Chiều 15-3, UBND TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM họp sơ kết một năm thực hiện chương trình hợp tác giai đoạn 2022 - 2025.
Trong buổi làm việc này, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định trong quý 2-2023 các bên liên quan hoàn thiện cơ chế để đưa vào vận hành chính sách tín dụng dành cho sinh viên ngay trong năm nay. Hàng chục ngàn sinh viên học tại TP.HCM sẽ được vay vốn học tập.
Trước đó, mở đầu buổi làm việc, ông Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - kiến nghị một số vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa đại học này và UBND TP.HCM. Các vấn đề về chuyển đổi số trong đại học, đổi mới sáng tạo, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo cho thành phố... để tăng cường hơn nữa sự đóng góp của đại học này cho sự phát triển chung của thành phố.
Đối với chính sách tín dụng, ông Quân cho biết Đại học Quốc gia TP.HCM đã dự thảo nhiều phiên bản và nhận được ý kiến từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì là chính sách quan trọng nên trong năm 2023 đề nghị tổ chức các buổi trao đổi với các ngân hàng thương mại để thực hiện chính sách này.
Bên cạnh đó, đại học này cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí để duy tu bảo dưỡng ký túc xá sau khi trưng dụng làm nơi cách ly thời điểm dịch COVID-19 khiến cơ sở vật chất xuống cấp.
Ghi nhận các đề xuất này, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố trong tháng 4 cần hoàn thành các thủ tục trả chi phí để Đại học Quốc gia TP.HCM đầu tư sửa chữa ký túc xá.
Về chính sách tín dụng sinh viên, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết chính sách sẽ được xây dựng lớn hơn, quy mô hơn. Các sinh viên học tại TP.HCM có nhu cầu vay vốn tín dụng, trả sau khi có việc làm thì các trường đại học xác nhận nhu cầu và bảo lãnh vay.
Cơ sở bảo lãnh là các trường thành lập quỹ để trả trong các trường hợp không thu hồi vốn được và hỗ trợ lãi suất vay (khoảng 50% lãi vay của Ngân hàng Chính sách xã hội). Như vậy, quỹ này dùng để bù rủi ro và hỗ trợ lãi suất khi cần. Quỹ này do các trường tổ chức vận động.
Có tiền nhưng trường chưa thể xây
Cũng trong buổi làm việc này, ông Vũ Hải Quân kiến nghị TP Thủ Đức ưu tiên thu hồi, giải phóng mặt bằng các vị trí đại học này đã đề xuất, kinh phí khoảng 140 tỉ đồng.
Theo ông Quân, việc xây dựng phát triển của Đại học Quốc gia TP.HCM gặp nhiều trở ngại vì vướng mặt bằng. Một số đơn vị thành viên như Trường đại học Công nghệ thông tin, Trường đại học Kinh tế - Luật và một số địa điểm khác đã có quy hoạch và kinh phí để xây dựng nhưng chưa thể xây dựng do chưa giải phóng được mặt bằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận