Phóng to |
Cả bà Park (trái) và ông Moon đều muốn cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters |
Hai hào quang cũng là hai “bóng ma” nổi tiếng đang ám ảnh trên đường đua của họ.
“Cử tri Hàn Quốc sẽ lựa chọn giữa hai ứng cử viên không phải là chính trị gia độc lập mà là thế thân của hai người nổi tiếng đã khuất”.
Đó là nhận định của nhà phân tích chính trị Andrei Lankov thuộc Đại học Kookmin ở Seoul và nhiều chuyên gia trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào hôm nay 19-12. Hai “bóng ma” đang ám ảnh cuộc bầu cử, như mô tả của giới truyền thông Hàn Quốc và phương Tây, là nhà độc tài Park Chung Hee, bị ám sát năm 1979, và cựu tổng thống Roh Moo Hyun, tự sát năm 2009.
Bà Park Geun Hye là bóng hồng 60 tuổi, ứng cử viên đảng cầm quyền Saenuri, con gái lớn của ông Park Chung Hee. Bà đã sớm bước vào cuộc sống Nhà Xanh và năm 1974, khi mẹ bị ám sát, bà đã thay mẹ trở thành “đệ nhất phu nhân” Hàn Quốc trong các buổi tiệc, các nghi thức ngoại giao với cha cho đến khi ông cũng bị ám sát vào năm 1979.
Còn đối thủ Moon Jae In, 59 tuổi, thuộc đảng đối lập Dân chủ thống nhất (DUP), là luật sư, bạn thân của ông Roh Moo Hyun, chánh văn phòng chính phủ và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng khi ông Roh Moo Hyun còn đương nhiệm, từng bị bỏ tù dưới thời Park Chung Hee khi đấu tranh cho nhân quyền.
“Cuộc bầu cử tổng thống phần nào là sự đánh giá của người dân Hàn Quốc đối với di sản chính trị của ông Park và ông Roh” - chuyên gia Lankov nhận định.
Hai “bóng ma” - hai thái cực
Ông Park Chung Hee có lẽ là chính trị gia gây tranh cãi nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961, ông Park Chung Hee đã làm tổng thống liên tiếp trong các nhiệm kỳ thứ 5-6-7-8-9 kéo dài 16 năm từ 1963 cho đến khi bị ám sát ở tuổi 62, bởi họng súng của một người cấp dưới là bộ trưởng Bộ Thông tin cùng với các cộng sự vào ngày 26-10-1979.
Cái chết của ông cũng chấm dứt thể chế độc tài Park Chung Hee và để lại nhiều thành quả cũng như hậu quả cho đến mãi bây giờ. Đánh giá về nhân vật này, lịch sử Hàn Quốc không khỏi có hai luồng nhận định vừa tích cực vừa tiêu cực.
Dư luận trong và ngoài nước một mặt lên án chính sách độc tài khét tiếng của ông ta, những cuộc đàn áp chính trị đẫm máu và những chính sách cải tổ kinh tế đánh đổi bằng nước mắt của dân tộc. Mặt khác, Park Chung Hee lại được xem như một vị tổng thống tài ba đã vực dậy nền kinh tế Hàn Quốc vốn gần như suy kiệt sau những năm dưới sự chiếm đóng của Nhật và cuộc nội chiến.
Những năm tháng dưới chế độ độc tài đó đã tạo sức bật rõ rệt cho sự vươn lên của đất nước đến bây giờ. Với những đường cao tốc bắc nam, những cơ sở hạ tầng vững chắc, chính sách công nghiệp hóa toàn diện..., ông Park Chung Hee đã đưa đất nước Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp phát triển.
Trong khi đó, cựu luật sư nhân quyền Roh Moo Hyun, lên nắm quyền năm 2003, là người theo đuổi chính sách “Ánh dương” thân thiện với CHDCND Triều Tiên. Nhưng sau năm năm ông cầm quyền, đảng của ông rơi vào hỗn loạn do các xìcăngđan tham nhũng, đấu đá nội bộ.
Năm 2009, ông tự sát khi các nhân viên điều tra tham nhũng đưa gia đình ông vào tầm ngắm, để lại quá nhiều khúc mắc và những vụ bê bối gây thất vọng trong lòng người dân Hàn Quốc.
“Bà Park là con gái của nhân vật biểu tượng cho cánh hữu Hàn Quốc, còn ông Moon là thế thân chính trị cho cánh tả” - CNN dẫn lời chuyên gia Hahm Chai Bong, chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách châu Á (AIPS) ở Seoul.
Theo báo Korea Times, chính vì vậy ông Moon giành được sự ủng hộ của đa số cử tri trẻ thiên tả. Ngược lại, bà Park chiếm được cảm tình của những cử tri trên 50 tuổi thiên hữu, từng ngưỡng mộ cha bà.
Do đó, nhóm cử tri tuổi 40, vốn chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong cử tri, sẽ quyết định kết quả bầu cử, nhưng lợi thế này hiện được chia đều cho cả hai ứng cử viên. Mọi dấu hiệu đều cho thấy đây sẽ là một cuộc đua cực kỳ sát sao. Theo AFP, các khảo sát vừa qua cho thấy bà Park chỉ dẫn trước ông Moon khoảng 0,5% tỉ lệ ủng hộ.
Khi vận động tranh cử, bà Park khẳng định sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm bằng các dự án đầu tư vào khoa học và công nghệ. Ngược lại, ông Moon ưu tiên giảm khoảng cách giàu nghèo, hạn chế quyền lực của các tập đoàn công nghiệp (chaebol).
Thay đổi chính sách với Bình Nhưỡng
Dù ai chiến thắng, như báo New York Times dẫn lời giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei ở Soeul nhận định, chính sách của chính quyền Hàn Quốc với Triều Tiên cũng sẽ thay đổi.
Cả hai ứng cử viên đều cho rằng chính sách cấm vận để buộc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân của Tổng thống đương nhiệm Lee Myung Bak... đã thất bại.
Tuy nhiên, trong khi ông Moon cam kết nối lại viện trợ không điều kiện cho CHDCND Triều Tiên và nỗ lực đối thoại với Bình Nhưỡng thì bà Park lại tỏ ra thận trọng hơn khi khẳng định sẽ tách riêng vấn đề viện trợ nhân đạo khỏi chính trị.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh bất cứ khoản đầu tư kinh tế quy mô lớn nào vào Bình Nhưỡng cũng phải kèm theo điều kiện là “xây dựng lòng tin với các bước hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.
Giới quan sát phương Tây dự báo dù là ứng cử viên nào thì chính sách CHDCND Triều Tiên của chính quyền Hàn Quốc cũng sẽ tạo nên bất đồng với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak theo đuổi chính sách “kiên nhẫn chiến lược”: cô lập, trừng phạt Triều Tiên và hi vọng Trung Quốc kiềm chế Bình Nhưỡng, nhưng chính sách này không hiệu quả.
“Mỹ sẵn sàng để Hàn Quốc dẫn đầu trong vấn đề Triều Tiên, nhưng chỉ khi Washington cảm thấy thoải mái với hướng đi chung của Seoul” - New York Times dẫn lời nhà phân tích David Straub thuộc Đại học Stanford (Mỹ) nhận định. Giới quan sát cho rằng việc ông Moon lên nắm quyền có thể bất lợi cho Mỹ hơn là bà Park. Bởi ông Moon từng khẳng định sẽ điều chỉnh và cân bằng chính sách ngoại giao “nghiêng quá nhiều về Mỹ” của Hàn Quốc hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận