Phóng to |
Trên tay học sinh Hàn Quốc lúc nào cũng có điện thoại di động - Ảnh: AP |
Em Park Jung In, 11 tuổi, luôn ôm khư khư chiếc điện thoại Android của mình khi ngủ. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của cô bé là xem tin nhắn của bạn bè. Suốt cả ngày, dù ở trường, trên đường về nhà hay thậm chí trong nhà vệ sinh thì cô bé cũng không rời điện thoại.
"Ở vùng nào mà không có WiFi là cháu thấy khó chịu lắm" - bé Park nói với AP.
Tỉ lệ sở hữu smartphone cao
Theo Công ty nghiên cứu thị trường eMarket, đến 70% trong nền dân số 50 triệu người của Hàn Quốc sở hữu smartphone - tỉ lệ cao nhất thế giới. Điều này khiến các bậc phụ huynh lo lắng về tác động của công nghệ đến các con.
“Nhiều bà mẹ trẻ ngày nay để con chơi smartphone nhằm có thêm sự “yên bình” khi ở nhà. Tôi cho rằng điều này rất nguy hiểm. Độ tuổi sử dụng càng nhỏ càng dễ bị nghiện” - nhà tâm lý học Lee Jung Hun tại Catholic University of Daegu nói với AFP.
AFP dẫn số liệu Chính phủ Hàn Quốc cho biết hơn 80% thiếu niên nước này trong độ tuổi 12-19 sở hữu smartphone trong năm 2012, gấp đôi số liệu năm 2011. Gần 40% các em tốn hơn 3 giờ/ngày để lên mạng chat hoặc chơi điện tử dù giáo viên đã tạm giữ điện thoại của các em vào đầu ngày và chỉ trả về khi tan học.
Ông Kwon Jang Hee, từng là một nhà giáo và hiện đang điều hành một tổ chức dân sự vận động chống nghiện công nghệ, cho biết: “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi lúc này là smartphone. Vì phụ huynh có thể lơ là trong việc kiểm soát sử dụng điện thoại của trẻ hơn là máy tính”.
Một khảo sát khác của chính phủ ước tính gần 20% thiếu niên Hàn Quốc “nghiện” smartphone, căn cứ vào các tiêu chí như thời gian sử dụng; cảm thấy vui vẻ hơn khi chơi smartphone là với người nhà; bức bối, lo âu khi bị cấm sử dụng điện thoại…
Phát biểu tại một lớp học của các em khoảng 10 tuổi, nhà hoạt động xã hội Kim Nam Hee cảnh báo các em đang có nguy cơ trở thành “nô lệ vô hồn” vì cứ mê mẩn những món đồ công nghệ của mình.
Xã hội vào cuộc
Hàn Quốc là chính phủ đầu tiên trên thế giới áp dụng những biện pháp quyết liệt đối với chứng nghiện công nghệ.
“Chúng tôi cho rằng phải nhanh chóng giải quyết sự nguy hiểm của chứng nghiện lên mạng ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh các thiết bị điện tử thông minh ngày càng phổ biến” - AFP dẫn thông báo của Bộ Khoa học Hàn Quốc khi công bố một chính sách liên kết với các bộ Giáo dục và Y tế.
Chính sách này đặc biệt nhắm vào học sinh tiểu học hoặc học sinh mẫu giáo. Theo đó, các trường học phải tổ chức những lớp học đặc biệt về hội chứng nghiện Internet, tổ chức nhiều trại hè để giúp học sinh xa lánh công nghệ.
Giáo viên mẫu giáo Kim Jun Hee cho rằng điện thoại thông minh ngày nay như món đồ chơi mới với các em, do vậy việc chứng minh tác hại và hướng dẫn "cai nghiện" cần bắt đầu sớm.
Bản thân cô Kim cũng áp dụng vào lớp học dành cho các bé 3 tuổi của mình, cả phụ huynh cũng phải tham gia. Một tấm thẻ cam kết mà bé gái tại lớp cô đã viết: "Con hứa sẽ chỉ chơi Nitendo 30 phút mỗi ngày. Cha cũng hứa sẽ bớt chơi game trên điện thoại và chơi với con nhiều hơn".
Phát biểu trước các em học sinh 10 tuổi, cô Kim Nam Hee - thành viên nhóm hoạt động của ông Kwon - cảnh báo các em có thể trở thành “người thua cuộc” so với thế giới. “Nếu các em sử dụng những điện thoại như iPhone quá nhiều mà không chịu động não thì sẽ mất dần khả năng tư duy để tạo nên những thứ tuyệt vời và đột phá như iPhone”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận