28/10/2024 19:32 GMT+7

Hai vị đại tướng lý giải thêm việc nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội

Chiều 28-10, Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có thông tin thêm một số nội dung trong sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ sĩ quan cấp tướng quân đội.

Đại tướng Phan Văn Giang nói về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ tướng quân đội lên 60 tuổi - Ảnh 1.

Đại tướng Phan Văn Giang - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 28-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thời kỳ cao nhất trong quân đội có 3 sĩ quan nữ cấp tướng

Phát biểu tại tổ về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với sĩ quan, Đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho hay bộ xác định với sĩ quan khi nghỉ hưu được hưởng tối đa 75% lương hưu theo Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.

Với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu), dự luật đề xuất tăng từ 46 lên 50 tuổi.

Giải thích thêm nội dung này, Bộ trưởng Phan Văn Giang nói nếu sĩ quan bắt đầu nhập ngũ năm 18 tuổi và nghỉ hưu năm 50 tuổi thì được 32 năm, cộng thêm một năm nghỉ chờ hưu sẽ được 33 năm.

Khi đó, nếu nghỉ hưu sẽ thấp hơn quy định nhận tối đa 75% lương (đối với nam có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội) là 2 năm và lương hưu sẽ giảm 3%. Tuy nhiên, theo bộ trưởng, trong quân đội, sĩ quan nghỉ hưu ở cấp úy hầu như không có mà chỉ "vạn bất khả dĩ" mới có.

"Thường nhập ngũ 10 hay 12 - 13 năm sẽ lên đến đại úy, còn nhập ngũ 32 năm mà mới lên đại úy là khó, buộc phải có chính sách khác.

Cũng có người bị hình thức này, hình thức kia đang từ cấp tá giáng xuống cấp úy sẽ phải giải quyết ra quân theo chế độ về hưu, phục viên hay gì đó. Những trường hợp đó không tính vào đây được", ông Giang nói.

Với cấp bậc thiếu tá, dự luật đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ 48 lên 52 tuổi, Bộ trưởng Phan Văn Giang nói sẽ có 34 năm trong quân đội và nghỉ chờ 1 năm sẽ đủ 35 năm. Như vậy sẽ hưởng tối đa 75% lương hưu.

Tại dự luật đề xuất về tuổi nghỉ hưu với cấp tướng giữ nguyên là 60 tuổi đối với nam nhưng với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi.

Về nội dung này, ông Giang thông tin thời kỳ cao nhất trong quân đội có 3 sĩ quan nữ mang quân hàm cấp tướng. Hiện tại có 1 nữ sĩ quan cấp tướng là phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Do đó, ông rất mong ủng hộ việc tuổi của nữ phải "xêm xêm" với nam, còn đúng ra với nữ quân nhân phải được nghỉ sớm vì rất vất vả. Đồng thời, với nữ sĩ quan cấp tướng được phong chủ yếu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Về chế độ nhà ở cho sĩ quan quân đội, Đại tướng Phan Văn Giang nói trước đây có quy định địa phương phải giải quyết vấn đề đất đai, nhà ở cho bộ đội, tuy nhiên không chi tiết, cụ thể.

Ông nhấn mạnh "đất quốc phòng không phải chỗ nào cũng trả ra được" nhưng chỗ nào là quỹ đất quốc phòng không còn sử dụng cho mục đích quốc phòng mà giao cho địa phương để quy hoạch thành khu dân cư "thì đề nghị ưu tiên cho quân đội".

Không làm tắc nghẽn, ảnh hưởng đến cơ cấu quân đội

Cũng phát biểu tại tổ, Đại tướng Nguyễn Tân Cương - tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết việc tăng tuổi của cấp úy, cấp tá nhằm tiệm cận với Bộ luật Lao động, song vẫn phải phụ thuộc vào việc quân đội là ngành lao động đặc biệt, đặc thù.

Vì vậy, việc tăng này nhằm thu hút nhân tài, giảm áp lực đào tạo và tích lũy thời gian, kinh nghiệm công tác của sĩ quan, nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định.

Hiện nay, số sĩ quan từ trung tá trở xuống theo luật mới đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 35 năm đóng bảo hiểm, nên không đủ 75% lương hưu.

"Anh em về cũng rất thiệt thòi, nên dự luật kéo dài tuổi ra để bảo đảm khi về hưu được đủ chế độ", ông Cương nói.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương lý giải do đặc thù của quân đội, quân đội phát triển theo hình tháp. Ở dưới cùng là cấp trung đội, việc tăng tuổi lên sẽ dẫn đến hiện tượng phình ở giữa.

Vì vậy, ông chỉ rõ nếu tăng quá tuổi lên nữa sẽ làm tắc nghẽn, tức là ở giữa đã phình to thì người ở dưới không phát triển lên được. Đây là một hiện tượng rất nguy hiểm nên cơ quan soạn thảo phải hết sức tránh.

"Chúng tôi phải đưa máy móc, công nghệ để tính toán, phân tích dữ liệu làm sao đưa ra độ tuổi tăng lên phù hợp nhất mà không làm tắc nghẽn, ảnh hưởng đến cơ cấu quân đội", ông Cương nói.

Cũng nêu ý kiến thảo luận tổ, đại biểu Vũ Xuân Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh - chỉ rõ Chính phủ trình không phân biệt tuổi của nam và nữ sĩ quan quân đội như Bộ luật Lao động.

Theo ông Hùng, hiện tỉ lệ nữ trong quân đội ít, sĩ quan nữ chỉ chiếm 3%, mới có 1 thiếu tướng là nữ. Đại tá cũng rất ít, khoảng 2%.

Số này không phải trực tiếp chỉ huy đơn vị sẵn sàng chiến đấu hoặc chiến đấu mà chủ yếu là học viện, nhà trường, trong nghề y hoặc nghiên cứu khoa học.

Do đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ không phân biệt tuổi nghỉ hưu nam - nữ. Cụ thể, với cấp tướng nam 60 tuổi, nữ cũng 60 tuổi mới nghỉ hưu.

Đại tướng Phan Văn Giang nói về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ tướng quân đội lên 60 tuổi - Ảnh 3.Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội

Đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã trình Quốc hội dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp