Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Người viết bài này đã từng góp ý với lãnh đạo TP.HCM về một số kinh nghiệm của các nước về giải quyết nạn kẹt xe.
Nhưng bất kỳ giải pháp nào, dù hoàn chỉnh từng chi tiết sau đó cũng đòi hỏi chính quyền và người dân cùng "thống nhất, kiên trì, nhẫn nại và... chịu khó" mới thực hiện được lộ trình hạn chế xe cá nhân.
"Trứng hay gà có trước?"
Chủ trương hạn chế xe cá nhân đặt ra hàng chục năm qua nhưng đều chung số phận: giải pháp đưa ra, dư luận phản ứng, chính quyền xếp lại.
Đã hình thành tâm lý phản ứng như: "hạn chế xe gắn máy, mỗi người mua ôtô là... xong"; "cái gì không quản được là... cấm"; "dành đường ưu tiên cho xe buýt là... lãng phí"; "người giàu đi ôtô, người nghèo đi bộ"...
Gần đây có khảo sát về tỉ lệ người ủng hộ hạn chế xe cá nhân, lại rộ lên nghi ngờ về con số khảo sát. Ai cũng có cái lý của mình.
Nhưng theo người viết, giả sử tỉ lệ ủng hộ hạn chế xe cá nhân ở mức rất thấp, thậm chí không đồng tình, chúng ta cũng phải làm bởi "nước đã ngập đến mũi rồi", chẳng còn thời gian để tranh luận.
Cũng không thể hiến kế giải pháp theo kiểu "trứng hay gà có trước?". Nhiều ý kiến cho rằng thay vì hạn chế, cấm đoán, phải phát triển giao thông công cộng, khi thấy thuận tiện, người dân sẽ bỏ xe cá nhân. Rất đúng, nhưng chúng ta chỉ làm được trên "bãi đất trống".
Nay đã quá muộn. Đô thị đặc nghẹt. Nhà cửa san sát, toàn đất vàng, đâu thể mở đường, sắm nhiều xe buýt. Đường sá nhiêu đó, nhiều xe cá nhân thì không có đường cho xe buýt. Xe buýt phải giành giật đường với xe máy, tạo ra hình ảnh xe buýt xấu xí... và tất cả đều chôn chân trên đường.
Hoặc ý kiến rằng chúng ta phải mở thêm đô thị vệ tinh, giãn dân ra xa, không xây thêm nhà cao tầng trong khu trung tâm... Đúng, nhưng cần nhiều năm để làm, trong khi kẹt xe đã nguy ngập rồi.
Góp ý để tăng tính khả thi là con đường ngắn nhất để có được giải pháp "gần đúng" với mọi người và phù hợp với thực tế nhằm hạn chế xe cá nhân.
Ông Đặng Văn Thành - Ảnh: THANH ĐẠM
Nguyên tắc 8 chữ
Tám chữ đó là "thống nhất, kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng". Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Chúng ta góp ý để có giải pháp "gần đúng", khi đó sẽ đạt được sự thống nhất ở mức chấp nhận được giữa chính quyền và người dân.
Cả hai cùng thống nhất rằng chỉ hạn chế xe cá nhân ở nơi đã phát triển giao thông công cộng và làm từng bước để mọi người điều chỉnh, quen dần.
Gọi là điều chỉnh nhưng là vấn đề lớn cho từng cá nhân vốn cả đời quen một bước lên xe.
Ví dụ cha mẹ đi làm bằng xe công cộng, còn con cái ai đưa rước đi học? Phải chịu khó vì từng cá nhân phải tự thu xếp cho mình trên cơ sở hạ tầng (xe buýt, tàu điện, bãi giữ xe...) mà Nhà nước đã chuẩn bị khi đưa ra quyết định hạn chế xe cá nhân.
Sự thật là "cuốc bộ ra đường" do đặc thù nhà ống nằm sâu trong hẻm là không dễ chịu chút nào.
Nhưng nếu người dân phải chịu khó một, chính quyền phải chịu khó mười, từ lắng nghe đến chăm chút để giảm tối đa phiền toái cho người dân khi họ buông xe cá nhân và "cuốc bộ".
Khi nghe lời "chói tai" do làm đảo lộn sinh hoạt hằng ngày, chính quyền cũng đừng "sợ" mà phải lao vào để gỡ rối.
Như vậy, thống nhất giải pháp vẫn chưa đủ mà chính quyền và người dân còn phải kiên trì, nhẫn nại và... chịu khó để đi hết lộ trình hạn chế xe cá nhân.
Nếu không kiên nhẫn giải thích, chỉnh sửa từ những chi tiết nhỏ nhặt để giảm tối đa những phiền toái gây ra cho người dân, sẽ khó có giải pháp hoàn chỉnh, được sự đồng thuận cao.
Cũng đừng chủ quan nghĩ rằng hạn chế xe cá nhân ở nơi đã có giao thông công cộng là suôn sẻ. Hoàn toàn không, cũng nảy sinh phức tạp, cần phải giải quyết như xảy ra xe ùn ứ ở hai đầu đường nơi hạn chế xe cá nhân.
Lúc này cần sự nhẫn nại. Chỉ có nhẫn nại mới dần khắc phục được khiếm khuyết.
Giải pháp, phải nhìn cả gói
Vấn đề ách tắc giao thông liên quan đến hàng triệu người, lại lưu cữu hàng chục năm, vì thế giải quyết cần phải cả gói gồm nhiều giải pháp khác nhau.
Nếu nhìn phiến diện từng giải pháp, có thể đó sẽ là những giải pháp... kỳ cục.
Nhưng mỗi giải pháp sẽ giúp hạn chế một số đông người dùng xe cá nhân, nhiều giải pháp sẽ giải quyết được cả vấn đề ách tắc giao thông đô thị.
Ví dụ như quy định xe lưu thông theo ngày chẵn lẻ. Nếu thực hiện, có người nói sẽ có người mua hai chiếc, vậy là chạy suốt tuần, càng thêm kẹt xe, lại lãng phí. Đúng, người có tiền sẽ làm thế, nhưng không phải là tất cả, chỉ có nhóm nhỏ.
Còn lãng phí ư? Không, đó là quyền của mỗi người. Đừng vì nhóm nhỏ có tiền mua hai xe để lách quy định chẵn lẻ mà lại không áp dụng giải pháp này.
Hoặc những người làm văn phòng ở khu vực trung tâm không cần phải đi lại trong giờ làm việc có thể dùng xe buýt để đi làm.
Như vậy sẽ giảm được hàng trăm ngàn xe máy vào khu trung tâm. Vậy cần phải có xe buýt ở khu trung tâm để phục vụ nhu cầu đi lại trong khu vực của nhóm người này.
Nhưng không phải lúc nào xe buýt này cũng đông nghịt. Đừng vì thế mà lo lắng là lãng phí...
Nhìn chung, kẹt xe đang gây lãng phí rất lớn. Mỗi giải pháp nếu thực hiện chỉ cần tác động đến 2/3 số người sử dụng xe cá nhân là thành công rồi. Lãng phí của từng giải pháp nếu có cũng không thể bằng cả xã hội chịu cảnh kẹt cứng trên đường.
Và chẳng quốc gia nào, thành phố nào tài giỏi đưa ra giải pháp giảm nạn kẹt xe thỏa mãn được mọi người.
Chỉ có giải pháp hạn chế thấp nhất sự tác động đến đời sống người dân mà thôi. Vì thế, khi phán xét giải pháp hạn chế xe cá nhân, hãy nhìn cả gói, không nên phiến diện.
Nên chấp nhận sự phiền toái... có ích
Chúng ta còn phải chịu đựng những phiền toái do nạn kẹt xe gây ra, ước tính trong cuộc đời, mỗi người mất cả chục năm chỉ để "chôn chân" trên đường.
Vậy, nếu được, hãy chuyển sự chịu đựng đó sang để thích nghi với các phiền toái xảy ra khi chính quyền hạn chế xe cá nhân.
Để một ngày nào đó chúng ta cũng có thói quen, nếp đi lại và hạ tầng giao thông như nhiều nước khác. Đó là sự phiền toái có ích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận