Sự thật, ông xấu hổ đến mức không dám kể đã viết nó trong ngót nghét chục năm.
Đến lúc Cohen tỏ ra thích ca khúc I and I của Dylan, Dylan bảo đã viết ca khúc đó trong 15 phút, khi ngồi trên taxi.
Người ta có thể hỏi, việc bộ phim tài liệu Hallelujah: Leonard Cohen, A Journey, A Song của hai đạo diễn Dan Geller và Dayna Goldfine dành tới gần 2 tiếng để kể chuyện đời một ca khúc có phải hơi quá không?
Nhưng nếu biết câu chuyện trên thì câu trả lời là không.
Leonard Cohen - Hallelujah (Live In London)
Một bài hát như Hallelujah đến từ đâu?
"Tôi nhớ mình mặc chiếc quần xà lỏn, nằm trên thảm, đập đầu xuống sàn và than thở "Mình không thể viết nó nữa". Cô đơn quá! Gian khổ quá!", Leonard Cohen kể về quá trình hành xác để viết nên Hallelujah với một phóng viên âm nhạc kỳ cựu, Larry Sloman - người tự nhận mình là "con bệnh số 0" trong việc lan truyền ca khúc ấy.
Cho những ai chưa biết, Hallelujah có ít nhất 150 phần lời khác nhau, và Cohen có cả một chồng sổ tay ghi lại hành trình viết lời cho ca khúc này. "Anh có nghĩ mọi người bận tâm nhiều thế với một bản nhạc pop không?", Sloman hỏi.
Hẳn là với Cohen, Hallelujah chưa bao giờ chỉ là một bản nhạc pop. Và ngay trong một ca khúc cuối đời, khi Cohen dự cảm về sự ra đi của mình:
"Tôi rời khỏi bàn đây. Tôi ra khỏi cuộc chơi này", nhưng ngay từ đầu, với người đàn ông chỉ bắt đầu viết nhạc ở độ tuổi 30, mới đầu bị các hãng ghi âm chê bai "quá già cho cuộc chơi này", thì âm nhạc mãi mãi lớn hơn một cuộc chơi.
Nếu Bob Dylan là kiểu thiên tài của những khoảnh khắc, với khả năng phóng bút ra tuyệt phẩm, thì Leonard Cohen là kiểu thiên tài của sự bền gan. Quá trình sáng tác thần tốc của Dylan khiến ta choáng váng, còn quá trình sáng tác vật vã của Cohen khiến ta cảm động.
Ông sống với những ý niệm khác chúng ta. Là một người Do Thái giáo, Cohen tin vào "Bal Kot" - tiếng nói nữ tính từ Thượng đế. Người sáng tác chỉ phụng sự cho tiếng nói ấy, ghi chép lại những gì nàng mách bảo.
Cohen từng tưởng tượng ra một "Tháp Âm Nhạc" trăm tầng, nơi ông bị trói vào một chiếc bàn trong đó. Và vì một bài hát là một ân sủng từ trời, nên dù phải viết bao lâu, ông cũng chấp nhận "trả tiền thuê từng ngày sống trong Tháp Âm Nhạc".
HALLELUJAH: Leonard Cohen, A Journey, A Song | Official Trailer (2022)
Điệu thứ trầm, điệu trưởng cao
Trong Hallelujah, có một tứ thơ rất nổi tiếng về "hợp âm bí mật" mà vua David chơi cho Thượng đế nghe: "Khúc nhạc ngân thế này: Quãng tư, quãng năm. Điệu thứ trầm, điệu trưởng cao".
Trong tiếng Anh, cụm "điệu thứ trầm, điệu trưởng cao" còn có thể hiểu là "những cú rơi nho nhỏ, những cú bay vút cao". Câu hát đó đã vận vào đời ca khúc.
Bạn có thể không tin, nhưng Hallelujah - ca khúc có khả năng biến mọi nơi nó được trình diễn trở thành thánh đường, ca khúc mà ngày nay đã tái sinh trong 300 bản thu âm chính thức và không đếm xuể những bản cover không chính thức - đã từng bị đánh giá không đủ hay để phát hành ở Mỹ.
Một chuyện hy hữu xảy ra, đó là hãng ghi âm Columbia lúc bấy giờ đã trả thù lao cho Leonard Cohen cùng ê kíp sản xuất album Various Positions, nhưng rồi lại không duyệt sản phẩm của họ. Album có ca khúc Hallelujah chỉ có thể được một hãng đĩa nhỏ phát hành và lặn không sủi tăm - một cú rơi nho nhỏ.
Khi xem những đoạn phỏng vấn cũ của Cohen, nghe những người bạn như nhà sản xuất đầu tiên của ca khúc, John Lissauer, lãnh đạo đương nhiệm của Columbia và cả người tình năm xưa của Cohen kể lại câu chuyện ấy, ta không khỏi có cảm giác Thượng đế đang thử thách đức tin của Cohen, như Người đã thử thách những nhà tiên tri, những môn đệ của mình bằng cách cố tình đẩy họ vào hoạn nạn.
Cohen đã vượt qua bài thử thách ấy. Bởi làm sao có thể giải thích được biết bao những chuyện tình cờ đã đưa Hallelujah ra ánh sáng.
Sự tình cờ nào khiến Bob Dylan để ý tới một đĩa nhạc không ai để ý rồi đem Hallelujah vào những chuyến lưu diễn của mình?
Sự tình cờ nào khiến chàng thanh niên Jeff Buckley đến nhà thờ St.Ann tham gia biểu diễn ca nhạc theo lời giới thiệu từ quản lý của cha mình, tình cờ nghe được Hallelujah, để rồi tạo nên một phiên bản ca khúc đẹp não nùng làm mê hoặc bao người?
Sự tình cờ nào khiến một bộ phim gia đình cho đối tượng thiếu nhi như Shrek lại có thể đưa vào một ca khúc đầy phức cảm của ánh sáng và bóng tối, chắp cánh cho một ca khúc từ xửa xưa vút bay cao thành bản nhạc kinh điển mọi thời?
Quay ngược thời gian, sự tình cờ nào khiến một chàng trai xuất thân giàu có như Cohen lại theo đuổi âm nhạc ở tuổi trễ tràng?
Rất nhiều người từng không hề biết tác giả Hallelujah là ai. Ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng như Brandi Carlile cũng thừa nhận, bản đầu tiên cô nghe là của người khác.
Vậy làm sao giải thích được tất cả những chuỗi tình cờ đã đưa Hallelujah từ một bản nhạc bị bỏ quên vào đúng vị thế của nó - một kiệt tác? Có lẽ chỉ có thể là bởi, Thượng đế có sự sắp đặt cho tất cả.
Mọi thứ ở Cohen làm suy yếu cảm thức về thời gian: ông bước vào âm nhạc ở cái tuổi mà người khác có khi đã về hưu; ông viết một bài hát bằng thời gian người ta viết hàng trăm bài; ông bảo chỉ thực sự biết yêu lần đầu năm... 50 tuổi; ông lên núi tu thiền 5 năm, lúc đang ở đỉnh cao danh tiếng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận