Trần Nguyễn Duy Tuấn (giữa) nhận giải nhất cuộc thi Việt Nam startup wheel 2019 bảng thi cá nhân/nhóm khởi nghiệp - Ảnh: QUỐC LINH
Theo website của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), 9 doanh nhân được lựa chọn và trao giải trong cuộc thi Lối sống Carbon thấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay (2020 Asia-Pacific Low Carbon Lifestyles Challenge) đến từ 6 quốc gia là Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.
Họ là những start-up đang tham gia cung cấp các sản phẩm/dịch vụ thúc đẩy lối sống "xanh" với việc phát thải ít carbon, hạn chế dùng rác nhựa và tăng cường sử dụng phương tiện đi lại thân thiện môi trường.
Chia sẻ cốc và tiết kiệm điện
Hai đại diện của Việt Nam là Lê Thùy Linh, nhà sáng lập Công ty AYA Cup, và Trần Nguyễn Duy Tuấn, đồng sáng lập kiêm CEO của Công ty Airiot.
Công ty AYA Cup hoạt động theo cách kết hợp với các cửa hàng cà phê để cung cấp cho loại cốc dùng nhiều lần, tiện cho khách hàng mượn mang đi. Sau khi dùng, họ sẽ đem trả tại bất cứ điểm nào trong cùng hệ thống và lấy lại tiền đặt cọc (thông thường là 50.000 đồng).
Cốc của AYA có 35% là bột tre và melamine, sau khi dùng đem chôn khoảng 2 năm có thể phân hủy.
Hệ thống chia sẻ cốc dùng nhiều lần của Linh hi vọng góp sức đáng kể trong công cuộc loại bỏ 27 tấn rác thải nhựa và styrofoam ước tính thải ra mỗi năm ở Việt Nam.
Còn sản phẩm của Airiot nhắm tới thị trường kinh doanh dịch vụ khách sạn và homestay ở Việt Nam, nhằm giải quyết thực tế nhiều khách thường để hệ thống điều hòa không khí trong phòng luôn bật ngay cả khi họ đã ra ngoài, gây lãng phí điện rất lớn.
Giải pháp đơn giản của Airiot giúp khắc phục tình trạng này là một thiết bị nhỏ "chỉ như chiếc móc khóa" giúp điều khiển, kiểm soát hệ thống điện năng của cả một căn phòng.
Thiết bị đã được lắp đặt thí điểm tại 500 phòng ở nhiều nơi tại Việt Nam. Những nơi áp dụng hệ thống giúp tiết kiệm điện của Airiot đã thấy giảm tiêu hao năng lượng từ 25-40% mỗi tháng, đi kèm với đó là mức giảm phát thải khí carbon ra môi trường.
Dự án "Airiot giải quyết vấn đề điện năng cho các Host Airbnb" của Trần Nguyễn Duy Tuấn và Đinh Duy Khanh từng giành giải cao nhất cuộc thi khởi nghiệp Việt Nam Startup Wheel 2019 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức.
9 gương mặt doanh nhân trẻ được trao giải thưởng trong cuộc thi Lối sống Carbon thấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2020. Lê Thùy Linh ở hàng trên cùng bên trái, Trần Nguyễn Duy Tuấn ở hàng dưới cùng bên phải - Ảnh chụp màn hình từ website của UNEP
Vì cuộc sống "xanh" hơn
Ngoài hai đại diện của Việt Nam, nhiều doanh nhân trẻ của các nước được trao giải lần này của UNEP cũng đã có những sáng kiến kinh doanh vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa mang lại cảm hứng lớn cho cộng đồng.
Start-up REMAKEHUB của nữ doanh nhân Sissi Chao (Trung Quốc) đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các công ty khai thác thủy sản, các thương hiệu thời trang để thu thập lưới đánh cá vứt đi, biến thành các sản phẩm nhựa có tính năng hữu dụng mới.
REMAKEHUB cũng đã phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ tự nhiên (WWF) để sản xuất kính râm tái chế và làm mô hình đồ nội thất từ nguồn nguyên liệu rác nhựa tái chế đó.
Cũng trên tinh thần giảm thiểu rác nhựa, doanh nhân Rikesh Gurung của Bhutan, nhà sáng lập Công ty The Green Road, chọn cách xử lý loại rác này thành vật liệu làm đường.
Đây là mô hình kinh doanh đầu tiên có ở Bhutan và The Green Road đã xử lý được 400 tấn rác nhựa thành vật liệu trải được hơn 65 km đường.
Với 20% trong tổng số 8.800 km đường của Bhutan cần gia cố mỗi năm, tiềm năng phát triển của The Green Road lúc này được cho còn rất lớn.
Những người giành giải thưởng của UNEP, theo trang Greenindustryplatform, được nhận 10.000 USD. Ngoài ra, họ còn được tham gia các khóa đào tạo và được các chuyên gia trong ngành chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phát triển mô hình kinh doanh cùng một số quyền lợi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận