09/04/2015 09:50 GMT+7

​Hàn Quốc quyết liệt trị tham nhũng

N.QUÂN
N.QUÂN

TT - Vào tháng 10-2016, luật mới chống tham nhũng tại Hàn Quốc sẽ có hiệu lực và được cho là đạo luật đặc biệt khắt khe.

Nhân viên tình nguyện của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Hàn Quốc (trái) xuống đường hỏi người dân về cảm nhận đối với tham nhũng - Ảnh: TI Korea
Chúng tôi đã bỏ phiếu nhanh cho dự luật vì nó có tầm ảnh hưởng mang tính biểu tượng và cũng vì áp lực của dư luận quá lớn 
Nghị sĩ Kim Moo Sung (chủ tịch phe đa số thuộc đảng Saenuri)

Theo Yonhap, hôm 7-4, lực lượng quân cảnh và các công tố viên đã có cuộc gặp lần đầu tiên để tìm mọi cách nhổ tận gốc nạn tham nhũng và tội phạm tình dục trong lực lượng quân đội.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết khoảng 150 quan chức cấp cao trong các cơ quan thực thi pháp luật quân sự thuộc Bộ Quốc phòng đã “thảo luận về cách làm thế nào thiết lập một cơ chế hợp tác để diệt trừ tham nhũng trong ngành công nghiệp quốc phòng”.

Cuộc họp đầu tiên của loại hình này được tổ chức cấp tốc sau một loạt sự cố liên quan đến tham nhũng trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Đồ dỏm khiến dân mất mạng

Theo The Korea Herald hôm 24-3, cựu đô đốc hải quân Hwang Ki Chul đã bị kết tội sử dụng ảnh hưởng để tạo lợi thế cho Công ty Mỹ Wesmar trong gói thầu cung cấp máy dò sonar cho tàu cứu hộ Tongyeong. Tàu cứu hộ 3.500 tấn này là tàu đầu tiên được đóng tại Hàn Quốc với ngân sách lên đến 142 triệu USD.

Đô đốc Hwang giữ vai trò chỉ huy chiến dịch hải quân trong giai đoạn 2013-2015. Vào năm 2009, ông ta phụ trách dự án trên tại Cơ quan mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc (DAPA).

Các công tố viên cho rằng phía nhà cung cấp thiết bị đã hối lộ cho các quan chức tại DAPA để được chỉnh sửa hồ sơ có lợi cho việc thắng thầu.

Đô đốc Hwang bị cáo buộc đã cố tình bỏ qua những bất thường trong hồ sơ đánh giá nhà thầu. Kết quả là tàu Tongyeong đã bị trễ tiến độ giao cho bên hải quân vì chất lượng một số thiết bị bị đánh giá là kém.

Do đó nó đã không kịp tham gia chiến dịch cứu hộ phà Sewol bị chìm hồi tháng 4-2014 làm thiệt mạng hơn 300 người. Vì thế dư luận Hàn Quốc càng giận dữ với đô đốc Hwang.

Theo báo The Korea Herald, đây chỉ là vụ việc mới nhất trong những bê bối của hải quân Hàn Quốc. Hồi tháng 1 vừa qua, Chung Ok Geun, cựu lãnh đạo của hải quân Hàn Quốc (giai đoạn 2008-2010), đã bị bắt vì làm trung gian cho một công ty do con trai ông ta đứng tên để thu lợi hàng trăm triệu won trong khuôn khổ hợp đồng mua tàu tuần tra cao tốc và các bộ động cơ cho tàu tuần duyên của tổ hợp công nghiệp STX Engine.

Dân chúng ủng hộ

Theo báo The Korea Economic Daily, thăm dò của RealMeter đối với dân chúng Hàn Quốc sau khi luật chống tham nhũng mới được quốc hội thông qua cho thấy 64% người được hỏi ủng hộ luật này.

Thậm chí có đến 70% số người được hỏi cho rằng việc các giáo viên và nhà báo cũng nằm trong danh sách đối tượng bị luật chiếu cố cũng là điều tốt.

Bên tư pháp cũng không phải trong sạch. Một thẩm phán tại Hàn Quốc đang nằm trong vụ xét xử vì đã nhận hàng trăm ngàn USD, một công tố viên cũng ra tòa ở vị trí bị cáo vì nhận quà là... một chiếc Mercedes.

Trong giới kinh doanh thì phải kể đến việc Lee Kun Hee, còn gọi là “chủ tịch” Lee, ông chủ của Hãng Samsung, từng bị kết án 3 năm tù treo (hồi năm 2008) vì hối lộ cho các thẩm phán và chính trị gia.

Ngài chủ tịch được tổng thống Lee Myung Bak (2008-2013) ân xá sau đó. Nhưng nhiều thành viên chính quyền tổng thống Lee cùng gia đình ông cũng từng bị tố cáo tham nhũng. 

Luật kiên quyết

Lâu nay ở Hàn Quốc, chuyện nhận quà, nhận lời mời đi đánh golf cuối tuần... của giới quan chức cấp cao, tướng lĩnh, thẩm phán và thậm chí giới nhà giáo là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Nhưng quốc hội nước này thông qua luật chống tham nhũng mới hôm 3-3. Luật này, còn được gọi là “Luật Kim Young Ran” dựa theo tên của bà cựu chủ tịch ủy ban chống tham nhũng của Hàn Quốc, quy định hình phạt nghiêm khắc hơn với các hành vi tham nhũng của các đối tượng là công chức, nhà báo và giảng viên các trường tư nhân.

Đạo luật cũng đã được Tổng thống Park Geun Hye đặt bút ký vào ngày 26-3 để có hiệu lực vào tháng 10 năm tới.

Theo đó, các đối tượng bị kết tội có thể bị phạt tối đa đến 3 năm tù giam hoặc 5 lần giá trị số tiền hoặc tài sản mà họ đã nhận nếu số tiền hoặc giá trị tài sản tham nhũng trên 1 triệu won (tương đương khoảng 908 USD), bất kể hành vi đó là để đổi lấy ưu đãi hoặc liên quan đến công việc mà họ đang đảm nhiệm.

Đối với việc nhận quà tặng “liên quan đến công việc” có giá trị từ 1 triệu won trở xuống, mức hình phạt tối đa sẽ là 5 lần giá trị món quà đó.

Trước đây, các doanh nhân, chính trị gia và các quan chức cấp cao tại Hàn Quốc thường tổ chức các bữa ăn tối xa hoa, gửi các bộ quà tặng trong các dịp lễ, tặng tiền mừng đám cưới và tiền phúng điếu đám tang nên thường rất khó để xác định đâu là tiền hối lộ và đâu là tiền được dùng như một phần phép xã giao.

Tuy nhiên, luật mới sẽ xử phạt tất cả những ai có nhận quà tặng đắt tiền mà không cần có bằng chứng về hành vi ăn hối lộ.

Theo trang KBS của Hàn Quốc, chính quyền Seoul hôm 19-3 đã triệu tập cuộc họp quan chức cấp thứ trưởng của các cơ quan hữu quan như Viện Kiểm sát, Cảnh sát, Cơ quan giám sát tài chính và nhất trí nhiệm vụ hàng đầu là bài trừ nạn tham nhũng trong ba lĩnh vực lớn là khu vực công, dân sinh và kinh tế - tài chính.

Tại cuộc họp, đại diện Viện Kiểm sát cho biết sẽ điều tra quỹ đen bất hợp pháp của các doanh nghiệp, tham nhũng trong công nghiệp quốc phòng và khai thác tài nguyên ở nước ngoài, trong đất đai của các doanh nghiệp công tại địa phương, biển thủ gây thất thoát ngân sách quốc gia và tham nhũng trong các dự án công.

Về phần mình, Cơ quan thuế quốc gia cho biết sẽ tập trung vào chống các vấn nạn như rò rỉ vốn doanh nghiệp, nạn trốn thuế, việc trao quyền thừa kế hay biếu tặng tài sản.

N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp