Mang nợ xấu mà không biết vì sao
Phản ánh đến đường dây nóng Tuổi Trẻ Online, bạn đọc D.T.Đ. cho biết anh không nhớ chính xác đã làm thẻ xài trước trả sau của một ngân hàng từ khi nào. Nhưng mới đây khi giao dịch ở một ngân hàng khác thì mới biết tên của anh nằm trong danh sách nợ xấu bị lưu trữ trên thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).
Cũng theo anh Đ., thông báo từ CIC tên của anh bị đưa vào nhóm nợ xấu với lý do: chậm thanh toán 627 ngày với số tiền 13 triệu đồng của ngân hàng mà anh làm thẻ.
"Tôi chưa bao giờ rút tiền từ thẻ xài trước trả sau mà ngân hàng đã làm cho tôi, thậm chí mật khẩu của thẻ này tôi còn chưa đổi, cứ nghĩ đơn giản là sau thời gian mình không sử dụng thì ngân hàng sẽ tự động đóng thẻ. Nhưng đâu ngờ..." - anh Đ. chia sẻ.
Cũng theo anh Đ., để có câu trả lời vì sao bị nợ xấu, anh Đ. đến ngân hàng làm thẻ tìm hiểu nguyên nhân thì được biết trước đây anh được ngân hàng này cấp thẻ tín dụng xài trước trả sau với hạn mức tín dụng là 40 triệu đồng.
"Trong thời gian đầu với chế độ ưu đãi của ngân hàng, tôi không mất lệ phí. Nhưng khi đến hết thời gian khuyến mãi, tôi phải đóng lệ phí thường niên. Số tiền hơn 13 triệu đồng tôi nợ ngân hàng là lệ phí hằng năm tôi chưa đóng nên bị cộng dồn" - anh Đ. cho biết nhân viên ngân hàng trả lời như vậy.
Theo anh Đ., nếu muốn được ngân hàng xóa khoản nợ xấu này, với sự tư vấn của nhân viên ngân hàng, anh đã viết giấy yêu cầu bộ phận cấp thẻ xem xét, trong đó có nội dung chấp nhận "đóng mức phạt hợp lý".
Từ tư vấn của bộ phận cấp thẻ, ngày 2-10, anh Đ. đã đến phòng giao dịch ngân hàng để đóng mức phạt là 200.000 đồng.
Thông qua câu chuyện của mình, anh Đ. mong mọi người hết sức cân nhắc khi làm thẻ ngân hàng. "Đừng vì ham có nhiều thẻ ATM trong ví, coi chừng mất tiền phạt mà còn bị "nợ xấu" - anh Đ. chia sẻ.
Thực sự có nhu cầu tiêu dùng bằng thẻ tín dụng hãy mở thẻ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trưởng phòng phụ trách bộ phận tín dụng cá nhân tại một ngân hàng ở Hà Nội cho biết phí thường niên thẻ tín dụng là khoản phí mà hằng năm các chủ thẻ phải trả cho ngân hàng để đảm bảo duy trì thẻ và những tính năng của thẻ.
"Để thu hút khách hàng, nhiều ngân hàng sẽ miễn phí thường niên năm đầu và tính phí từ năm thứ hai trở lên. Tùy thuộc vào từng ngân hàng mà mức phí từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng cũng có, có những nơi thu cao nhất 3 triệu - 5 triệu đồng" - vị này nói.
Vị này cũng lưu ý số tiền phí thường niên cho thẻ tín dụng không đóng sẽ được chuyển thành dư nợ trả chậm và chịu áp dụng lãi suất. Công thức tính lãi quá hạn = số tiền vay chưa trả x 150% lãi suất theo thỏa thuận x thời gian chưa trả nợ gốc.
Nếu vậy thì khách hàng phải trả trên 50%/năm cho dư nợ quá hạn đó.
Vị trưởng phòng này chỉ ra hai vấn đề cần lưu ý trong trường hợp khách hàng nêu trên.
Thứ nhất, về phía ngân hàng, tất cả các thông tin cá nhân khách hàng, email, số điện thoại, địa chỉ nhà… đều có, nên có biện pháp thông báo nhắc nợ.
Với kinh nghiệm làm trong lĩnh vực thẻ tín dụng lâu năm, vị này cho biết ít trường hợp để quá hai năm mới nhắc nợ khách hàng. Nhiều ngân hàng quá hơn 10 ngày sẽ nhắc nhở, thông báo khách hàng luôn.
Thứ hai, khi làm thủ tục mở thẻ, nhân viên ngân hàng cần tư vấn cho khách về việc có cần thiết mở hay không, sử dụng và các lưu ý về thanh toán, lãi trong hạn và quá hạn như thế nào.
Khách hàng khi mở thẻ, có sử dụng và chi tiêu, ngân hàng mới có lời từ việc thu phí chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm. Do vậy, với khách hàng mở thẻ mà không có nhu cầu, để không trong ví thì cần được tư vấn cân nhắc.
Với khách hàng, vị trưởng phòng ngân hàng cho rằng nếu thực sự có nhu cầu tiêu dùng bằng thẻ tín dụng hãy mở thẻ.
Người tiêu dùng cũng cần lưu ý việc không đóng phí thường niên dài hạn sẽ khiến khách hàng nằm trong danh sách nợ xấu lưu trữ trên CIC, giảm điểm tín dụng. Sau này dẫn đến nhiều khó khăn cho việc tiếp cận nguồn vay vốn từ ngân hàng, công ty tài chính.
Coi chừng rơi vào "bẫy" tài chính, lãi mẹ đẻ lãi con
Ông Trần Nhật Nam - chuyên gia ngân hàng đã khuyến cáo khách hàng như vậy khi làm và sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng xài trước trả sau.
Theo ông Nam, với thẻ tín dụng này, người tiêu dùng lưu ý nếu có nhu cầu thực sự mới mở. Phải luôn lưu ý tìm hiểu kỹ về lãi suất áp dụng, đặc biệt khi thanh toán không đúng hạn.
Về ưu điểm, theo ông Nam, dùng thẻ tín dụng khá tiện lợi. Các ngân hàng sẽ miễn lãi cho khách hàng từ 45 - 55 ngày, được hoàn tiền một số dịch vụ sản phẩm khi thanh toán… Trong điều kiện khách thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn thì sẽ được hưởng số lãi này. Do vậy, việc thanh toán đúng hạn rất quan trọng.
Ngược lại, nếu không quản lý và có phương án trả nợ, dùng thẻ tín dụng sẽ khiến không ít người rơi vào bẫy tài chính, lãi mẹ đẻ lãi con. Các cá nhân sử dụng thẻ cũng lưu ý trong trường hợp chây ì trả nợ thì sẽ bị đánh điểm tín dụng xuống thấp, hạn chế tiếp cận các khoản vay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận