06/10/2011 05:15 GMT+7

Hạn chế xe máy: Vẫn còn nguyên bài toán phương tiện đi lại

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Hạn chế xe máy lưu thông tại một số tuyến đường trong nội thành, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, đang được cân nhắc như một trong những biện pháp chống ùn tắc giao thông đã thành vấn nạn từ nhiều năm nay ở TP.HCM.

Đúng là xe máy bây giờ nhiều quá, trong khi đường phố chật hẹp. Ở các nước phát triển, một khi lượng xe hơi cá nhân lưu thông vượt quá sức chịu đựng của không gian đô thị, nhà chức trách cũng can thiệp bằng các biện pháp hành chính như cấm xe ra vào một vài khu vực trong giờ cao điểm.

Tuy nhiên, nếu xe cá nhân bị cấm hoặc bị hạn chế lưu thông, nhu cầu đi lại vẫn tồn tại phải được đáp ứng bằng những cách khác. Nhiều ý kiến cho rằng giải pháp căn cơ là thay đổi chính nhu cầu đi lại đó bằng cách xây dựng các cụm đô thị vệ tinh quanh thành phố với hạ tầng dịch vụ hoàn chỉnh từ bệnh viện, trường học đến ngân hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí... để người dân không đổ xô vào trung tâm thành phố hằng ngày.

Nhưng đó là chuyện lâu dài. Còn trước mắt phải trả lời câu hỏi: nếu cấm hoặc hạn chế xe máy, người dân đi lại bằng gì? Điều quan trọng là phải làm sao để xã hội coi lệnh cấm xe cá nhân chỉ là sự chủ động giới hạn của nhà chức trách đối với việc lựa chọn của người dân giữa các phương thức di chuyển tiện lợi như nhau. Đó không phải là sự cấm đoán tùy tiện, chỉ có tác dụng tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý, đồng thời đẩy người dân vào tình cảnh khó khăn do phải hi sinh một phần tự do cá nhân mà không được bù đắp.

Ở các nước Tây Âu, người dân thành phố chỉ cần bước ra khỏi nhà vài trăm mét là đến trạm xe buýt, metro. Khi xuống xe công cộng, cũng chỉ cần vượt qua chừng đó khoảng cách là đến nơi. Trong điều kiện ấy, lệnh cấm sử dụng xe cá nhân hầu như chẳng gây phiền hà gì đáng kể cho cuộc sống hằng ngày.

Mạng lưới giao thông công cộng của họ là một thể thống nhất cả về phương diện quản lý và ở góc độ thụ hưởng dịch vụ. Các tuyến xe buýt, metro, xe điện được sắp xếp một cách hợp lý để hành khách thực hiện một hành trình phức tạp có thể nối chuyến, hoặc thay đổi phương tiện ngay tại trạm dừng chân mà không phải di chuyển xa. Sự quản lý thống nhất mạng vận chuyển công cộng cho phép hành khách dùng một vé để đi trên tất cả phương tiện, cho đến khi kết thúc một lượt đi đối với vé lẻ hoặc kết thúc một thời hạn đối với vé tuần, vé tháng.

Để bảo đảm trật tự xã hội, mà trật tự trong giao thông công cộng là một thành phần, cần một tập hợp giải pháp được thực hiện đồng bộ: bên cạnh các biện pháp hành chính, thể hiện sự can thiệp quyết liệt của nhà chức trách trong việc giải quyết xung đột lợi ích, cần tạo điều kiện vật chất để người dân cảm thấy thoải mái, tiện lợi và thân thiện khi đặt hành vi ứng xử của mình trong khung pháp lý. Chính quyền không nên đề ra chuẩn mực ứng xử thật ngặt nghèo rồi cứ để mặc cho người dân tìm cách thích nghi.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp