12/11/2017 18:48 GMT+7

Hàng cứu trợ báo Tuổi Trẻ tới vùng lũ Phước Sơn

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ngày 12-11, chuyến xe chở 200 suất quà gồm gạo, cá khô, nước mắm... của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến với người dân vùng ảnh hưởng nặng trong trận bão số 12 vừa qua tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.


Hàng cứu trợ báo Tuổi Trẻ tới vùng lũ Phước Sơn - Ảnh 1.

Người dân xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) đang sống nơm nớp bên miệng sông Trường sau cơn bão số 12 đi qua. Ảnh: Trương Công Sương

Huyện Phước Sơn cách trung tâm TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam 150km. Trong bão số 12, huyện này đã có 7 người chết do các vụ lở núi ở các xã Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Công. 

Nhiều ngày sau cơn lũ dữ đi qua, người dân ở đây đang ở trong những ngày khó khăn khi nhiều hộ bị sông lở phải sống bên miệng tử thần, nhiều hộ nhà bị sập. 

Đau xót hơn, một người bị vùi trong lũ từ ngày 5-11 nhưng mãi tới chiều hôm qua (11-11), khi thi thể đã thối rữa thì người thân, làng xóm mới tìm được bên mép một con sông cách vị trí gặp nạn gần 10km.

Sống sót thần kỳ

Ông Hồ Văn Tin, phó chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cho biết trong lũ, riêng xã ông đã có ba người bị "núi đè". Con số người tử nạn đã có thể lên tới gần chục người nếu không có sự may mắn trong một vài khoảnh khắc. 

Ngồi bần thần trước sân UBND xã Phước Hiệp sáng 12-11, chị Hồ Thị Nhi, người phụ nữ Giẻ Triêng vừa mất chồng và cũng là nhân chứng sống sót trong vụ lở núi lúc 16h chiều 5-11, kể trước khi bão vào hai tuần, cả gia đình chị gồm hai vợ chồng, một con nhỏ 8 tháng cùng bố mẹ chồng lên rẫy để thu hoạch lúa. Ở trên rẫy không có tin tức nên bão vào mà không một ai hay biết. 

16h chiều 5-11, khi cả nhà đang chuẩn bị nấu cơm chiều trên túp chòi rẫy ở cách nhà khoảng 7km thì ngọn núi nơi cả nhà trồng lúa bất ngờ sụp đổ xuống.

Hàng cứu trợ báo Tuổi Trẻ tới vùng lũ Phước Sơn - Ảnh 2.

Hàng cứu trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến tay người dân xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn sáng 12-11 - Ảnh: B.D.

"Chồng tôi bị vùi sâu quá nên chết ngạt, mãi rất lâu sau đó mới moi lên được. Tôi, con gái 8 tháng tuổi và bố mẹ chồng tôi cùng ở trong chòi rẫy lúc đó cũng bị đất đá vùi. Nhưng do có tấm bạt nên đất đá không chảy vào mắt, mũi, chúng tôi có một khoảng trống nhỏ dưới lòng đất để cầm cự". 

"Tới một lúc sau thì được cậu Thành - một người làm rẫy cũng dựng chòi ngay phía dưới chòi rẫy của tôi một đoạn nhưng đất không sập tới - chạy tới moi đất đưa mọi người nên để chạy về làng" - chị Nhi kể.

Nhiều ngày sau khi chồng chết, chị Nhi phải trải qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, người phụ nữ Giẻ Triêng vừa qua tuổi 18, mới lấy chồng 1 năm nay phải tự mình nuôi cha mẹ già và con nhỏ 8 tháng.

Hàng cứu trợ báo Tuổi Trẻ tới vùng lũ Phước Sơn - Ảnh 3.

Chị Hồ Thị Nhi (18 tuổi) - nạn nhân sống sót trong vụ lở núi chiều 5-11 nhưng tai họa cũng đã lấy đi người chồng của Nhi là anh Hồ Văn Đức - Ảnh: B.D.

Trong vụ lở núi vùi chết chồng của Nhi còn có một gia đình khác chòi rẫy nằm cách chòi gia đình Nhi vài mét. Nguyễn Thị Vy - có cả bố và mẹ vừa mất trong vụ lở núi nói trên - cho biết cả nhà có 6 anh chị em. 

Thời điểm lở núi, bố Vy cùng mẹ là Lê Thị Thu ở trên chòi rẫy để cắt lúa nhiều tuần trước. Khi núi đổ sập, bố mẹ Vy không chịu tháo chạy nên bị đất đá vùi. Mấy ngày sau mới đưa được thi thể lên.

Một tuần ròng rã đi tìm thi thể chồng

Tại xã Phước Hòa, nhiều ngày đi qua nhưng dư âm của những vụ lở núi vẫn ám ảnh người dân với số nửa bà con là đồng bào Giẻ Triêng nơi đây. Bà Lê Thị Sen - phó chủ tịch UBND xã Phước Hòa - cho biết đã có tổng cộng 4 người bị lũ vùi tại xã, trong đó hai người dân ở xã khác qua Phước Hòa làm rẫy, thấy lũ lớn nên tháo chạy về nhà nhưng trên đường về núi sạt xuống vùi lấp.  

Hàng cứu trợ báo Tuổi Trẻ tới vùng lũ Phước Sơn - Ảnh 4.

Hàng cứu trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ được trao tận tay 100 hộ dân xã Phước Hoà chiều 12-11. Ảnh: B.D

Theo bà Sen, trưa 5-11, sau nhiều ngày có mưa lớn thì các ngọn núi bao quanh xã Phước Hòa "no" nước và có nguy cơ đổ sập. Hai người dân ở xã Phước Công có rẫy ở xã Phước Hòa nhiều ngày qua đây thu hoạch lúa, thấy nước lớn quá nên hai người này bỏ chạy trên tuyến quốc lộ 14E để về gia đình mình. 

Khi tới đoạn đường giáp khu vực nhận nước của công trình thủy điện thì đất đá sạt lở khiến hai người này bị mắc kẹt. 

Thấy vậy ông Lương Văn Sơn và Hồ Văn Chước cùng một người dân khác ở Phước Hòa đã khẩn cấp chạy tới giúp đưa hai người mắc kẹt đi qua sinh lầy. 

Ngọn núi bên cạnh đường bất ngờ đổ sập vùi chết tại chỗ 4 người, một người chạy thoát được.

Hàng cứu trợ báo Tuổi Trẻ tới vùng lũ Phước Sơn - Ảnh 5.

Phó chủ tịch UBND xã Phước Hòa bà Lê Thị Sen trao hàng cứu trợ của bạn đọc Tuổi Trẻ cho người dân. Ảnh: B.D.

Trong số các nạn nhân bị vùi, thi thể của ông Lương Văn Sơn mãi tới chiều 11-11 mới tìm thấy ở mép sông cách nơi gặp nạn 10km. Bà Hồ Thị Hạnh, vợ ông Sơn khuôn mặt hốc hác, thất thần nói không thành tiếng khi tiếp xúc với cán bộ xã trưa 12-11 tại trụ sở UBND xã Phước Hòa. 

"Mình buồn lắm, hai vợ chồng có hai đứa con mà giờ chồng mình chết mất rồi mình không biết sống làm sao. Cả tuần nay cả mình, bà con trong làng đi tìm ròng rã mới thấy xác chồng nằm nổi trên mép sông chiều hôm qua" - bà Hạnh nói.     

200 suất quà cho dân vùng lũ

Chia sẻ với khó khăn, mất mát của người dân Phước Sơn, đại diện báo Tuổi Trẻ đã trao tận tay 200 hộ có thiệt hại trong cơn bão số 12 vừa qua 200 suất quà gồm gạo, tiền mặt, cá khô và nước mắm. Những món quà nhỏ này được người dân đón nhận trong nỗi cảm kích.

Lãnh đạo các xã Phước Hòa, Phước Hiệp cho biết do địa hình cách quá xa trung tâm tỉnh Quảng Nam nên những ngày vừa qua người dân cũng đang thiếu thốn nhiều thứ, cần sự chung tay của cả cộng đồng để ổn định lại cuộc sống.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp