, chả... được đơn vị dự trữ vẫn chưa dùng đến. Trong cơ cấu hàng hóa mùa Tết năm nay, doanh nghiệp dành nhiều cho dòng sản phẩm bình dân. Trong đó, có thiết kế combo Tết giá 390.000 đồng với 7 món như lạp xưởng, xúc xích, thịt hộp... nhằm giúp người lao động thoải mái mua sắm sản phẩm chất lượng, an toàn, tiết kiệm.
Để kích thích sức mua trong tuần cao điểm Tết, đơn vị này sẽ tăng mạnh khuyến mãi kể từ ngày 29-1 đến 6-2, trong đó áp dụng chủ yếu thực phẩm tươi sống. Cụ thể, sẽ giảm từ 10 - 20% giá bán lẻ đối với khoảng 14 loại thịt heo, trong đó nhiều sản phẩm có sức mua tốt như thịt đùi, ba rọi, bắp giò... Giá bán sau khi giảm quanh 116.000 đồng/kg thịt đùi, 110.000 đồng/kg thịt vai, ba rọi có sườn còn hơn 184.000 đồng/kg... "Đơn vị đảm bảo mức giá tốt và nguồn cung dồi dào đối với hầu hết các mặt hàng tươi sống và chế biến trong suốt mùa Tết này", đại diện đơn vị này khẳng định.
Ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết sau thời gian tăng nóng thì 2 - 3 ngày qua giá heo có dấu hiệu đứng lại và giảm nhẹ, hiện phổ biến 57.000 - 59.000 đồng/kg hơi. Theo ông Đoán, thời điểm này được coi là cao điểm tiêu dùng nhưng giá heo không quá biến động thì khả năng thời gian tới sẽ giữ mức ổn định trên dưới 60.000 đồng/kg, ngoại trừ giá thịt heo ngoài chợ có thể biến động.
"Thương lái và người bán lẻ có thể dựa vào cung cầu chợ Tết để tăng giá bán nhưng mức tăng sẽ không quá lớn và mang tính cục bộ vì nguồn cung nhiều và nhu cầu nóng lên cũng chỉ mang tính thời điểm", ông Đoán nhận định.
Công nhân một lò giết mổ tập trung ở TP Long Khánh (Đồng Nai) chuẩn bị đơn hàng cho một siêu thị trên địa bàn - Ảnh: A LỘC
An toàn mua sắm, an toàn thực phẩm thế nào?
Hiện các điểm bán vẫn đang áp dụng nghiêm "5K" đối với nhân viên và khách hàng khi đến mua sắm. Ngoài máy đo thân nhiệt và xịt khuẩn tự động, yêu cầu khẩu trang, đơn vị sẽ phát loa thường xuyên để yêu cầu khách giữ đúng khoảng cách.
Trường hợp khách đông đúc có thể áp dụng thêm các giải pháp tình thế, linh động như phân từng tốp khách khoảng 20 - 30 người vào mua hàng một lúc, mỗi tốp được mua sắm khoảng 20 - 30 phút để đảm bảo giãn cách.
Một vấn đề quan trọng nhất của thị trường Tết là an toàn thực phẩm. Đại diện hệ thống Satra cho biết đã tăng cường các hoạt động kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh và xử lý ngay đối với các sản phẩm chưa đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung kiểm tra các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết như thịt, các sản phẩm từ thịt, trứng, thủy hải sản, rau củ quả, bánh mứt… để bảo vệ người tiêu dùng.
Không lo thiếu hàng
Tại các chợ truyền thống như Bà Chiểu, Thị Nghè (Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), lượng người mua bán trở nên đông đúc, đặc biệt các cửa hàng tạp hóa, kiôt bán đồ khô, hàng tiêu dùng như bia, nước, bánh kẹo, trái cây. Tuy vậy, nhờ dự trữ trước nên hàng hóa tại các cửa hàng vẫn dồi dào, giá bán tương đối ổn định.
Đại diện hệ thống Satra cho biết đến thời điểm này có thể khẳng định áp lực giá cả hàng hóa, cũng như nguồn cung hàng cho thị trường Tết không có gì đáng lo ngại. Năm nay, lượng hàng bình ổn cho dịp cao điểm Tết tăng từ 5% đến 30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có mức tăng khác nhau từ 10% đến 30%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm thực phẩm tươi sống được ưa chuộng dịp Tết gồm: rau củ quả, trái cây, các loại thịt và bia, nước giải khát.
Bộ Công thương: Nhu cầu chỉ giảm nhẹ, giá cả không tăng mạnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng do tác động của dịch bệnh, thu nhập giảm ảnh hưởng đến sức mua hàng hóa cũng như lo ngại về dịch bệnh nên các hoạt động lễ hội, du lịch, giải trí tiếp tục bị hạn chế hơn.
Tuy vậy, với hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đang phục hồi dần cùng với các chính sách kích cầu nội địa của Chính phủ nên dự kiến nhu cầu hàng hóa tháng 1 chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến sức mua hàng hóa nói chung sẽ tương đương hoặc giảm 1-3%, trong đó các mặt hàng phục vụ Tết sẽ tương đương so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 10% so với các tháng thường và bảo đảm đủ hàng hóa, giá cũng không có biến động lớn.
Riêng đối với mặt hàng thịt heo, Bộ Công thương đánh giá thời gian vừa qua, do các chi phí đầu vào tăng (thức ăn, các loại thuốc phòng dịch, chi phí vận chuyển...) cùng với việc nhu cầu thịt heo giai đoạn cuối năm và Tết tăng, giá thịt heo tại các nước lân cận tăng nên giá trong nước có xu hướng tăng nhưng không đột biến do cung cầu cơ bản vẫn được bảo đảm.
N.AN
Giá thịt gà quá rẻ
Người nuôi gà lông trắng tiếp tục lỗ nặng do giá xuất bán gà thấp hơn giá thành sản xuất cả chục ngàn đồng. Trong ảnh: công nhân thu gom gà bán cho thương lái - Ảnh: A LỘC
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai khẳng định trong năm qua với việc chủ động phòng chống dịch, thường xuyên giám sát theo kế hoạch nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt. Qua đó, góp phần phát triển chăn nuôi trên địa bàn ổn định, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Tuy nhiên, nếu như người nuôi heo có thể "cười" thì người nuôi gà lại đang "khóc".
Cụ thể, từ nhiều tháng nay, giá gia cầm xuất bán vẫn luôn thấp hơn giá thành sản xuất cả chục ngàn đồng. Theo đó, gà lông trắng hiện được thương lái thu mua với giá 20.000 - 21.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất 7.000 - 8.000 đồng/kg; gà lông màu giá 35.500 đồng/kg (thấp hơn giá thành sản xuất 500 đồng/kg).
Riêng gà ta thả vườn có giá 52.000 đồng/kg (cao hơn giá thành sản xuất 6.000 đồng/kg). Tuy nhiên, sản lượng gà ta chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng đàn gia cầm ở Đồng Nai.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có hơn 2,14 triệu con heo (tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021) và trên 21,7 triệu con gà (tăng 1,45% so với cùng kỳ). Nguồn cung thịt heo, thịt gà ra thị trường trong các tuần qua vẫn giữ tương đối ổn định. Trong tuần gần nhất, Đồng Nai cung ứng ra thị trường hơn 6.430 tấn heo hơi (gồm 1.600 tấn trong tỉnh và hơn 4.800 tấn ngoài tỉnh), gần 2.600 tấn thịt gà (gồm hơn 1.000 tấn trong tỉnh và 1.600 tấn ngoài tỉnh).
Ông Nguyễn Trường Giang - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai - cho biết nguồn cung gia súc, gia cầm cho thị trường Tết năm nay tương đương mọi năm nhưng người tiêu thụ vắng hơn. "Thông thường giai đoạn này sản lượng có thể tăng gấp đôi nhưng năm nay sản lượng vẫn bình bình hoặc chỉ tăng chút ít, giá cả không tăng được", ông Giang nói.
Ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ - chia sẻ nhu cầu thịt gà thời gian qua thấp do công nhân nghỉ việc sớm và hầu hết bếp ăn tập thể ngưng hoạt động, trong khi nguồn cung gà chưa giảm nhiều, thậm chí các trại nuôi tranh nhau bán để nghỉ Tết, tránh để gà tồn đọng. "Cung cầu thay đổi khiến giá gà ở mức thấp, và khả năng sẽ ở mức thấp sau Tết nếu lượng công nhân không đi làm sớm và đông đúc trở lại", ông Quyết nhận định.
Trứng gia cầm: giá ổn định, cận Tết giảm nhẹ
Đại diện Công ty Ba Huân (TP.HCM) cho biết những ngày qua, sức mua trứng gia cầm tăng khoảng 10 - 15% so với ngày thường với lượng bán ra đang đạt khoảng 1,1 - 1,2 triệu quả/ngày. Để hỗ trợ người dân sắm Tết, đơn vị sẽ duy trì mức giá bình ổn xuyên suốt, thậm chí trong ngày 28 và 29-1 sẽ giảm giá bán lẻ từ 1.000 - 2.000 đồng/vỉ xuống còn 32.000 đồng/vỉ 10 trứng vịt và 26.000 đồng/vỉ 10 trứng gà.
Tương tự, Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) cho biết tuy sức mua đã tăng nhưng đơn vị cam kết giữ mức bình ổn, riêng trong ngày 28 và 29-1 cũng sẽ giảm giá trứng bán lẻ trong chương trình bình ổn từ 1.000 - 2.000 đồng/vỉ xuống còn 32.000 đồng/vỉ 10 trứng vịt và 26.000 đồng/vỉ 10 trứng gà (giá đến tay người dùng).
A.LỘC - N.TRÍ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận