Mở đầu chuỗi hoạt động mở rộng mạng bay quốc tế và nội địa, Hãng Vietjet của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khai trương loạt tuyến mới từ Đà Nẵng đến Đà Lạt, Phú Quốc và Cần Thơ đến Đà Lạt từ ngày 7-11.
Đặc biệt, đường bay Daegu - Cam Ranh của Vietjet mới được khai trương vào cuối tháng 10 đã tạo thêm cơ hội thu hút lượng khách lớn từ Hàn Quốc - thị trường quan trọng ngành du lịch Việt Nam.
Hàn Quốc hiện dẫn đầu về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Những đường bay mới này là "cầu nối" quan trọng giúp đáp ứng nhu cầu, thu hút lượng lớn du khách quốc tế đến các điểm du lịch trọng điểm như Nha Trang và Cam Ranh.
Những chặng bay này không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển nội địa tăng cao mà còn đặt nền tảng cho việc phát triển các hành trình quốc tế mở rộng trong thời gian tới.
Vietnam Airlines cũng nhanh chóng tham gia cuộc đua với đường bay thẳng từ Hà Nội đến Phnom Penh, chính thức ra mắt ngày 27-10.
Với 4 chuyến mỗi tuần, Vietnam Airlines tiếp tục tăng cường kết nối giữa Việt Nam và Campuchia, trong khi mở rộng tầm ảnh hưởng tới thị trường Đông Dương với các tuyến bay xuyên Đông Dương kết nối Hà Nội, TP.HCM với Phnom Penh, Siem Reap và Vientiane.
Trong khi đó Bamboo Airways, sau một năm dừng bay quốc tế để tái cơ cấu, cũng thông báo nối lại đường bay từ TP.HCM đến Bangkok từ ngày 26-11.
CEO Bamboo Airways - ông Lương Hoài Nam khẳng định đây là bước đi đầu tiên thể hiện sự phục hồi tích cực của hãng. Trước đây, Bamboo đã có mạng bay quốc tế rộng khắp Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu và Úc, nhưng đã phải thu hẹp quy mô do khó khăn tài chính và chi phí nhiên liệu tăng cao.
Sự trở lại của Bamboo Airways là tín hiệu tích cực, khi hãng dự kiến bổ sung thêm hai máy bay trong dịp cuối năm để tăng cường tần suất chuyến bay và phục vụ nhu cầu di chuyển mùa cao điểm.
Khách quốc tế trở lại, hàng phở, phòng chờ... trong sân bay lãi đậm
Các hãng bay ồ ạt mở đường bay quốc tế, doanh nghiệp dịch vụ trong sân bay như Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch, lãi đậm.
Công ty này kinh doanh đa ngành, trong đó nổi bật là bán phở, thức ăn nhanh, phòng chờ thương gia, hàng miễn thuế... ở sân bay. Sasco cũng đầu tư vào các khu nghỉ dưỡngnhư L'Azure Resort & Spa ở Phú Quốc và các sản phẩm truyền thống Việt Nam.
Quý 3-2024, Sasco ghi nhận doanh thu đạt 782 tỉ đồng và lợi nhuận gộp 498 tỉ đồng - những con số kỷ lục trong một quý của công ty.
Với biên lợi nhuận gộp lên tới gần 64%, Sasco đang ghi nhận hiệu quả kinh doanh rất cao, thu về 20 đồng thì lãi gộp gần 13 đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của Sasco trong quý 3 đạt 216 tỉ đồng và lãi ròng sau thuế là 181 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu hơn 2.117 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 294 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 22% so với cùng kỳ năm trước.
"Ông trùm" kinh doanh ở sân bay như Sasco tập trung vào chiến lược cung cấp dịch vụ cao cấp cho nhóm khách hàng thượng lưu tại các sân bay lớn của Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận