01/12/2024 12:29 GMT+7

Hàng hóa Tết Ất Tỵ: Thị trường trầm lắng

Chỉ còn 2 tháng nữa đến Tết Ất Tỵ, nhưng nhu cầu từ các đại lý, nhà phân phối khá chậm khiến nhiều doanh nghiệp như 'ngồi trên đống lửa'.

Hàng hóa Tết: thị trường trầm lắng - Ảnh 1.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhiều doanh nghiệp cho biết giá đầu vào tăng hầu hết các nhóm hàng thực phẩm, hàng hóa Tết. Tuy nhiên doanh nghiệp rất cẩn trọng trong việc tăng giá bán, trường hợp có tăng cũng chỉ 3 - 4%.

Đại lý ít nhập hàng hóa Tết

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết nhà nhà ngành ngành đều tập trung cho mùa Tết, đặc biệt là hàng tiêu dùng nhanh và hàng truyền thống. Tuy nhiên khả năng sức mua không bằng năm trước. Riêng đơn vị hiện lượng hàng Tết được đại lý đặt nhập ước đạt 40 - 50%, trong khi mọi năm từ 60%.

"Khi thăm dò nhà phân phối, bán sỉ cảm nhận được họ không tự tin nhập hàng nhiều như các năm. Mọi năm những thương hiệu giải khát lớn giờ này đã tung hàng tràn ngập, làm chương trình sôi động nhưng năm nay lại rất khiêm tốn", ông Hiến lý giải.

Theo ông Hiến, trước thực trạng này, đơn vị đã trực tiếp xuống làm việc với hầu hết các đại lý để tìm nguyên nhân, nếu cần có thể xem xét tăng mức chiết khấu để kích thích sức mua.

Ngoài ra với 17 nhóm hàng có 71 sản phẩm, đơn vị chủ động đưa ra nhiều sản phẩm mới và tăng sản phẩm có nguyên liệu từ sâm, thảo dược, đa dạng hàng giá bình dân như gia tăng lốc 6, lốc 10 thay vì tập trung lốc 12 lon/chai.

Trong khi đó, đại diện một hãng sản xuất nước giải khát cho biết do giá đầu vào tăng nên giá bán hàng cho mùa Tết buộc tăng khoảng 3 - 4% so với các tháng trước đó. Tuy nhiên mức tăng này thấp, đảm bảo giá cạnh tranh để kích thích sức mua.

"Hiện chúng tôi chiết khấu 12 - 16% cho đại lý cấp 1 và nêu ra quan điểm là có thể tăng thêm mức này để trấn an, giúp cửa hàng tự tin tăng lượng mua. Do đó dù tăng giá bán nhưng thực tế mức lãi không tăng, thậm chí giảm".

Các doanh nghiệp phải tính toán phân hóa thị trường để đưa ra chiến lược tốt cho mùa Tết. Cụ thể, thường thị trường miền Nam bùng ra sớm, miền Trung và Bắc ra sau nên ưu tiên sản xuất cung ứng miền Nam trước. Ngoài ra, các TP thường dùng nước giải khát ít ngọt, thanh lịch, hướng lợi cho sức khỏe; ngược lại thị trường các tỉnh thường ngọt hơn...

Với mặt hàng chế biến, ông Nguyễn Đức Hồng - chủ một cơ sở sản xuất lạp xưởng, giò chả tại TP.HCM - cho biết nhu cầu từ đại lý tương đối chậm nên đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng, nhu cầu tới đâu sản xuất tới đó để tránh việc dư thừa.

"Hơn ai hết đại lý họ hiểu được "sức khỏe" thị trường, cần nhập bao nhiêu và bán bao nhiêu. Do đó cần tham khảo ý từ họ để điều chỉnh sản xuất hợp lý", ông Hồng nói.

Ông Trương Chí Thiện, tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết dù giá trứng được đơn vị giữ bình ổn, thậm chí tăng khuyến mãi nhiều tháng qua, nhưng việc tiêu thụ ở các doanh nghiệp thực phẩm lại có xu hướng giảm.

"Ngoài duy trì khuyến mãi, đơn vị chủ trương đa dạng mặt hàng chế biến, tăng lượng hàng chế biến ra Bắc... để kỳ vọng kéo sức mua dịp Tết".

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết hầu hết doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để đưa ra thị trường, tự tin trụ được hết mùa Tết, đặc biệt cao điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 20 ngày.

Theo bà Chi, ngoài sức mua tương đối chậm, năm nay nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng; gần như nguyên vật liệu sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, bún, mì, phở khô... đều tăng.

"Để kích thích sức mua thì nhiều đơn vị đưa ra mẫu mã mới đa dạng, cố gắng giữ vững giá cả. Trước lo ngại sức mua chậm, hầu hết doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá bán, trường hợp có tăng thì chỉ vài phần trăm", bà Chi khẳng định.

Siêu thị tăng nhân sự, cân đối thời gian bán hàng Tết

Theo đại diện Bách Hóa Xanh, những sản phẩm như bánh kẹo, bia, nước ngọt, sản phẩm tiêu dùng sẽ được đơn vị khuyến mãi lớn trong dịp Tết, và đây cũng là nhóm hàng được dự báo có mức tăng trưởng cao đặc biệt 2 tuần cận Tết.

Còn đối với các nhóm ngành hàng đồ khô dự đoán tăng trưởng nhẹ. Để chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết năm nay, đơn vị đã làm việc chặt chẽ với tất cả các đối tác từ sớm để chuẩn bị đầy đủ và đa dạng nhất.

"Xu thế tiêu dùng gần đây khách hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh thường mua định kỳ cho gia đình hằng tháng, không tích trữ nhiều trong dịp Tết như trước đây", đại diện Bách Hóa Xanh lý giải.

Bên cạnh đó Bách Hóa Xanh đã tăng hơn 6.000 nhân viên từ quý 3 để phục vụ khách và sẵn sàng cho đợt Tết, bán xuyên Tết ở những điểm khách hàng có nhu cầu.

Trong khi đó đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết nhu cầu hàng tươi sống thường sẽ giảm xuống sau Tết dương lịch và tăng trở lại và các ngày cận Tết nhằm đáp ứng nhu cầu tích trữ đồ ăn Tết, đặc biệt thịt, cá, trái cây, củ, trứng. Do đó đây là nhóm sản phẩm cần được tính toán kỹ.

"Mùa Tết luôn là thách thức đối với nhóm hàng tươi sống vì độ co giãn nhu cầu giữa các thời điểm khá lớn (thấp vào đầu tháng chạp, dồn vào cận Tết) nên cần phải tính toán kỹ lượng hàng hóa sao cho đáp ứng đúng - đủ nhu cầu từng giai đoạn. Việc các nhà cung cấp cam kết, đã sẵn sàng nên có thể nói nguồn cung không lo", vị này nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Saigon Co.op, cho biết dịp Tết này sẽ tập trung đẩy mạnh cung ứng hàng hóa giá thấp hơn ngày thường. Cụ thể, đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với nhà sản xuất cung cấp tăng 30 - 40% lượng hàng dự trữ, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi.

"Saigon Co.op sẽ chuẩn bị khoảng 10.000 tỉ đồng hàng Tết, tăng 20 - 50% tùy nhóm hàng so với tháng bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn như gạo, đường, dầu ăn, thịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản..., còn lại dành cho thực phẩm, phi thực phẩm, đặc sản Tết".

Đại diện Vissan cho hay các xưởng sản xuất, khu vực chế biến của công ty cũng đang khẩn trương hơn nhằm bảo đảm cung ứng ra thị trường gần 1.200 tấn thực phẩm tươi sống, gần 4.000 tấn thực phẩm chế biến cho hơn 120.000 điểm bán hàng chế biến trên cả nước.

Hàng hóa Tết: thị trường trầm lắng - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp tăng lượng sản xuất đặc sản vùng miền để phục vụ Tết - Ảnh: N.TRÍ

Doanh nghiệp lên kịch bản mùa Tết tiết kiệm

Thị trường Tết 2025 đang chứng kiến một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, nơi các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng với xu hướng tiêu dùng thông minh và thay đổi rõ rệt trong hành vi mua sắm của người Việt.

Theo dự báo từ các chuyên gia, sức mua dịp Tết tăng nhẹ 2 - 3% so với năm ngoái, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu và các sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

"Mùa Tết năm nay khách hàng chỉ mua khi có khuyến mãi và ưu tiên các sản phẩm có dung tích hay trọng lượng vừa phải để tiết kiệm chi phí" - bà Tuyết Mai, chủ tiệm tạp hóa ở quận 6 (TP.HCM), chia sẻ. Theo bà, tần suất các chương trình khuyến mãi năm qua đã tăng lên "chưa từng thấy", phản ánh nỗ lực kích cầu của các nhà sản xuất và phân phối.

Đón đầu xu hướng này, MM Mega Market đã triển khai chương trình ưu đãi lớn với mức giảm giá lên đến 12% cho các đơn hàng Tết sớm. Ông Hồ Thanh Tịnh, trưởng phòng kinh doanh toàn quốc của đơn vị này, cho biết: "Năm nay chúng tôi tăng mức dự trữ lên đến 40% đối với một số mặt hàng như nước ngọt, các sản phẩm từ hạt, bánh kẹo để đáp ứng nhu cầu thị trường".

Hệ thống Satra cũng không đứng ngoài cuộc đua này khi lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ từ 15 - 20% so với Tết năm ngoái. Đặc biệt, các mặt hàng bình ổn giá được dự trữ tăng từ 6 - 14%, trong khi nhóm thực phẩm tươi sống có mức tăng cao nhất do nhu cầu dịp Tết thường tăng đột biến.

Điểm đáng chú ý trong năm nay là sự bùng nổ của kênh mua sắm đa nền tảng. Tường An, với hơn 450.000 điểm bán lẻ truyền thống, đã mở rộng sang các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop. Ông Bùi Thanh Tùng, tổng giám đốc công ty, chia sẻ: "Chúng tôi tập trung vào các combo quà tặng đa dạng nhất từ trước đến nay, đồng thời đẩy mạnh hoạt động livestream trên TikTok Shop để tiếp cận người tiêu dùng trẻ".

Về phía các nhà sản xuất thực phẩm, Vissan đã chuẩn bị nguồn cung với gần 930 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5%) và 3.700 tấn thực phẩm chế biến (tăng 8%) so với năm ngoái. Ông Nguyễn Phúc Khoa, chủ tịch Vissan, khẳng định đã chuẩn bị nguyên liệu từ rất sớm để đảm bảo nguồn cung ổn định.

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ tăng trưởng 1 - 4% trong Tết 2025, trong đó khu vực nông thôn có triển vọng tích cực hơn so với đô thị. Với Tết rơi vào tháng 1, cao điểm mua sắm dự kiến sẽ bắt đầu sớm từ tháng 12, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hàng hóa Tết: thị trường trầm lắng - Ảnh 3.Hàng Tết: doanh nghiệp 'ngại' tăng giá

Doanh nghiệp bánh kẹo hồ hởi tuyển hàng trăm lao động với mục tiêu doanh số tăng hai chữ số trong mùa Tết năm nay. Trong khi đó, nhiều nhà bán lẻ lo sức mua không cao, tính tăng khuyến mãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp