07/04/2015 12:24 GMT+7

Hạn hán nặng, dân Bình Thuận mót nước cặn về nấu ăn

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TTO - Nhà máy cấp nước không còn nước để cung cấp cho dân, người dân phải "mót" từng chút nước lẫn đầy đất từ những giếng đào, lắng lại cho trong để dành nấu ăn...

Đồng ruộng ở xã Tân Thắng bị bỏ hoang sau khi thu hoạch vụ đông xuân vì thiếu nước - Ảnh: Nguyễn Nam

Đồng ruộng khô cằn bỏ hoang vì thiếu nước, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Thuận thống kê hàng trăm hecta đất nông nghiệp đã bị cắt giảm không sản xuất vì hạn hán.

Giếng đào cạn, giếng bơm không có nước

Tại ba xã Tân Thắng, Sơn Mỹ, Thắng Hải của huyện Hàm Tân, tình trạng khô hạn đang diễn ra nghiêm trọng. Hệ thống nước máy đã ngừng cung cấp do nhà máy nước không có nguồn nước.

Người dân đang tìm nhiều cách tích trữ nước khi giếng đào đã cạn, giếng bơm thì bơm nước không lên.

Bà Lê Thị Kiển (65 tuổi, thôn Phò Trì, xã Tân Thắng) cho hay gia đình bà và ba gia đình nữa dùng chung một giếng đào, nhưng nay giếng đã bắt đầu cạn.

Bà Kiển và nhiều người khác hằng ngày thay phiên nhau múc nước từ giếng lên đổ vào thùng, chờ đến khi cặn lắng lại rồi múc nước trong đổ vào bể đựng nước để dùng.

Chỉ vào bể nước dự trữ, bà Kiển nói: “Nước không sạch lắm nhưng để trong lại rồi dùng nấu ăn, giặt giũ. Chưa năm nào mà tôi thấy nắng hạn như năm nay”.

Ngày 6-4, ông Nguyễn Minh Hưng, cụm trưởng cụm cấp nước Thắng Mỹ (gồm ba xã Tân Thắng, Sơn Mỹ, Thắng Hải) thuộc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT), cho biết nguồn nước hiện nay đã cạn và không còn nước máy để cung cấp cho người dân. Riêng nguồn nước thủy lợi cung cấp cho nông dân sản xuất nông nghiệp đã cạn kiệt từ đầu năm 2015 đến nay.

Trên các cánh đồng của ba xã Tân Thắng, Sơn Mỹ, Thắng Hải, người dân thu hoạch xong vụ lúa đông xuân do không có nước nên đành để cánh đồng cháy nắng, đất đai nứt nẻ.

Ông Lương Thanh Phong (thôn Gò Găng, xã Tân Thắng) than thở: “Do thiếu nước nên nhiều người gặt lúa, bắp sớm, ai cũng thiệt hại. Gia đình tôi thiệt hại đến 70% khi thu hoạch. Trâu, bò, heo cũng thiếu nước nên chăn nuôi cũng khó. Nếu hạn kéo dài thì thiệt hại đủ đường”.

Ông Trần Văn Phi, phó chủ tịch UBND xã Tân Thắng, cho hay mùa mưa năm 2014 dứt sớm hơn các năm trước gần hai tháng nên đã gây ra khô hạn gay gắt. Nguồn nước của các con sông, mực nước ngầm trên địa bàn nhanh chóng cạn kiệt dẫn đến thiếu hụt nước làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và đời sống của người dân.

Tại xã Tân Thắng, chính quyền địa phương thống kê sản xuất lúa vụ đông xuân thất thu 15ha do thiếu nước, diện tích 15ha khác bị giảm năng suất. Khoảng 500ha cây trồng khác bị ảnh hưởng giảm năng suất như khoai mì, bắp, đậu các loại, thanh long.

Xin nước về cứu hạn cho bà con

Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, huyện Tuy Phong phải cắt giảm trên 779ha diện tích cây lúa và cây màu trên địa bàn các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân và Hòa Minh thuộc khu tưới hồ Đá Bạc và các đập thời vụ. Nước sinh hoạt tại đây cũng đang thiếu trầm trọng.

Huyện Bắc Bình có 500ha cây lúa bị giảm năng suất do thiếu nước tưới trong thời kỳ cây trổ bông. Còn tại thị xã La Gi và huyện Hàm Tân cắt giảm không sản xuất 278ha diện tích sản xuất cây lúa và cây màu.

Ông Nguyễn Hữu Ba, chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh Bình Thuận cho tiếp nước từ hồ Sông Dinh 3 về đập dâng Cô Kiều bằng việc xây dựng tuyến kênh 5.000m, giải quyết diện tích tưới cho đập Cô Kiều, Sông Tram từ 145ha lên 345ha, tăng diện tích tưới cho ba xã Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải cũng như nhu cầu nước sinh hoạt.

Sở NN&PTNT Bình Thuận đã thống nhất phương án xin UBND tỉnh kinh phí chống hạn để tổ chức các xe cung cấp nước lưu động cho người dân dùng sinh hoạt.

Tính đến cuối tháng 3-2015, lượng nước hữu ích còn lại trong các hồ nước thủy lợi trên toàn tỉnh là 50,69 triệu m3/216,55 triệu m3, đạt 23%. Sở NN&PTNT Bình Thuận đã đề nghị các địa phương trên toàn tỉnh triển khai các biện pháp chống hạn, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thủy lợi.

Thị xã La Gi hết khát nhờ hồ Sông Dinh 3

Năm 2014, thị xã La Gi thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khi bước vào mùa nắng nóng. Tuy nhiên đến mùa hạn năm nay, cơ quan chức năng đã đấu nối được hệ thống dẫn nước từ hồ Sông Dinh 3 về đập Đá Dựng (thị xã La Gi) để cung cấp nước cho Chi nhánh cấp nước La Gi (Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận).

Ông Nguyễn Quốc Cường, phó giám đốc Chi nhánh cấp nước La Gi, cho biết nhà máy nước của chi nhánh này đang hoạt động với công suất 3.000-5.000m3/ngày đêm, đủ nước phục vụ cho 15.000 hộ khách hàng và thị xã La Gi sẽ không thiếu nước sinh hoạt trong mùa hạn nặng này.

Theo thiết kế, hồ sông Dinh 3 có dung tích chứa trên 58 triệu m3 nước, hằng năm tưới cho trên 2.200ha ruộng khô hạn khu vực Hàm Tân, La Gi. Công trình này và hệ thống dẫn nước liên quan đến nay vẫn chưa được xây dựng hoàn thiện nên chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng hạn hán của huyện Hàm Tân. 

 

Đường dẫn nước thủy lợi phục vụ tưới tiêu ở xã Tân Thắng không có một giọt nước - Ảnh: Nguyễn Nam
Bà Lê Thị Kiển múc nước từ giếng đào đã cạn kiệt để dành cho sinh hoạt - Ảnh: Nguyễn Nam
Nước múc lên từ giếng đào đục ngầu do đã cạn kiệt - Ảnh: Nguyễn Nam
Người dân phải đổ nước đục vào thùng nước chờ lắng cặn xuống rồi để dành nấu ăn, giặt giũ - Ảnh: Nguyễn Nam
Cơ quan chức năng tại xã Tân Thắng dự báo trong 10 ngày tới, nguồn nước sinh hoạt tại đây sẽ cạn kiệt do nắng hạn gay gắt - Ảnh: Nguyễn Nam
Bắp trồng ở xã Tân Thắng bị cháy nắng do hạn hán - Ảnh: Nguyễn Nam
Để có nước dùng, người dân đặt bi bêtông dưới một lòng sông đã cạn kiệt ở xã Tân Thắng để lấy nước - Ảnh: Nguyễn Nam
NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp