21/07/2019 21:15 GMT+7

Hạn chế đi máy bay để bảo vệ môi trường?

TINH ANH
TINH ANH

TTO - Trào lưu khuyến khích ngừng đi máy bay để bảo vệ môi trường ở một số nước châu Âu có khả năng mang đến sự thay đổi ra sao, ngay cả một hãng hàng không mới đây đã lên tiếng ủng hộ phong trào này?

Hạn chế đi máy bay để bảo vệ môi trường? - Ảnh 1.

Đi máy bay là "bỏ bom", làm hại môi trường? Nguồn: sitra.fi

Có ai làm dịch vụ mà tung chiến dịch truyền thông vận động khách hàng đừng dùng dịch vụ đó nữa? Nhưng đó chính xác là thông điệp mà Hãng KLM Royal Dutch Airlines (Hà Lan) gửi đến khách hàng trong chuyến dịch “Bay có trách nhiệm” cuối tháng 6 vừa qua. 

Trong đoạn video quảng bá và lá thư ngỏ của CEO Pieter Elbers ngày 29-6, KLM đặt vấn đề: “Có phải quý vị nhất thiết lúc nào cũng phải gặp mặt trực tiếp?”, “Thay vì bay, quý vị có thể đi xe lửa được không?” và cho rằng đôi khi chuyến bay mà ta dự định đặt vé không thật sự cần thiết. 

Có thể ta chỉ cần gọi video thay vì phải đáp máy bay đến gặp “mặt đối mặt”, hay các hành trình ngắn chỉ cần đi xe lửa là được, chứ không nhất thiết phải bay. Khi hành khách không bay, họ đã góp phần giảm dấu chân carbon (lượng phát thải CO2 mỗi người sinh ra có thể gây hại đối với môi trường) của mình.

Là một hãng hàng không, KLM chắc chắn vẫn cần khách đi máy bay. Hãng này khẳng định: “Bay có trách nhiệm” là một bước trong tiến trình xây dựng một tương lai bền vững cho ngành hàng không. 

“Song vì là một doanh nghiệp, chúng tôi cần lợi nhuận để sống còn và để có thể tiếp tục đầu tư vào các giải pháp bền vững” - KLM viết trong một thông cáo. KLM vẫn cần khách hàng, song mong muốn rằng cả hành khách lẫn hãng hàng không đều có trách nhiệm trong việc giảm thiểu tác động môi trường của việc đi lại bằng máy bay.

Tàu lửa mới ngầu

Kêu gọi hành khách cân nhắc trước khi lựa chọn di chuyển bằng máy bay không chỉ là ý tưởng của KLM. Có hẳn một trào lưu “chống máy bay” nhằm lan tỏa thông điệp này. Nhưng máy bay gây hại cho môi trường thế nào? Nếu không đi máy bay thì phải làm gì? Ngành hàng không phải “dẹp tiệm” để cứu Trái đất?

Theo báo Anh Independent, phong trào chống đi máy bay xuất phát từ Thụy Điển vào năm 2018 và có tên là flygskam, dịch nghĩa đen sang tiếng Anh là flight shame (sự xấu hổ của việc đi máy bay). Những người đấu tranh cho flygskam kêu gọi ngưng di chuyển bằng máy bay để giảm phát thải carbon. 

Trang Quartz ngày 4-7 mô tả phong trào này kỳ vọng ta sẽ cảm thấy tội lỗi khi nhận ra chuyến bay gần nhất của mình có thể đã khiến một con gấu Bắc cực mất chỗ ở (vì khí hậu nóng lên dẫn đến băng tan) mà thôi không đi máy bay nữa.

Song song với trào lưu “đi máy bay là xấu hổ” là phong trào tagskryt, nghĩa là “khoe chuyện đi xe lửa”, kêu gọi mọi người cùng nhau di chuyển bằng đường sắt thay vì hàng không, rồi chụp hình đăng lên mạng xã hội kèm hashtag #tagskryt. Những nhà hoạt động vì môi trường tin rằng đi máy bay là đáng xấu hổ, còn đi xe lửa thì đáng hãnh diện, tất cả vì tương lai Trái đất thân yêu.

Phong trào flygskam khá thành công ở Thụy Điển và một số nước Bắc Âu khác. Independent cho rằng chưa có thống kê chính xác bao nhiêu người đang ủng hộ “đi máy bay là xấu hổ”, nhưng trang Facebook Tagsemester, chuyên cung cấp bí quyết và thông tin để “giảm đi máy bay, năng đi tàu lửa”, hiện có khoảng 80.000 thành viên tích cực. 

“Khi mọi người bắt đầu thay đổi thói quen và ngưng đi máy bay, việc di chuyển bằng đường hàng không sẽ trở thành điều đáng hổ thẹn vì tàn phá môi trường và khí hậu” - Susanna Elfors, nữ doanh nhân và là nhà hoạt động vì môi trường, chủ trang Facebook Tagsemester, cho biết.

Theo báo Guardian (Anh), ngành hàng không chiếm 2-3% lượng khí thải CO2 do con người gây ra. Con số này sẽ còn tăng khi dân số và thu nhập ngày càng tăng, tức sẽ có nhiều người di chuyển bằng phương tiện này hơn. 

Theo trang Quartz, “không có cách nào để bạn đóng góp vào việc giảm phát thải carbon nhanh hơn là ngưng đi máy bay”. Chẳng hạn, chỉ cần hủy kế hoạch bay từ New York đến London (và chọn phương tiện khác) là đã giảm dấu chân carbon của ta nhiều hơn việc ngưng ăn thịt bò trong một năm (ngành chăn nuôi cũng ô nhiễm môi trường). 

Cụ thể, chuyến bay vượt đại dương nói trên kéo dài 6-7 tiếng và thải ra 1,6 tấn CO2 vào không khí, “tương đương lượng khí thải thải ra nếu bạn đi bằng xe hơi, mỗi ngày đi 15 dặm (24km) suốt một năm”, theo Quartz.

Có thể làm gì

Trong chuyện ứng phó biến đổi khí hậu, ý tưởng, giải pháp, phong trào nào cũng có hai mặt và tranh cãi là không thể thiếu. Nhưng dưới góc độ cá nhân, nếu bạn thực sự muốn giảm dấu chân carbon của mình thì vẫn có thể hành động. 

Cần nhấn mạnh là việc này chỉ để giảm tác động của chính bản thân ta với biến đổi khí hậu, vì dĩ nhiên ngay cả khi bạn thề không lên chiếc máy bay nào nữa thì các chuyến bay vẫn diễn ra.

Thay vì cực đoan nói không với máy bay rồi đi tàu lửa hơn 30 tiếng từ Sài Gòn ra Hà Nội dự một cuộc họp, ta có thể thực hiện những thay đổi nhỏ nhưng ý nghĩa hơn. 

Theo trang Quartz, cất cánh là khâu tốn nhiên liệu nhất của máy bay, vì thế chọn các đường bay thẳng, không có quá cảnh cũng là một cách đóng góp (giảm được ít nhất một lần cất cánh). Ngoài ra, cũng có thể chọn nghỉ mát ở những địa điểm gần, không nhất thiết phải đi bằng máy bay mới đến được.

Chọn hạng ghế phổ thông cũng mang lại hiệu quả. Một chuyến bay khứ hồi hạng thương gia ở Mỹ có thể thải ra lượng khí nhà kính bằng lái xe cả một năm. Tại sao ghế phổ thông lại “bảo vệ môi trường” hơn ghế thương gia? Lý do là vì khoang thương gia ít khách hơn nên sẽ có tỉ lệ khí thải theo đầu người cao hơn khoang thường.

Bạn cũng có thể chọn đóng góp vào chương trình đền bù carbon của các hãng hàng không. Liên Hiệp Quốc đã xây dựng Cơ chế giảm và đền bù carbon đối với hàng không quốc tế (CORSIA), với mục tiêu kiểm soát để phát thải carbon của ngành hàng không không tăng thêm so với mốc ghi nhận được vào năm 2020 bằng cách buộc các hãng hàng không phải có kế hoạch giảm khí thải hoặc chương trình đền bù carbon. Một số hãng hàng không đã công khai chương trình đền bù carbon khi bán vé để khách hàng có thể tham gia.

Ngoài ra, không nhất thiết phải cảm thấy hổ thẹn và tội lỗi nếu bạn phải đi máy bay.

Tỉ lệ 2,5% đóng góp vào phát thải carbon toàn cầu của ngành hàng không chẳng là gì so với ngành nông nghiệp hay việc đốt than, khí thiên nhiên và dầu để phát điện. 

“Cho tất cả máy bay trên thế giới “nằm đất” cũng chỉ giúp đạt được một chút xíu thành quả trong công cuộc cắt giảm khí thải toàn cầu của nhân loại mà thôi” - tác giả Natasha Frost viết trên Quartz - “Chính vì thế mới cần các giải pháp vĩ mô hơn là hành động cá nhân”. 

Đẩy trách nhiệm cho cá nhân?

Ngành hàng không dĩ nhiên không thể vờ như không hề biết gì đến phong trào “đi máy bay là xấu hổ”. Tại hội nghị thường niên mới đây ở Hàn Quốc, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã chú trọng đến việc làm sao để đối phó với flygskam và tâm thức “bài máy bay” của hành khách, đặc biệt là ở Bắc Âu.

“Nếu không giải quyết rốt ráo, tâm lý “bài hàng không” này sẽ còn tăng và lan rộng hơn” - Alexandre de Juniac, giám đốc IATA, nói với khoảng 150 giám đốc điều hành các hãng hàng không tại hội nghị.

Tuy nhiên, chiến dịch của Hãng KLM nói riêng và phong trào “bài hàng không” nói chung cũng nhận được nhiều phản đối. Một số chính trị gia Hà Lan cho rằng KLM chỉ mới “nhẹ nhàng khuyến khích khách hàng giảm đi máy bay”, thay vì có các biện pháp mạnh mẽ hơn như cắt giảm các chặng bay ngắn hay buộc khách hàng phải tham gia chương trình “đền bù carbon”, tức đóng thêm phí khi mua vé máy bay để các hãng hàng không dùng tiền đó đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường (như trồng rừng).

Theo nhà khoa học chuyên nghiên cứu biến đổi khí hậu Michael Mann, nhìn rộng ra, phong trào chống đi máy bay sẽ gây hại lớn ngay cả khi xuất phát với dụng ý tốt, vì nó tô đậm việc hành động cá nhân có thể mang lại thay đổi lớn và từ đó khiến chúng ta quên rằng cần phải đòi hỏi các thay đổi mang tính hệ thống, tức các chính sách vĩ mô.

Việc kêu gọi hành động tự nguyện sẽ vô tình làm giảm áp lực để thúc đẩy các chính phủ phải có chính sách bắt buộc các doanh nghiệp và ngành công nghiệp phải có trách nhiệm với môi trường, theo Mann.

Những người “bài máy bay” cho rằng điều quan trọng hơn kêu gọi hành động cá nhân là phải ủng hộ các chính trị gia quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, để họ có thể mang đến các thay đổi về chính sách như cảnh báo các ngành công nghiệp ô nhiễm phải thay đổi, thay đổi về thuế môi trường, thuế xăng dầu…

Mua sắm để… bảo vệ môi trường

Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng xanh như văn hóa, trình độ học vấn, ý thức về môi trường, thu nhập… Tuy nhiên, giá cả vẫn là yếu tố hàng đầu tác động đến hành vi mua sắm xanh, bền vững của người dân.


TINH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp