21/09/2016 06:00 GMT+7

Hạn chế xe cá nhân và lựa chọn nào tốt?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Làm gì để người dân cảm thấy thoải mái để từ bỏ thói quen chen chúc nhau đi xe máy giữa trời nắng, trời mưa, đường ngập?

Kẹt cứng trên đường Trần Quốc Hoàn (hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất) về các quận trung tâm mỗi khi vào giờ cao điểm - Ảnh: HỮU KHOA
Kẹt cứng trên đường Trần Quốc Hoàn (hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất) về các quận trung tâm mỗi khi vào giờ cao điểm - Ảnh: HỮU KHOA

Nhiều bạn đọc xôn xao trước việc Hà Nội lên phương án hạn chế xe cá nhân. Cũng như Hà Nội, tình trạng kẹt xe ở TP.HCM - đô thị lớn nhất nước - khá trầm trọng, nhất là vào giờ cao điểm ở những nút giao thông huyết mạch.

Hình ảnh người dân thành phố vất vả nhích từng chút một vào đầu giờ sáng hay chiều tan tầm không còn quá xa lạ. Đó là chưa kể khi trời mưa lớn hay triều cường, sự vất vả còn tăng lên gấp bội.

Làm thế nào kẹt xe không còn là nỗi ám ảnh của người dân thành phố?

Sao không nghĩ đến việc đi bộ ở trung tâm?

Bất lực với kẹt xe trên đường Phan Đình Phùng chiều 15-8

Theo KTS quy hoạch đô thị Trương Nam Thuận, đi bộ cũng là một trong những giải pháp cần nghĩ đến và tìm hướng tiếp cận để giải quyết vấn đề giao thông cho TP.HCM theo định hướng tương lai.

“Hãy nhìn những thành phố với mật độ dày đặc như Singapore hay Hong Kong, tại sao mọi người vẫn có thể đi bộ giữa các tòa nhà với bán kính tính bằng kilômet? Đó là vì hệ thống giao thông phục vụ cho khách bộ hành được quy hoạch rất tốt.

Vì thế, tôi cho rằng đây cũng là một giải pháp khả thi cho khu vực trung tâm TP.HCM.

Nếu người dân có thể đi bộ trong môi trường không bị ảnh hưởng bởi nắng, mưa, khói bụi, không lo sợ cướp giật thì 1-2km là hoàn toàn có thể”, ông Thuận nói.

Giao thông công cộng không chỉ có xe buýt

Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng tốt nhưng không phải là duy nhất có thể nghĩ đến, KTS Trần Huy Ánh đánh giá.

“Nhìn ra các nước có nền kinh tế khá giả hơn chúng ta như Colombia, họ đã sử dụng đến cả hệ thống cáp treo để giải quyết vấn đề về giao thông. Có thể áp dụng giải pháp này đối với tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Theo tôi, đây là giải pháp vừa nhanh, vừa rẻ mà tính hiệu quả lại rất cao”, ông Ánh đề xuất.

Mặt khác, ông Ánh cho rằng phải tối ưu hóa việc chia sẻ phương tiện khi tham gia giao thông, điển hình như một số mô hình kinh doanh vận tải hiện nay. 

Nhiều lựa chọn khác tốt hơn

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng với mục tiêu phát triển giao thông bền vững, giải quyết các vấn đề kẹt xe, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và phục vụ tốt cho người dân, các nhà quản lý đô thị nên có cái nhìn tổng quan hơn và hướng đến phát triển giao thông công cộng.

Theo các chuyên gia, nếu theo định hướng chuyển đổi hình thức giao thông theo hướng giao thông công cộng ở các TP.HCM thì việc hạn chế xe cá nhân chỉ là một phần nhỏ, góp phần vào việc chuyển đổi, yếu tố then chốt vẫn là phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, tiện lợi, kinh tế…

“Nếu chúng ta tách việc hạn chế hoặc cấm xe cá nhân ra khỏi định hướng chung về phát triển bền vững, khi mà nhu cầu đi lại của người dân không giải quyết được thì giải pháp này là vô nghĩa.

Muốn hạn chế xe cá nhân, trước hết, hãy đưa cho người dân một lựa chọn khác tốt hơn”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Có cùng quan điểm, ông Trương Nam Thuận cho rằng phải có quy hoạch để người dân chuyển đổi hình thức sử dụng phương tiện giao thông từ cá nhân sang công cộng. Phải đảm bảo hình thức mới tiện ích hơn, kinh tế hơn hình thức cũ thì người dân mới dần dần hạn chế sử dụng xe máy. 

KTS Trần Huy Ánh cho biết ông đánh giá cao những nỗ lực của TP.HCM trong việc giải quyết vấn đề kẹt xe. 

Công cụ điều tiết giao thông tốt nhất, theo ông Trần Huy Ánh, là công cụ tài chính. Chẳng hạn có thể tính đến giải pháp dùng phí để điều tiết việc di chuyển vào - ra ở khu vực trung tâm, bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng.

Ngoài ra, việc áp dụng mô hình thành phố thông minh, cần phát triển nhiều hơn thông qua những ứng dụng công nghệ thông tin để điều tiết giao thông, theo ông Ánh, là bước đi đúng đắn và có tính bền vững.

Bài toán khó

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định để giải được bài toán khó này, các nhà quy hoạch cần phải đưa ra được những bản kế hoạch tổng thể trong ngắn và dài hạn hiệu quả, thiết thực.

“Kế hoạch phải bao hàm việc quy hoạch, tổ chức mạng lưới, phát triển từng bước ra sao và các biện pháp thực hiện sao cho hiệu quả nhất với đồng vốn hiện có, có thể thu hồi vốn để tiếp tục phát triển.

Nếu tính cả hai loại phương tiện là 100% thì nếu muốn giảm xe cá nhân từ 90% xuống 10% phải tăng giao thông công cộng từ 10% lên 90%, không thể tách rời thành hai kế hoạch khác nhau. Kèm theo đó phải là những kịch bản kinh tế phù hợp.

Ở New York, những nhà triệu phú vẫn hằng ngày sử dụng các phương tiện công cộng, họ chỉ sử dụng xe cá nhân vào cuối tuần. Vì sao?

Vì hệ thống giao thông công cộng rất tiện lợi, rộng khắp, có tính chuyển tiếp cao, rẻ và an toàn. Đi xe cá nhân vào trung tâm thì dễ nhưng tìm chỗ đậu rất khó và nếu có chi phí cũng rất mắc.

Quy mô của chúng ta không thể bằng New York nhưng kẹt xe đã rất trầm trọng là bởi hệ thống giao thông công cộng của VN không phát triển, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân”, ông Sơn nói. 

>> Nghe các phát biểu trong bài:

>> KTS Ngô Viết Nam Sơn

>> Chuyên gia đô thị Trương Nam Thuận

>> KTS Trần Huy Ánh

 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp