Ảnh tư liệu. |
Chiều 17-3, buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên-Môi trường nóng hơn với hàng loạt câu hỏi về dự báo, phòng chống hạn hán nhiễm mặn.
Tuổi Trẻ nêu câu hỏi: Tại buổi làm việc với tỉnh Long An mới đây, Tổng bí thư đã đặt vấn đề, “dự báo hạn, mặn đúng sẽ ứng phó hiệu quả, thiệt hại sẽ không nặng nề”. Hiện nay việc dự báo hạn, nhiễm mặn được triển khai ra sao?, Bộ Tài nguyên-môi trường có giải pháp nào để dự báo sớm hơn về tình hình hạn hán, nhiễm mặn?
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, trả lời: "Chúng tôi khẳng định đợt hạn hán vừa qua là kỷ lục trong vòng 100 năm qua, nhưng đã được dự báo và cảnh báo từ rất sớm.
Từ cuối tháng 8-2015 chúng tôi đã đưa ra nhận định về hiện tượng El nino ở mức độ kỷ lục kéo dài suốt năm 2015 và còn kéo dài sang năm 2016.
Việc cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn cũng được phát vào giữa mùa mưa của năm 2015. Chúng tôi cũng đã đưa ra cảnh báo hạn hán năm nay ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ còn khốc liệt hơn đợt hạn hán năm 2014, lý do mưa năm 2014 đã ít rồi thì mưa năm 2015 tiếp tục ít nữa.
Năm 2014 thiếu hụt khoảng 30% lượng mưa, còn năm 2015 còn thiếu hụt hơn, trong khi xuyên suốt cả mùa mưa năm 2015 không có mưa, không có lũ.
Bên cạnh đó, chúng ta đều biết tình trạng hạn hán, nhiễm mặn hiện nay là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hiện tượng El nino đang là kỷ lục.
El nino đã lên tới đỉnh hơn 3.1 độ, cao hơn cả đợt El nino năm 1997-1998. Vì vậy, hiện tượng này còn tiếp tục gây ra hậu quả.
Chưa hết, năm rồi ở đồng bằng sông Cửu Long cũng mất cả mùa lũ, hay lũ thấp nhất trong chuỗi số liệu đo từ năm 1926 tới nay.
Còn tình hình hạn hán, nhiễm mặn tới đây có cải thiện không? Theo những dự báo mới nhất, mùa mưa sẽ đến muộn, hạn hán được dự báo còn tiếp tục gay gắt và nghiêm trọng hơn nữa, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên, ở Trung Bộ, Nam Trung Bộ và có thể mở rộng ra cả ở Bắc Trung Bộ nữa. Còn hạn hán, xâm nhập mặn ở Nam Bộ hiện nay thì không còn gì có thể mô tả được.
Trước tình hình trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã phối hợp với các bộ tiến hành quan trắc mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay quan trắc sớm hơn hơn một tháng rưỡi so với trung bình các năm.
Hiện nay, cứ thường xuyên vào thứ sáu hàng tuần tại trang web của Trung tâm Dự báo Khí thượng thủy văn quốc gia đều cập nhật về tình hình xâm nhập mặn, tình hình hạn hán, và đó là công việc còn phải làm tiếp đến mùa mưa để giúp các địa phương ứng phó.
Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia. - Ảnh: Nam Trần. |
Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi: Trước thực tế hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng như hiện nay, ủy ban sông Me kong VN đã chủ động triển khai những giải pháp nào giúp cho các tỉnh ứng phó với tình hình hạn hán nhiễm mặn đang diễn ra?
Ông Trần Đức Cường, Phó chánh văn phòng Ủy ban sông Mê kong, trả lời:
Từ số liệu của Ủy hội sông Me kong, ngay từ sau tết, Ủy ban sông Mê kong tiến hành các nghiên cứu, phân tích để đánh giá các nguyên nhân chính xác tình trạng hạn và mặn hiện nay.
Có các nguyên nhân cơ bản theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban sông Mê kong VN là dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê kong xuống đồng bằng sông Cửu Long năm 2015-2016 đã suy giảm nghiêm trọng. Lượng nước điều tiết tự nhiên từ biển Hồ gần như bằng không.
Sau khi xác định được nguyên nhân, Ủy ban sông Mê kong tiến hành đưa ra các khuyến cáo, trong đó có khuyến cáo tiếp tục làm việc thông qua các kênh ngoại giao, thông qua các cơ chế hợp tác vùng ở trong vùng hạ lưu sông Mê kong để làm việc với các quốc gia thượng lưu sông Mê kong.
Chúng tôi cũng đề xuất làm việc với phía Trung Quốc để nước này xả nước cứu hạn ở phía hạ lưu.
Việc gửi công hàm trực tiếp cho Trung Quốc vì Việt Nam là một thành viên trong Ủy hội sông Mê Kong, chúng ta có nhiệm vụ phát hiện ra những vấn đề có liên quan tới quản lý khai thác bền vững tài nguyên.
Thứ hai, trong lịch sử hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia hạ lưu, mặc dù Trung Quốc chưa phải là thành viên của Ủy hội sông Mê kong, nhưng cũng có quan hệ thông qua các biên bản ghi nhớ.
Kết quả, ngày 15-3 Trung Quốc có thông báo chính thức về việc tăng cường lượng xả từ thủy điện Cảnh Hồng, cách biên giới Lào, Thái Lan 70km về phía thượng lưu.
Chúng tôi hy vọng với lượng xả 2.000m3/s sẽ giải quyết được một phần nào đó về khả năng tưới, khả năng cứu hạn ở dưới hạ lưu.
Còn khả năng đẩy mặn thì còn phụ thuộc rất nhiều vào đỉnh triều, nếu đỉnh triều tiếp tục cao lên thì việc giải quyết mặn còn khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận