Một trung tâm thương mại ở thủ đô Seoul đã vắng khách hẳn trong mùa dịch - Ảnh: REUTERS
Ngày 16-4, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã công bố ngân sách bổ sung thứ hai trị giá 7.600 tỉ won (6,3 tỉ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình ở nước này vượt qua những khó khăn kinh tế do tác động của dịch COVID-19.
Theo Hãng tin Yonhap, Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết cùng với ngân sách từ các chính quyền địa phương, Chính phủ nước này sẽ chi tổng cộng 9.700 tỉ won cho gói cứu trợ một lần dành cho 14,78 triệu hộ gia đình, chiếm khoảng 50% số hộ gia đình trên toàn quốc.
Theo đó, mỗi hộ gia đình có từ 4 người trở lên thuộc nhóm 70% có thu nhập thấp sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp 1 triệu won (19,2 triệu đồng VN) quy đổi ra bằng phiếu mua hàng và phiếu quà tặng. Mức trợ cấp dành cho các hộ gia đình có 1 người, 2 người và 3 người trong nhóm này lần lượt là 400.000 won, 600.000 won và 800.000 won.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Hong Nam Ki cho biết gói cứu trợ khẩn cấp mới sẽ giúp người dân Hàn Quốc vượt qua các tác động về kinh tế do dịch COVID-19 cũng như thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.
Ông nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ triển khai tất cả các biện pháp có thể cho đến khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh kết thúc để giảm thiểu các tác động đối với các doanh nghiệp và thị trường việc làm.
Chợ hải sản ở thủ đô Seoul cũng lác đác người mua - Ảnh: REUTERS
Tháng trước, Quốc hội Hàn Quốc đã phê chuẩn gói ngân sách bổ sung 11.700 tỉ won (9,8 tỉ USD) nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ nền kinh tế.
Đây là gói ngân sách bổ sung để ứng phó dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc, vượt gói ngân sách bổ sung ứng phó dịch Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2015.
Hôm 13-4, Viện nghiên cứu quản lý tài chính Hana đã công bố báo cáo "Tác động của đại dịch COVID-19 đến xu hướng các ngành trên toàn cầu", dự đoán các hoạt động kinh tế tại Hàn Quốc sẽ trở lại bình thường từ tháng 5 tới, ngay cả khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.
Viện nghiên cứu lấy ví dụ Trung Quốc đã giảm số ca nhiễm mới sau khi thực hiện các chính sách cách ly được một tháng và hồi phục các hoạt động kinh tế về mức bình thường trong một đến hai tháng sau đó.
Báo cáo cũng nhấn mạnh hồi phục kinh tế không có nghĩa là dịch COVID-19 hoàn toàn kết thúc, mà thể hiện ở việc chính phủ bước vào giai đoạn khống chế được dịch bệnh. Nếu Hàn Quốc có thể ổn định kinh tế nhanh hơn các nước khác thì các sản phẩm Hàn Quốc sẽ có cơ hội giành ưu thế, chiếm được nhiều thị phần hơn.
Ngược lại, với trường hợp thất bại trong đối phó dịch bệnh, Hàn Quốc sẽ phải thực hiện lại từ đầu quá trình cách ly.
Người bán chào mời ở chợ hải sản ở thủ đô Seoul - Ảnh: REUTERS
Báo cáo nhận định kể cả trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn như hiện nay, với những chính sách kích cầu của chính phủ và nhu cầu thực tế tăng trở lại, thị trường trong nước với trọng tâm là ngành phân phối hàng hóa và hàng tiêu dùng sẽ hồi phục từ quý 3 năm nay.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh trường học mở cửa trở lại và kinh tế Trung Quốc dần ổn định, ngành giáo dục và sản xuất, phân phối mỹ phẩm cũng sẽ dần khởi sắc.
Ngược lại, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài trên quy mô toàn cầu thì các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng phải đến sau quý 4 mới có cơ hội phục hồi.
Đặc biệt, các ngành du lịch và dịch vụ nhà hàng, khách sạn sẽ mất thêm nhiều thời gian hơn do phải tiến hành tu sửa trang thiết bị và cơ sở. Viện này dự đoán kinh tế toàn cầu trong tương lai sẽ không tránh khỏi phải thay đổi trục chính sang ngành cung ứng và phân phối.
Báo cáo cho rằng trong tình hình lượng hàng hóa giảm do hạn chế về giao thông vận tải, ngành phân phối sẽ được cơ cấu lại xoay quanh các doanh nghiệp lớn có tài chính vững mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận