05/02/2015 11:28 GMT+7

​Hàng dỏm núp bóng khuyến mãi

TRẦN VŨ NGHI - LÊ SƠN
TRẦN VŨ NGHI - LÊ SƠN

TT - Hàng loạt chương trình mượn danh khuyến mãi, giảm giá tung ra bán trong dịp tết để "chiêu dụ" người mua. Núp sau đó là các mặt hàng kém chất lượng, giả mạo...

Áo sơmi giả thương hiệu thời trang Việt Tiến được bán tại cửa hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ảnh: Lê Sơn

Hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá được các công ty, cửa hàng tung ra dịp cuối năm để thu hút người tiêu dùng, thế nhưng núp sau đó là các mặt hàng kém chất lượng, giả mạo...

Dù tỉnh táo, đề phòng nhưng không ít người tiêu dùng dính bẫy.

Mượn danh xả hàng, giảm giá

Sau khi mua chiếc áo sơmi Việt Tiến tại cửa hàng số 398 Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chị Thu Hồng đem tặng một người bạn. Thế nhưng điều khiến chị Hồng “quê độ” khi người bạn xác định chiếc áo sơmi này giả thương hiệu Việt Tiến.

Cẩn thận hàng trong giỏ quà

Thời gian gần đây liên tiếp những vụ việc khi mua phải hàng kém chất lượng, nhái, giả trong các chương trình giảm giá, khuyến mãi được người tiêu dùng bức xúc.

Đặc biệt, nhiều trường hợp chủ nhân của những chiếc giỏ quà gói sẵn đem biếu tặng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, mất uy tín khi trong giỏ quà là hàng nhái thương hiệu.

Riêng đối với mặt hàng quần áo, túi xách thời trang nhiều nơi treo biển giảm giá “sốc” 50-70% nhưng đa số hết hàng, hàng hóa còn lại chỉ giảm 15-30%.

Quan sát chiếc áo rất khó để nhận biết đây là hàng giả bởi trên túi áo, gấu tay áo đều thêu các ký hiệu V, viettien cách điệu khá đặc trưng của nhãn hàng.

“Khi mua tôi cũng hơi nghi ngờ vì chất lượng vải có vẻ mỏng. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng xác nhận đây là hàng chính hãng đang có chương trình giảm giá cuối năm, sản phẩm bán đồng giá 180.000 đồng/áo thì tôi không hoài nghi nữa” - chị Hồng bức xúc.

Tương tự, mới đây anh Huy cũng ấm ức khi mua phải chiếc mũ bảo hiểm dỏm tại hội chợ xuân mua sắm tết 2015 vừa kết thúc ngày 3-2 tại sân vận động Quân khu 7 (quận Tân Bình, TP.HCM).

Chiếc mũ bảo hiểm được tặng kèm khi mua sim điện thoại với giá 99.000 đồng. Trên chiếc mũ bảo hiểm dán đầy đủ ba tem nhãn gồm tem CR chứng nhận chất lượng, tem bảo hiểm và thông tin công ty sản xuất.

Tuy nhiên, khi xác minh lại không hề có Công ty Khang Thịnh tại địa chỉ tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân.

“Sim điện thoại mình đâu có thiếu, nhưng muốn có thêm chiếc mũ bảo hiểm cho bà xã. Thế nhưng điều bức xúc là nhân viên bán hàng tại đây liên tục khẳng định mũ đạt chuẩn, chất lượng cao” - anh Huy cho hay.

Ghi nhận trường hợp của chị Hồng, chiều 2-2 chúng tôi tìm đến cửa hàng thời trang tại số 398 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại đây ngoài biển hiệu thời trang nam cao cấp, cửa hàng còn treo biển hiệu chuyên kinh doanh sản phẩm Việt Tiến kèm chương trình giảm giá 180.000 đồng/chiếc. Ngay trước cửa hàng, gần 100 chiếc áo đủ kiểu dáng được đổ đống để khách hàng lựa chọn. Ðại diện cửa hàng cho biết chương trình giảm giá này được áp dụng đến hết tết.

Ngoài áo sơmi, tại đây còn giảm giá các loại quần còn 300.000 đồng/cái. Theo quan sát của chúng tôi, phía trong cửa hàng bày bán các loại áo sơmi, cà vạt mang thương hiệu Việt Tiến nhưng không giảm giá. Tương tự, tại cửa hàng “Thời trang Việt Tiến” số 340 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) cũng treo biển giảm giá tương tự.

Tại hai cửa hàng này, các loại áo mang nhãn hiệu “victtien”, “VT-VT Tiến” đều được đại diện cửa hàng khẳng định đây là áo của Việt Tiến đang áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Đau đầu chống hàng giả

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Kiên Nhẫn, phó phòng kinh doanh nội địa Tổng công ty CP may Việt Tiến, xác nhận sản phẩm áo sơmi của chị Hồng mua tại cửa hàng 398 Xô Viết Nghệ Tĩnh “không phải là sản phẩm của công ty chúng tôi”.

Theo ông Nhẫn, những nhãn mác như “vicitien”, “victtien”, “vietHen”, “v-tien” đều là hàng cố ý giả mạo thương hiệu của Việt Tiến, thường được các cửa hàng không thuộc hệ thống chính thống của công ty bày bán.

Dù đã phối hợp cùng cơ quan chức năng phát hiện được rất nhiều điểm bán trái phép, cũng như kinh doanh các sản phẩm có thể gây nhầm lẫn đến thương hiệu Việt Tiến, nhưng theo ông Nhẫn, tình trạng cố tình vi phạm các thương hiệu đã được Việt Tiến đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra.

Cũng lâm vào tình cảnh tương tự Việt Tiến, không ít sản phẩm của Công ty thời trang Việt (NinoMaxx) cũng bị nhái mẫu mã và logo. Theo đại diện NinoMaxx, một trong những đặc điểm nổi bật nhất khi so sánh giữa hàng nhái và hàng thật của công ty là “chất lượng hàng nhái rất tệ, vì hầu hết được may cẩu thả, sơ sài nên không khó phát hiện ra đâu là hàng thật”.

Tương tự các sản phẩm của Công ty thời trang T cũng rơi vào “tầm ngắm” dễ bị “nhái” mỗi khi tung ra sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm dệt kim và quần short.

“Mới tung ra năm mẫu sản phẩm áo mới là hai hôm sau đã thấy một số cửa hàng tư nhân treo bán y chang mẫu của công ty. Kiểu dáng bị lấy nhanh đến mức lúc đầu cũng sốc lắm, nhưng rồi bị hoài nên quen vì chẳng biết làm sao” - bà Q., giám đốc công ty, chia sẻ.

Theo bà Q., do công ty thường xuyên tung ra mẫu mới, “nên dù có quy định là phải đi đăng ký sở hữu trí tuệ, nhưng khi thấy người ta nhái hàng của mình cũng... không làm được gì, lại mất thời gian tới lui khiếu nại nên đành cho”.

Theo ông Võ Văn Kiên Nhẫn, ngoài việc hướng dẫn người tiêu dùng cách mua đúng sản phẩm chính hiệu của công ty, trên website www.viettien.com.vn của công ty còn cung cấp rất nhiều thông tin cụ thể về bảy sản phẩm đang bán trong toàn hệ thống Việt Tiến.

“Chúng tôi khẳng định gần 600 đại lý trên khắp cả nước, trong đó có khoảng 79 đại lý tại TP.HCM, đều bán hàng chính hãng của công ty. Người tiêu dùng tốt nhất nên đến các đại lý chính thức này để mua nhằm tránh tình trạng mua nhầm hàng giả mạo” - ông Nhẫn thông tin.

Tem áo sơmi Việt Tiến giả mạo - Ảnh: Lê Sơn
Tem áo sơmi Việt Tiến thật - Ảnh: T.V.N.

* Ông PHAN HOÀN KIẾM (chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM):

Xem kỹ sản phẩm trước khi mua

Hàng hóa gian lận dù tinh vi đến đâu cũng có những đặc điểm sai phạm, nếu chú ý người tiêu dùng có thể phân biệt để hạn chế tối đa việc mua nhầm.

Nhãn hàng hóa đặc biệt quan trọng khi là bước tiếp cận đầu tiên của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Nếu sản phẩm không đáp ứng các thông tin cơ bản như đơn vị sản xuất, nhập khẩu, thông tin chất lượng, hạn sử dụng... rõ ràng sản phẩm này không đáng tin cậy, được sản xuất bởi cơ sở không có uy tín, thậm chí trái phép.

Khi mua hàng, người tiêu dùng nên chọn những nơi uy tín, có giấy tờ pháp lý chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đặc biệt, việc quan trọng nhất khi mua hàng là ngoài xem kỹ sản phẩm, người tiêu dùng phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ sản phẩm.

Đây là cơ sở khiến người bán không dám lộng hành, qua mặt để cung ứng hàng dỏm, cũng là bằng chứng để cung cấp cho cơ quan chức năng, hội bảo vệ người tiêu dùng... khi xảy ra sự cố không mong muốn.

Tương tự, với các sản phẩm cận date được đem ra khuyến mãi, làm quà tặng kèm, người tiêu dùng cũng không nên ham mua. Mặc dù hiện chưa có quy định cụ thể đối với hàng cận date, tuy nhiên người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn sản phẩm trước khi hết hạn sử dụng từ sáu tháng trở lên (đặc biệt với hàng thực phẩm) để đảm bảo chất lượng.

LÊ SƠN

TRẦN VŨ NGHI - LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp