05/05/2018 22:28 GMT+7

Hàn Quốc nỗ lực chặn các hoạt động chống phá Triều Tiên

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Cảnh sát Hàn Quốc ngày 5-5 đã ngăn chặn một vụ rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng của một nhóm người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử.

Hàn Quốc nỗ lực chặn các hoạt động chống phá Triều Tiên - Ảnh 1.

Một nhóm dân sự Hàn Quốc dự định rải truyền đơn chống Triều Tiên bằng bóng bay đã bị cảnh sát Hàn Quốc ngăn chặn ngày 5-5. Trong ảnh: lãnh đạo của nhóm này phát biểu trước khi bị cảnh sát giải tán - Ảnh: REUTERS

Vài ngày sau khi cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều kết thúc, Lee Min Bok, một người Triều Tiên đào tẩu, nhận được một cuộc gọi đặc biệt từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Lee, người đã tiến hành các chiến dịch rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng bằng bóng bay trong suốt 15 năm, được yêu cầu nên ngừng lại việc này càng sớm càng tốt.

Chính quyền Seoul đang cố gắng dập tắt các hoạt động có thể gây tổn hại tới tinh thần được nêu trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm - kết quả của cuộc gặp ngày 27-4 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Hai nước đã thống nhất sẽ chấm dứt các hoạt động thù địch dọc theo biên giới, bao gồm việc rải truyền đơn và vận hành các hệ thống loa tuyên truyền, bắt đầu từ ngày 1-5. Cả Seoul và Bình Nhưỡng đều đã tháo dỡ các hệ thống loa công suất lớn.

Hàn Quốc, mặc dù vậy, vẫn đau đầu ngăn chặn các vụ rải truyền đơn do các nhóm dân sự của nước này và những người đào tẩu Triều Tiên tiến hành. 

Những người như Lee luôn có cách biện hộ cho hành động chống lại chính nơi "chôn nhau cắt rốn" của ông ta. Lee, người tự nhận đã "thay đổi suy nghĩ" kể từ khi lượm được một truyền đơn ở Triều Tiên năm 1990, đã gửi hơn 300 triệu tờ rơi mà ông gọi là "khai sáng cho đồng bào" kể từ năm 2003.

Tôi còn nhớ đã nhặt được một tờ rơi ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành của Triều Tiên khi còn học tiểu học. Chúng tôi hay tìm nhặt chúng để đổi lấy bút chì từ cảnh sát.

Kim Chang Hwan, một biên tập viên 35 tuổi sống ở Seoul nhớ lại.

Những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc ném các chai nhựa chứa gạo, tiền và các tài liệu chỉ trích chính quyền Bình Nhưỡng về phía Triều Tiên - Video: AFP

Cứng rắn hay mềm dẻo?

Trong mắt chính quyền Seoul, những người như Lee đã trở thành rắc rối lớn. Họ cảm thấy bối rối và khó xử.

Theo lời của Lee, trong cuộc gọi thuyết phục ông ta ngừng rải truyền đơn chống Triều Tiên, quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã hứa hẹn Seoul sẽ hỗ trợ nhóm của Lee nếu ông quyết định chuyển sang các hoạt động khác để cải thiện quyền con người ở Triều Tiên.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc không bình luận về những gì Lee nói, theo hãng tin Reuters. Tuy nhiên, hôm 4-5, cơ quan này đã kêu gọi các nhà hoạt động ngừng ngay chiến dịch rải truyền đơn khắp khu vực biên giới, đồng thời cam kết có những biện pháp cứng rắn nhằm đẩy lùi chiến dịch này.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, việc rải truyền đơn là hành động "vi phạm rõ ràng" tinh thần của Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên được thông qua tại thượng đỉnh liên Triều vừa qua. 

Cơ quan này bày tỏ mong muốn các nhóm dân sự ngừng ngay chiến dịch này nhằm giúp kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và xoa dịu những căng thẳng quân sự, nhấn mạnh hành động trên chỉ làm leo thang căng thẳng dọc biên giới và được coi là nguồn cơn của xung đột.

Hàn Quốc nỗ lực chặn các hoạt động chống phá Triều Tiên - Ảnh 4.

Một nhà hoạt động cấp tiến phản đối hành động rải truyền đơn chống Triều Tiên ngày 5-5 ở Paju bị cảnh sát áp tải ra ngoài - Ảnh: REUTERS

Có vẻ như những lời kêu gọi đó không lọt vào tai những người chủ xướng chống Triều Tiên, buộc nhà chức trách Hàn Quốc phải cứng rắn.

Ngày 5-5, khoảng 300 cảnh sát Hàn Quốc đã được triển khai tại một công viên ở thành phố Paju gần biên giới liên Triều, nơi khoảng 20 nhà hoạt động được dẫn đầu bởi Park Sang Haak, trong đó có cả những người Triều Tiên đào tẩu, tụ họp để rải truyền đơn bằng bóng bay. 

Nhóm này đã chuẩn bị hơn 150.000 truyền đơn, 1.000 tờ tiền trị giá 1 USD và 500 tập tài liệu có nội dung chỉ trích nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Cảnh sát cũng chặn một xe tải mang theo 5.000 truyền đơn, nhiều bóng bay và bình khí bơm bóng, ngăn các nhà hoạt động bốc dỡ chúng.

"Tôi đã đánh cược cả mạng sống khi vượt biên sang đây. Các người không thể ngăn cản được tôi đâu", một người đào tẩu Triều Tiên tham gia nhóm rải truyền đơn ngày 5-5 hét lên. 

Khoảng 150 người dân Paju và các nhóm cấp tiến đã tham gia biểu tình phản đối hành động của nhóm ông Park, thậm chí giật mic của ông này khi ông ta đang thao thao bất tuyệt.

Hàn Quốc nỗ lực chặn các hoạt động chống phá Triều Tiên - Ảnh 5.

Cảnh sát bao vây và chặn đứng chiếc xe tải chở các truyền đơn, bóng bay và bình khí bơm bóng ở Paju ngày 5-5 - Ảnh: REUTERS

Cả chính quyền Triều Tiên và Hàn Quốc đều tiến hành các hoạt động rải truyền đơn tuyên truyền qua khu vực biên giới.

Quân đội Hàn Quốc chấm dứt chiến dịch tuyên truyền chống phá Triều Tiên bằng truyền đơn vào năm 2010.

Tuy nhiên, chính quyền Seoul không thể ngăn chặn hoạt động chống Triều Tiên của các nhóm dân sự. Các nhóm này luôn lấy quyền tự do ngôn luận được đảm bảo bởi hiến pháp làm cơ sở để chống lại chính quyền Hàn Quốc khi bị ngăn cản.

Biên giới Trung - Triều nhộn nhịp đón cơ hội ‘vàng’ từ Triều Tiên Đài CNN: ông Trump sẽ gặp Kim Jong Un ở Bàn Môn Điếm, bên phần đất Triều Tiên Triều Tiên cũng bắt đầu tháo dỡ loa phóng thanh ở biên giới
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp